Pháp luật

Trắng tay vì 'nhắm mắt' đầu tư tiền ảo iFan

Với mức lợi nhuận “khủng” được vẽ ra cho các nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án tiền ảo, thời gian hoàn vốn chỉ trong vài tháng là tối đa, giá trị trên sàn giao dịch của đồng tiền ảo tăng chóng mặt, các chủ sàn giao dịch tiền ảo đã khiến hàng ngàn người dân “mờ mắt”.

“Tiền mất, tật mang”, không ít người cùng đường phải tự tử vì tiền ảo là thực trạng đáng báo động.

Trắng tay vì tiền ảo

Vụ việc hàng chục nhà đầu tư tố cáo một công ty nằm trên địa bàn TP.HCM huy động tiền rồi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đang là tâm điểm dư luận nhiều ngày qua.

Cụ thể, ngày 8.4, rất nhiều người tập trung tại trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech (tọa lạc tại tòa nhà 68 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM) tố cáo bị công ty này lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng từ tiền ảo iFan. Theo những người viết đơn tố cáo, Công ty Modern Tech kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền ảo iFan giống như một loại cổ phiếu có giá trị, nhưng thay vì phát hành cổ phiếu, Modern Tech lại phát hành ra đồng tiền này để huy động vốn nhằm tránh việc kiểm tra từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trắng tay vì 'nhắm mắt' đầu tư tiền ảo iFan
Hàng chục nhà đầu tư đã đến trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech tại TP.HCM căng biểu ngữ cáo buộc công ty này đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh: I.T

Công ty Modern Tech cam kết với người đầu tư vào tiền ảo iFan được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Không chỉ vậy, nếu nhà đầu tư mời gọi được người khác tham gia sẽ được hưởng thêm hoa hồng 8%. Bằng thủ đoạn trên, các thành viên của Công ty Modern Tech đã mời gọi hơn 32.000 nhà đầu tư tham gia dự án tiền ảo iFan. Điều đáng nói, sau khi các nhà đầu tư góp vốn 15.000 tỷ đồng thì họ không được các thành viên của Công ty Modern Tech hoàn trả vốn, lãi.

Theo chuyên gia kinh tế, mô hình huy động vốn của dự án iFan còn tinh vi hơn cả kinh doanh đa cấp. Nó kết hợp cả hình thức đầu tư lending (thuê vốn và trả lãi bằng tiền ảo iFan cho nhà đầu tư), ponzi (lấy tiền người sau trả cho người trước) và kinh doanh đa cấp (tức là có nhiều cấp). Với mức lãi suất trả cho nhà đầu tư lên đến 48%/tháng, thoạt nghe thì nhà đầu tư cứ nghĩ mình được lời đậm, thấy khối tài sản của mình ngày càng tăng lên theo cấp số nhân, nhưng thực chất đó chỉ là tài sản ảo bởi cuối cùng họ cũng không thể rút tiền ra được.

Hiện nay, những đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác đều không được chấp nhận tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác là bất hợp pháp và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 - 200 triệu đồng.

Một vụ việc khác cũng khiến dư luận chưa hết bàng hoàng bởi những lần đạt đỉnh hay rớt giá của đồng tiền ảo Bitcoin vào cuối năm 2017. Dư luận Việt Nam cũng như trên thế giới vào thời điểm đó liên tục nóng lên trước thông tin đồng Bitcoin đạt đỉnh. Ra đời năm 2010, đồng tiền này ban đầu có giá trị khoảng 1/4 cent (1USD = 100 cent) nhưng tăng dần lên 1.000, 2.000 hay thậm chí hơn 5.000USD vào những ngày đầu tháng 9. Lợi dụng xu hướng Bitcoin đang lên, nhiều đối tượng đã dụ dỗ, lôi kéo những người dân cả tin vào mạng lưới kinh doanh tiền ảo với lời hứa hẹn “lãi suất cao”, “giàu nhanh”…, nhưng thực tế, đây chỉ là mô hình lừa đảo theo kiểu đa cấp.

Nhà đầu tư được mời gọi tham gia vào sàn giao dịch tiền ảo có tên BKD. Mỗi người chơi sẽ đăng ký tài khoản qua trang web bkd.org và bỏ ra tối thiểu 14 triệu đồng để sở hữu 1 đồng Bitcoin tại thời điểm đó. Mô hình này hấp dẫn ở chỗ những người chơi được hứa hẹn sẽ nhận khoản tiền lãi 30% mỗi tháng, còn người giới thiệu cũng nhận được khoản chiết khấu 10%. Như vậy càng đóng tiền nhiều, càng mời được nhiều thành viên mới vào hệ thống, khoản tiền hàng tháng mỗi người nhận về sẽ càng cao.

Nhiều người đã “dốc hết hầu bao” để mua thêm các đồng tiền ảo, và kết cục, hệ thống BKD đã đóng cửa, họ không biết đi đâu để đòi lại số tiền mình đã bỏ ra. Giống với BKD, nhiều sản giao dịch tiền ảo đa cấp đang nở rộ tại Việt Nam với hàng loạt các loại tiền được những kẻ đứng sau “sáng tạo” ra như: Onecoin, Ilcoin, Gemcoin… Mỗi mô hình sử dụng một loại tiền ảo riêng nhưng đều có điểm chung là người chơi khi đã nộp tiền thật vào hệ thống, thường sẽ rất khó rút ra.

