Pháp luật

"Tôi có lỗi là không phát hiện ra sự dối trá ở cơ sở"

Trong buổi chiều xét xử 14 cựu cán bộ sai phạm đất ở Đồng Tâm (Hà Nội), các cựu cán bộ liên quan đến những sai phạm đất đai loanh quanh tìm “đá” trách nhiệm.

Trong buổi chiều xét xử 14 cựu cán bộ sai phạm đất ở Đồng Tâm (Hà Nội), các cựu cán bộ liên quan đến những sai phạm đất đai loanh quanh tìm “đá” trách nhiệm.

Đúng 13h30 chiều, phần xét hỏi bắt đầu với nguyên Trưởng Công an xã Đồng Tâm Nguyễn Văn Minh. Tại phiên tòa bị cáo Minh thừa nhận có ký vào biên bản hợp thức việc thống nhất của Đảng ủy, HĐND và UBND xã về việc chia đất cho 10 cán bộ ngày 10.12.2002.

HĐXX xét hỏi các bị cáo trong buổi chiều 8.8 tại TAND huyện Mỹ Đức, Hà Nội

Tuy nhiên, nguyên Trưởng CA xã Đồng Tâm khai rằng, biên bản trên do bị cáo Nguyễn Xuân Trường (nguyên cán bộ địa chính xã) đưa cho ký. Minh không xem, chỉ nghe Trường nói các cơ quan nhất trí cho mỗi người một suất đất, nếu mua thì ký vào biên bảo nên Minh đã ký.

“Đến giờ tôi không biết diện tích đất, giá cũng không biết. Sau khi ký biên bản, tôi chưa làm thủ tục gì, không biết đất ở đâu. Hiện nay, tôi cũng không biết đất ở đâu, như thế nào, ai sử dụng. Khi có kiện cáo, tôi chưa làm nghĩa vụ tài chính và tôi đã có đơn xin không mua nữa, trả lại diện tích đất được giao” - bị cáo Minh khai trước tòa.

Trả lời phần xét hỏi, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Nguyễn Văn Bột khai nhận bản thân mua 1 suất đất rộng 100m2. Tuy nhiên, bị cáo Bột cho rằng, diện tích đất này do em trai bị cáo có trong danh sách được mua đất nhưng không mua vì chê đất nghĩa địa, giá lại cao. Khi mua suất đất trên, bị cáo Bột để con trai đứng tên.

Bị cáo Bột cũng thừa nhận bản thân không nằm trong diện được giao đất, vị này cho rằng “em trai mình không mua thì mình mua”.

Không những vậy, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm còn cho rằng đất đó ế ẩm, xen kẹt nhiều năm, “mình không mua thì người bên cạnh cũng lấn chiếm”.

Vị này cũng chối rằng sau khi mua diện tích đất trên, ông đã chuyển công tác và không biết đất đấy chỗ nào. “Khu đất đó chưa có biên bản bàn giao, chưa được đo đạc, tôi không biết chính xác khu đất ở chỗ nào” - nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm khai trước tòa.

Cũng theo bị cáo Bột, năm 2013, nhận thấy chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, bị cáo đã trực tiếp trả lại GCNQSDĐ tại Phòng TNMT huyện Mỹ Đức. Khẳng định bản thân không ký bất kỳ giấy tờ nào đề nghị cấp giấy chứng nhận, bị cáo Bột cho rằng mình... nhầm với đơn của con trai. Bác lại, chủ tọa phiên tòa đọc lại các bút lục lời khai của ông Bột tại cơ quan điều tra.

Cụ thể, Chủ tọa phiên tòa hỏi: “Nếu chỉ là người dân bình thường, bị cáo có được giao đất không?”.

Đáp lại câu hỏi của thẩm phán với những câu trả lời vòng vo, nhưng cuối cùng cũng đều thừa nhận, vị này xác nhận cấp xã không có thẩm quyền bán đất.

