Pháp luật

Tài xế lái xe Mercedes truy sát, tông chết người ở Phan Thiết có thể đối diện với tội danh giết người?

Về vụ lái xe dùng ôtô Mercedes tông nạn nhân chết tại chỗ ở Bình Thuận, luật sư cho rằng hành vi đó có dấu hiệu tội giết người.

Theo Dân Việt dẫn lời Thượng tá Trần Long Khánh, Trưởng Công an TP Phan Thiết (Bình Thuận) cho biết, chiều 12/5, đối tượng Phạm Văn Nam, 43 tuổi, từ TP HCM ra Phan Thiết đầu thú sau nửa ngày lái ôtô Mercedes rượt đuổi, tông chết một người trước quán nhậu.

Bước đầu, Nam khai, sáng 11/5 từ TP HCM ra Phan Thiết mua đất. Đến tối, ông này ăn ở quán thuộc phường Phú Thủy cùng nhóm bạn, sau đó rủ nhau ra bờ kè sông Cà Ty, phường Bình Hưng, tiếp tục uống bia.

Trên đường lái ôtô Mercedes chở bạn ra đó, Nam va quẹt với xe máy của nhóm người ở Phan Thiết.

Đến quán nhậu, Nam và hai người bạn vừa xuống xe thì bị nhóm đi xe máy đuổi tới gây hấn, đánh. Bực tức, ông này lên ôtô, đạp ga tông loạn xạ vào nhóm đối thủ. Những người dưới đường dùng bàn ghế, ly chén của quán nhậu ném vào ôtô.

Nam cho xe chạy lên lề, vòng xuống đường, rượt đuổi nhóm đối phương và tông ông Hà Xuân Hải, 43 tuổi, đang ngáng ở đầu xe. Nạn nhân tử vong sau đó.

Gây án xong, Nam phóng xe về TP HCM. Biết Công an TP Phan Thiết đang truy tìm, ông này gọi điện xin đầu thú, lái chiếc Mercedes từ Sài Gòn đến phục vụ điều tra.

Tài xế lái xe Mercedes truy sát, tông chết người ở Phan Thiết có thể đối diện với tội danh giết người?
Đối tượng Nam tại cơ quan công an.

Theo dõi sự việc, luật sư Lưu Kiều Trang (Phó giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự) cho biết trên Zing theo quy định pháp luật, ôtô và các phương tiện giao thông khác được xếp vào nhóm nguồn nguy hiểm cao độ. Người điều khiển nếu cố ý sử dụng các phương tiện để gây vụ tai nạn nhầm sát hại người khác thì đây là hành vi Giết người.

Phân tích tình huống, luật sư Trang cho biết chiếc xe Mercedes có trọng lượng khoảng 2 tấn, có thể tạo ra lực đâm rất lớn nếu di chuyển tốc độ cao và gây ra hậu quả chết người. Một người bình thường, đầy đủ nhận thức phải biết rằng việc lao xe vào người đi bộ hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của người đó.

Quá trình điều tra, nếu xác định tài xế có đầy đủ năng lực hành vi, sử dụng ôtô nhằm tước đoạt mạng sống nạn nhân hoặc nhận thức được điều đó nhưng vẫn thực hiện, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì hành vi có dấu hiệu của tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

Nếu bị khởi tố về tội danh này, ông Nam còn có thể chịu tình tiết định khung giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Về tình tiết ông Nam có thể say xỉn, không kiểm soát được hành vi, luật sư Trang cho biết đây không phải yếu tố loại trừ trách nhiệm hình sự. Trích dẫn Điều 13 Bộ luật Hình sự 2015, nữ luật sư cho biết trường hợp người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trao đổi với Infonet, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) phân tích: “Hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng Nam được thể hiện lỗi cố ý trực tiếp, gây mất an ninh trật tự, xâm phạm an toàn giao thông, xâm phạm tính mạng của con người. Đối với hành vi này, đối tượng Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

Bởi lẽ, Khi Nam cùng bạn bè bị các đối tượng khác đuổi đánh, đối tượng có thể lái xe tẩu thoát nhưng lại cố tình thực hiện hành vi chạy xe lòng vòng, đâm vào nhóm người đang truy đuổi và gây ra tai nạn khiến anh H tử vong tại chỗ.