Hiện nay, những đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác đều không được chấp nhận tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác là bất hợp pháp và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 - 200 triệu đồng.

Biết rủi ro vẫn đầu tư vì hám lợi

Trao đổi với PV về việc huy động vốn của người dân với lãi suất ngất ngưởng rồi dẫn đến việc hàng loạt người bị lừa qua tiền ảo hay tín dụng “đen”, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tội phạm học cho rằng, nguyên nhân chính khiến nhiều người dân sập bẫy tiền ảo, đa cấp vẫn là vì lòng tham. Không ít người mặc dù biết rõ đầu tư có rủi ro, nhưng vì ham lợi nhuận cao mà “nhắm mắt đưa chân” với hy vọng mình sẽ là người may mắn.

Trắng tay vì 'nhắm mắt' đầu tư tiền ảo iFan - 1
 Một buổi tổ chức Hội nghị khách hàng toàn quốc "hoành tráng" của Modern Tech và iFan. Ảnh: I.T

“Khi người ta đưa ra một mức lãi suất cao ngất ngưởng để huy động tài chính, chính nạn nhân thấy thích thú mà lao vào. Không những thế còn lôi kéo cả người khác vào nữa. Trong những trường hợp như vậy, phải nói rằng người lừa cũng là người tham lam, nạn nhân cũng là người tham lam” - trung tá Hà Thị Hồng Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm và điều tra tội phạm học (Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an) bình luận. Để giải quyết vấn đề, theo bà Lan, chính người dân phải tự cảnh giác trước sự lôi kéo, đừng vì hám lời mà để mình sập bẫy.

Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an - cho rằng, vụ việc người dân tố cáo bị lừa 15.000 tỷ đồng khi bị huy động qua tiền ảo iFan là rất nghiêm trọng. Vị chuyên gia tội phạm học này xác định đây là một vụ án lừa đảo đa cấp dưới hình thức huy động vốn trái phép, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cần thiết phải xử lý hình sự. “Nói hoạt động của Modern Tech theo phương thức đa cấp vì công ty này đã xây dựng mạng lưới người tham gia kinh doanh đồng tiền ảo iFan gồm nhiều cấp, nhiều nhánh. Thông qua chính sách trả thưởng cho người tham gia lên đến 8% số tiền (mua đồng tiền ảo iFan) nếu lôi kéo người mới tham gia vào hệ thống, công ty đã xây dựng được mạng lưới nhà đầu tư lên đến 32.000 người. Nói hoạt động của Modern Tech là lừa đảo đa cấp, vì trong hoạt động của công ty dựa trên sự gian dối, thể hiện ở các dấu hiệu: Mạo nhận là công ty được ủy quyền của các đối tác nước ngoài làm ăn uy tín; tuyên truyền sai sự thật về ích lợi khi tham gia vào mạng lưới đầu tư đồng iFan” - trung tá Hiếu nêu quan điểm.

Ông Hiếu cho rằng, kẻ cầm đầu lấy lợi ích làm mồi nhử, hứa hẹn những lợi ích vô cùng hấp dẫn khi tham gia (hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng) để kích thích lòng tham, tính hám lợi của người dân. Bản chất thực sự của việc bán đồng tiền ảo iFan (không có giá trị và giá trị sử dụng) là chỉ nhằm thu tiền của các nhà đầu tư. Yếu tố chiếm đoạt đã được thể hiện rõ ràng bằng việc sau khi huy động số tiền lên đến 15.000 tỷ, lãnh đạo công ty đã ôm tiền bỏ trốn. Đây là những căn cứ để xác định hành vi của các đối tượng chóp bu tại Công ty Modern Tech phạm vào tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Với kinh nghiệm từng là điều tra viên thụ lý vụ án lừa đảo đa cấp lớn nhất Việt Nam thời điểm năm 2012 xảy ra tại Công ty MB24, trung tá Hiếu khẳng định không phải bị hại nào cũng đáng thương. Nhiều người biết là việc tham gia có rủi ro, thậm chí là lừa đảo, nhưng vì cái lợi trước mắt, nên vẫn tham gia, hoặc lỡ tham gia rồi thì cố lôi kéo người khác vào để rút được vốn ra và được hưởng hoa hồng phát triển mạng lưới.

TP.HCM chỉ đạo công an điều tra

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm vừa có công văn khẩn giao Công an thành phố (TP) phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh sự vụ liên quan đến đường dây tiền ảo đa cấp (đề cập Công ty CP Morden Tech, với số tiền huy động hơn 15.000 tỷ đồng), khẩn trương báo cáo đề xuất trình UBND TP.Trước đó, vào cuối năm 2017, UBND TP cũng có văn bản chỉ đạo về công tác phối hợp quản lý và xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo trên địa bàn TP. Theo đó, UBND TP khẳng định các loại tiền ảo nói chung không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Do vậy, để đảm bảo an ninh, an toàn về hoạt động tiền tệ, UBND TP yêu cầu các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ tăng cường kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế tối đa những rủi ro bất lợi ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.

P.V

Theo Bách Thuận (Dân Việt)