Bị cáo cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là chưa chính xác! “Bản thân bị cáo chỉ là người đi mua đất. Thời điểm đó, bị cáo không còn chức năng nhiệm vụ gì ở xã nữa. Từ đó, bị cáo xin HĐXX công minh xem xét” – bị cáo Bột nói.

Chính quyền xã lợi dụng kẻ hở pháp luật hợp thức hóa hồ sơ

Trả lời xét hỏi tại tòa, bị cáo Đinh Văn Dũng - nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức cho rằng cáo trạng truy tố mình có nhiều điểm không đúng, bị cáo Dũng “đổ lỗi” cho cán bộ xã Đồng Tâm rằng chính quyền xã Đồng Tâm đã lợi dụng một số kẽ hở của luật pháp để hợp thức hóa hồ sơ, xác nhận sai nguồn gốc đất…

“Về thủ tục, chúng tôi không sai. Đề nghị xem xét lại trách nhiệm của chính quyền xã” - bị cáo Dũng nêu quan điểm.

Thẩm phán hỏi: “Bị cáo đã hoàn thành trách nhiệm trong việc thẩm định hồ sơ chưa? Cáo trạng truy tố bị cáo về tội danh trên có oan sai không?”. "Tôi có lỗi là  không phát hiện ra sự dối trá, lừa đảo, không trung thực ở dưới cơ sở” - bị cáo Dũng đáp.

Bên cạnh đó, bị cáo Dũng không đồng ý với quy kết của VKS về số tiền bị cáo gây thiệt hại.

Bị cáo Đinh Văn Dũng - nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức “đổ lỗi” cho cán bộ xã Đồng Tâm đã lợi dụng một số kẽ hở của luật pháp để hợp thức hóa hồ sơ, xác nhận sai nguồn gốc đất…

Được xác định đã ký xác nhận 4/12 hồ sơ với tổng diện tích 625m2, gây thiệt hại hơn 580 triệu đồng. Trước tòa, bị cáo Bạch Văn Đông - nguyên Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức đã đồng ý với nội dung cáo trạng truy tố. Thẩm phán hỏi về trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ để làm rõ sai phạm của bị cáo Đông cũng như các bị cáo khác. Lúc này, bị cáo Đông khẳng định: “Thủ tục chúng tôi đã làm đúng. Cái sai là do hội đồng tư vấn đất đai và người dân kê khai sai, chúng tôi không phát hiện ra được, họ khép kín từ đầu đến cuối như vậy”.

Bị cáo Phạm Hữu Sách - nguyên Trưởng phòng TNMT huyện Mỹ Đức, thừa nhận, sai sót của bị cáo chủ yếu trong thẩm định nguồn gốc đất. “Chủ yếu sai ở các cán bộ thẩm định, không phát hiện ra gian dối trong hồ sơ nên đã đăng ký hồ sơ đủ điều kiện để bị cáo ký tờ trình” - bị cáo Sách khai.

Ngay lập tức, tòa hỏi “Bị cáo có thẩm định lại hồ sơ không?”. Bị cáo Sách đáp: “Khi có can thiệp làm sai lệch hồ sơ, cán bộ thẩm tra không phát hiện ra. Theo quy trình, Phòng TNMT có bộ phận thẩm định hồ sơ, sau đó bị cáo ký nháy vào tờ trình để trình huyện cấp GCNQSDĐ”.

Nguyên Trưởng phòng TNMT huyện Mỹ Đức chỉ ra rằng, thời điểm có sai phạm, tại xã Đồng Tâm chỉ có 2 loại bản đồ năm 2003 và 2009, cả 2 đều được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Theo đó, hai loại bản đồ đều xác định rõ đất các hộ, cho thấy các cán bộ đã tính toán từ rất lâu, từ 2002.

“Họ đều dựa vào 2 bản đồ đó, làm sai lệch hồ sơ. Huyện không có đủ hồ sơ hoàn chỉnh, cơ sở thẩm tra không có, chỉ dựa vào tài liệu xã cung cấp” - nguyên Trưởng phòng TNMT huyện Mỹ Đức khai.

Theo Nhóm PV (Dân Việt)