Pháp luật

Từ kẻ sát nhân giả điên đến bản án tử hình

Suýt thoát tội vì được cho là tâm thần khi ra tay giết ông chủ khách sạn ở TP HCM dã man, Đồng Đăng Phúc phải nhận bản án tử hình do cơ quan giám định cấp cao hơn vào cuộc.

Suýt thoát tội vì được cho là tâm thần khi ra tay giết ông chủ khách sạn ở TP HCM dã man, Đồng Đăng Phúc phải nhận bản án tử hình do cơ quan giám định cấp cao hơn vào cuộc.

Nhiều lần đòi lương không được, ngày 18/10/1998, Phúc đóng giả thợ điện, mang ba lô đựng găng tay, dây dù và gậy sắt đột nhập nhà riêng sát hại ông Long dã man. Trong lúc nạn nhân chống trả, hắn bị thương ở tay.

Từ kẻ sát nhân giả điên đến bản án tử hình

Ảnh minh họa

Hung thủ tẩu thoát ra cửa sau, kêu taxi đưa đến bệnh viện chữa vết thương ở bàn tay. Tài xế phát hiện dấu hiệu bất thường, nghi ngờ anh ta giết người nên chở thẳng đến đồn công an.

Sau khi bị bắt Phúc có biểu hiện tâm thần. Trung tâm giám định pháp y TP HCM và Biên Hoà đều kết luận Phúc bị bệnh tâm thần phân liệt ảo thanh xúi giục, không đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Hắn được đình chỉ điều tra.

Không đồng ý với quyết định này, gia đình ông Long khiếu nại. Năm 2001, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I kết luận Phúc có biểu hiện "rối loạn nhân cách do sử dụng rượu nhưng vẫn đủ năng lực trách nhiệm hình sự, được giảm một phần trách nhiệm hình sự". 

Vụ án tiếp tục kéo dài với hàng loạt lần đình chỉ, phục hồi điều tra, tạm hoãn điều tra (do điều tra viên làm mất hồ sơ...). Đến tháng 5/2003, TAND TP HCM đưa Phúc ra xét xử.

Trình bày với tòa, Phúc nói trong đầu luôn vọng lên tiếng "giết nó đi", hoặc từ chối trả lời các câu hỏi thẩm vấn vì "không nhớ". HĐXX sau đó tuyên bị cáo án tù chung thân về tội Giết người. Bản án bị cả gia đình nạn nhân và bị cáo kháng cáo.

Cuối năm đó, Toà phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM nhận định cả 3 kết luận giám định pháp y đều không xác định Phúc bị bệnh tâm thần trước, trong hay sau khi gây án. Vì vậy, tòa không có căn cứ xem xét năng lực chịu trách nhiệm hình sự của bị cáo, tuyên huỷ bản án sơ thẩm.

Kết quả giám định lần thứ tư xác định, Phúc hoàn toàn bình thường, không bị bệnh tâm thần trước, trong hoặc sau khi gây án. Căn cứ vào kết luận này, TAND TP HCM xử lần hai vào tháng 1/2006, tuyên mức án tử hình đối với Phúc.

Cựu thẩm phán Vương Văn Nghĩa cho biết, HĐXX lần này đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: Vì sao bị cáo đi đòi tiền lương mà đi vào sáng sớm, đem theo dây, dao và leo rào vào nhà? Vì sao đâm nạn nhân tại phòng ngủ rồi kéo xác qua nhà vệ sinh? Vì sao dấu bàn tay ướt máu của bị cáo in trên màn che cửa sổ phòng ngủ? Vì sao gỡ chiếc bồn rửa mặt đập nát mặt nạn nhân? Vì sao ra cửa sau, đón taxi chở đến bệnh viện để băng vết thương tay?...

Tuy nhiên, Phúc không trả lời hoặc né tránh "không nhớ". Bị truy vấn quá, anh ta chỉ ấp úng: "Do nạn nhân tát bị cáo, khi bị cáo đang đi lên cầu thang để tìm vợ nạn nhân đòi tiền công...".

Theo ông Nghĩa, điều này chứng tỏ Phúc đã có dự mưu từ trước, có chuẩn bị hung khí, lên kế hoạch và phương án tẩu thoát sau khi gây án.

"Như vậy, có thể thấy anh ta không thể là người bị tâm thần. Dù có nhiều kết quả giám định về bệnh tình của anh ta nhưng sau 3 ngày xét xử và nghị án chúng tôi nhận thấy tội ác của Đồng Đăng Phúc quá dã man, không còn khả năng cải tạo, giáo dục… nên 5/5 thành viên HĐXX nhất trí xử phạt Phúc mức án tử hình", ông Nghĩa kể.

Toà phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM sau đó giữ nguyên phán quyết này. Phúc có làm đơn xin ân giảm án song không được chủ tịch nước chấp thuận.

"Ở các vụ án bị cáo có dấu hiệu tâm thần, việc giám định tư pháp có vai trò đặc biệt quan trọng. Như ở đây, vì những kết quả giám định trái ngược nhau mà Phúc suýt thoát tội. Thời điểm đó, toà phải triệu tập giám định viên lần cuối từ Hà Nội vào để tham gia xét xử, làm sáng tỏ vụ án", ông Nghĩa cho hay.

Theo B.Nguyên (VnExpress.net)