Tài xế lái xe Mercedes truy sát, tông chết người ở Phan Thiết có thể đối diện với tội danh giết người? - 1

Đây là hành vi vô cùng đáng lên án bởi nó thể hiện sự “điên cuồng” của đối tượng. Hành vi bộc lộ tính côn đồ, độc ác, coi thường tính mạng con người, bất chấp hậu quả để thể hiện hơn thua. Không chỉ vậy, khi gây ra tai nạn chết người đối tượng lại vội vã chạy chốn rời bỏ hiện trường để trốn tránh trách nhiệm mà không cứu giúp anh H.

Việc làm rõ người bị tử vong là anh H có thuộc nhóm người truy đuổi đối tượng hay không có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định động cơ, mục đích trong hành vi của đối tượng.

Theo Điều 13 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Uống rượu, bia được xác định là tình tiết định khung hoặc tăng nặng ở một số tội phạm trong Bộ Luật Hình sự như Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260). Tuy nhiên, đối với vụ việc này, đối tượng Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh cao hơn là Tội giết người, hành vi giết người mang tính côn đồ của đối tượng được xác định là tình tiết tăng nặng đối với tội danh này”.

Đồng quan điểm, Zing dẫn lời luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) cho rằng cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhận thức, động cơ và mục đích thực hiện hành vi của tài xế này.

Trường hợp xác định ông Nam có động cơ, mục đích giết người, nhận thức được hành vi và hậu quả có thể xảy ra nhưng vẫn cố tình lao xe vào người khác dẫn đến nạn nhân tử vong, đây được xác định là lỗi cố ý với mục đích nhằm tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Hành vi này thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành của tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

Bên cạnh đó, do sự việc bắt nguồn từ việc nhóm của tài xế Nam bị những người đi xe máy đuổi đánh, cơ quan chức năng cũng sẽ xác minh tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm, người này có tâm lý đang bị kích động, không hoàn toàn tự chủ, thiếu kiềm chế đối với hành vi của mình hay không.

Camera ghi lại cảnh xô xát giữa tài xế ôtô với nhóm người. Nam đã lái xe đâm một người đàn ông tử vong.

Trường hợp xác định ông Nam thực hiện hành vi trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, người này có thể bị xử lý về tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 125 Bộ luật Hình sự 2015.

Để xác định tình huống thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có được xác định là trạng thái tinh thần bị "kích động mạnh" hay không thì cần xem xét các yếu tố sau:

Thứ nhất, phải có hành vi trái pháp luật của người bị hại;

Thứ hai, hành vi trái pháp luật của người bị hại phải là hành vi đối với người phạm tội, đối với người thân thích hoặc hoặc đối với người khác có quan hệ thân thiết với người phạm tội;

Thứ ba, hành vi trái pháp luật của người bị hại phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần;

Thứ tư, trạng thái tinh thần của người phạm tội phải ở trạng thái bị kích động. Trong tình huống đó thì một người bình thường sẽ bị kích động mạnh về tinh thần dẫn đến thực hiện hành vi thiếu kiểm soát.

"Dựa trên clip, chưa thấy rõ nguyên nhân sự việc, chưa biết hết hành vi của các bên. Nếu bị hại chỉ có hành vi ném ghế, đồ vật vào ôtô, thậm chí đập phá xe, đây không phải căn cứ xác định khiến tinh thần của chủ xe bị kích động mạnh. Hành vi này có thể làm tinh thần của chủ xe bị kích động nhưng không thể được coi là kích động mạnh. Lái xe trong tình huống này có rất nhiều cách ứng xử hợp pháp khác để bảo vệ quyền lợi của mình và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý người xâm phạm sức khoẻ, tài sản của mình", ông Cường phân tích.

Ngoài ra, luật sư nhận định do nhóm người đi xe máy có hành vi đuổi đánh, đập phá xe của ông Nam và gây ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương, công an sẽ triệu tập những người này lên làm việc về hành vi này. Trường hợp có dấu hiệu hình sự, họ có thể bị khởi tố về tội Hủy hoại tài sản (Điều 178) hoặc Gây rối trật tự công cộng (Điều 318) của Bộ luật Hình sự 2015.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/tai-xe-lai-xe-mercedes-truy-sat-tong-chet-nguoi-o-phan-thiet-co-the-doi-dien-voi-toi-danh-giet-nguoi-tintuc823136