Pháp luật >> COVID-19 (nCoV)

TP HCM xử lý hình sự người về từ vùng dịch không xét nghiệm nCoV

Các chuyên gia pháp lý cho là phải xử phạt 5-10 triệu đồng đối với người từ Đà Nẵng về không xét nghiệm nCoV, hoặc xử lý hình sự nếu làm lây lan nguồn bệnh.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa chỉ đạo các quận huyện tiếp tục nhận thông tin khai báo y tế, làm xét nghiệm tầm soát đối với người về từ Đà Nẵng. Đối với các trường hợp cố tình không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, không chấp hành cách ly... sẽ xem xét xử lý hình sự.

Động thái này được người đứng đầu chính quyền thành phố đưa ra trước diễn biến phức tạp của Covid-19. Trong khi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết, đến sáng 11/8 có khoảng 3.000 người rời Đà Nẵng từ ngày 1/7 đến 28/7, đang sinh sống tại thành phố, chưa lấy mẫu xét nghiệm tập trung. Trong đó, không ít trường hợp từ chối hoặc không đến lấy mẫu theo hẹn.

TP HCM xử lý hình sự người về từ vùng dịch không xét nghiệm nCoV
TP HCM yêu cầu tất cả người từ Đà Nẵng về, từ ngày 1/7, phải xét nghiệm nCoV. Ảnh: Quỳnh Trần.

Theo luật sư Trương Xuân Tám (Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), hành động của thành phố là rất cần thiết và có căn cứ trong tình hình dịch bệnh đang lây lan rất nguy hiểm. Việc cố tình không khai báo y tế, không chấp hành các quy định về lấy mẫu xét nghiệm dù từ Đà Nẵng về, là có dấu hiệu của hành vi làm lan truyền dịch bệnh trong cộng đồng.

Trước hết, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử phạt hành chính theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm, khai báo y tế gian dối, từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế...

"Mức phạt này còn quá thấp so với mức phạt 10.000 đôla của Singapore, hay 5.000 Euro của Italia và 10.000 Euro của Đức mới ban hành trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, khi Chính phủ chưa sửa quy định, các cơ quan chức năng cần xử phạt kịp thời, nghiêm minh để giáo dục, răn đe", luật sư Tám nói.

Các trường hợp không khai báo y tế, không lấy, hoặc không cho lấy mẫu xét nghiệm mà gây hậu quả lan truyền nCoV trong cộng đồng - tức đã hội đủ các yếu tố cấu thành Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 BLHS 2015 và cần phải xử lý nghiêm.

Cùng quan điểm, luật sư Huỳnh Thanh Thi (Đoàn luật sư TP HCM) đánh giá, thông qua thống kê về tình hình dịch bệnh có thể thấy TP HCM là nơi kiểm soát và xử lý dịch bệnh tốt nhất trong các thành phố lớn tại Việt Nam, dù đây là trung tâm kinh tế, thương mại, giao thông và có nguy cơ nhất.

Tuy nhiên, hiện thành phố chỉ ra quy định không đeo khẩu trang nơi công cộng bị xử phạt cao nhất 300.000 đồng, còn lại chủ yếu là hướng dẫn và khuyến khích người dân tuân thủ các quy định về phòng chống Covid-19. Trong khi một số nơi như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng... đã ban hành các văn bản dưới luật mang tính chế tài cụ thể với các hành vi có nguy cơ như: không chấp hành các hướng dẫn khuyến cáo chung về khai báo y tế, xét nghiệm và cách ly.

Theo luật sư Thi, để công tác phòng chống Covid-19 hiệu quả, TP HCM có thể căn cứ vào các quy định pháp luật chung để xử lý những người vi phạm về phòng chống dịch bệnh. Trong đó, Điều 49 của Luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, quy định: việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A là bắt buộc.

Theo yêu cầu của chính quyền hoặc cơ quan y tế, trường hợp đã có đề nghị mà cố tình lẩn tránh, không khai báo, trốn cách ly, không lấy mẫu xét nghiệm... mà có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 330 BLHS 2015. "Cho dù kết quả xét nghiệm có thể chưa nhiễm bệnh, nhưng hành vi này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm", luật sư Thi nêu quan điểm.

Hồi cuối tháng 3, trong hướng dẫn gửi các toà án trên cả nước, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao yêu cầu áp dụng Điều 240 BLHS 2015 - xử lý đối với người về từ vùng dịch, nghi nhiễm và nhiễm nCoV nhưng khai báo y tế gian dối, trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định cách ly, không khai báo hoặc khai báo y tế gian dối... dẫn tới lây bệnh cho người khác.

Người chưa bị xác định mắc Covid-19 và sống trong khu vực cách ly, phong tỏa, nếu bỏ trốn hoặc từ chối áp dụng biện pháp cách ly... dẫn tới thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, do chi phí phát sinh phòng chống dịch bệnh, sẽ bị xử lý về tội Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 BLHS 2015 - khung hình phạt 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm.

Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền 50-200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù 1-5 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 5-10:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Y tế.

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 10-12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

b) Làm chết 2 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.

Theo Hải Duyên (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/tp-hcm-xu-ly-hinh-su-nguoi-ve-tu-vung-dich-khong-xet-nghiem-ncov-4146512.html