Pháp luật

Phát tán clip và thư tuyệt mệnh của nam sinh Hà Nội nhảy lầu tự tử có thể bị xử lý thế nào?

Theo luật, người nào phát tán clip cảnh nam sinh nhảy lầu tự tử mà không có sự đồng ý của gia đình nạn nhân có thể bị xử lý hình sự. Hiện công an đang truy tìm người phát tán clip này.

Dân Trí đưa tin, ngày 1/4, vụ việc một nam sinh cấp 3 trèo qua ban công căn hộ ở tầng 28 tòa V1 - chung cư Văn Phú Victoria (Hà Đông) lao xuống đất dẫn tới tử vong khiến nhiều người bàng hoàng.

Bước đầu, cơ quan công an xác định danh tính nạn nhân là L.N.N.M. (16 tuổi) trú tại một căn hộ tầng 28 tòa V1. Nạn nhân đang học lớp 10 tại một trường THPT chuyên có tiếng ở Hà Nội.

Theo công an, thời gian gần đây, nạn nhân có biểu hiện trầm cảm. Trước khi nhảy lầu tự tử, N.M. có để lại thư tuyệt mệnh.

Phát tán clip và thư tuyệt mệnh của nam sinh Hà Nội nhảy lầu tự tử có thể bị xử lý thế nào?
Chung cư nơi xảy ra sự việc đau lòng.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc thương tâm, trong tối 1/4 hàng loạt hình ảnh, đoạn clip ghi lại khoảnh khắc nam sinh nhảy qua ban công tự tử đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Kèm theo đoạn clip, hình ảnh chụp lại nội dung bức thư tuyệt mệnh của nam sinh này cũng liên tục được lan truyền trên mạng xã hội.

Sự việc lên đến đỉnh điểm khi mới đây, cô ruột của nam sinh đã phải "cầu xin" cộng đồng mạng ngưng chia sẻ lại sự việc đau thương này.

"Hãy để cho người còn sống có thể tiếp tục được sống. Xin hãy để cho anh chị mình được tiếp tục sống. Mình cầu xin mọi người đấy. Xin hãy có cái nhìn bao dung hơn với cả người ra đi và người ở lại", trích nội dung trong bài viết của tài khoản M.M. - tự nhận là cô ruột của nam sinh.

Phát tán clip và thư tuyệt mệnh của nam sinh Hà Nội nhảy lầu tự tử có thể bị xử lý thế nào? - 1
Bài đăng của tài khoản M.M.

Sáng 2/4, theo thông tin trên tờ Doanh Nghiệp & Tiếp Thị, một lãnh đạo Công an quận Hà Đông (Hà Nội) xác nhận đơn vị đang truy tìm người tung lên mạng xã hội clip và bức thư tuyệt mệnh của nam sinh rơi từ tầng cao chung cư tử vong.

"Vụ việc quá đau lòng và xót xa, ảnh hưởng gia đình", vị lãnh đạo cho hay.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Pháp Luật & Bạn Đọc, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng: Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do nhân thân của mỗi cá nhân, trong đó có quyền tự do về hình ảnh.

Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó cho phép, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 32 BLDS như sau: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Người thu thập trái phép thông tin, hình ảnh của người khác, sử dụng trái phép thông tin, hình ảnh của người khác thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Phát tán clip và thư tuyệt mệnh của nam sinh Hà Nội nhảy lầu tự tử có thể bị xử lý thế nào? - 2
TS.Luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh Internet

Luật sư Cường cho rằng, việc cháu bé nhảy lầu tự tử vì áp lực việc học hành không phải là chuyện mới, trước đó đã có nhiều trường hợp các cháu áp lực quá về việc học, về mâu thuẫn gia đình hoặc bị trầm cảm nên đã thực hiện các hành vi dại dột. Đây là những thông tin, hình ảnh khiến nhiều người rất đau xót, thậm chí sốc và giật mình về cách dạy con cũng như đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái của mình khiến các con bị áp lực.

Tuy nhiên, Tiến sĩ luật cho rằng, nếu hình ảnh, clip này lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội thì có thể cũng sẽ phát sinh những suy nghĩ và hành động tiêu cực. Ngoài những mặt tích cực, như tiếng chuông cảnh tỉnh về phương pháp giáo dục thì hình ảnh này cũng có thể khiến nhiều em học sinh có thể suy nghĩ theo, học theo bởi các em chưa thể có những suy nghĩ chín chắn, hành động phù hợp như người lớn.

Bên cạnh đó, đây là hình ảnh đau lòng mà chia sẻ rộng rãi thì cũng khiến gia đình nạn nhân rất thương tâm. Bởi vậy trong trường hợp gia đình nạn nhân không đồng ý phát tán những hình ảnh, clip này thì việc những người thu thập thông tin, phát tán clip này là vi phạm pháp luật.

Luật sư Cường nhận định: "Hiện nay các thông tin, hình ảnh này đang lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và các trang thông tin điện tử. Chủ yếu nội dung có tính chất cảnh báo, đưa tin về một sự việc diễn ra.

Tuy nhiên nếu ai đó lợi dụng việc này để mà sát, chỉ trích, xúc phạm danh dự nhân phẩm của phụ huynh hoặc có hành vi khác bôi nhọ danh dự nhân phẩm uy tín của người khác thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự".

Trường hợp người nhà nạn nhân không đồng ý cơ quan tổ chức cá nhân sử dụng những thông tin hình ảnh này trên không gian mạng thì người đã sử dụng thông tin hình ảnh này phải gỡ bỏ hoặc phải che mờ, mã hóa.

Trường hợp gia đình đã yêu cầu rồi nhưng tổ chức cá nhân vẫn không thực hiện thì hành vi này có thể bị phạt hành chính đến 60.000.000 đồng, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp clip này chính là của gia đình cung cấp cho cơ quan truyền thông như một lời cảnh báo trước các bậc phụ huynh về phương pháp giáo dục con cái, tránh những vụ việc đau xót có thể xảy ra hoặc từ cơ quan chức năng với mục đích là để tuyên truyền, về lợi ích công cộng, vì an toàn cho xã hội theo khoản 2, Điều 32BLDS thì việc sử dụng các clip, hình ảnh thông tin này là hợp pháp, tuy nhiên cũng cần có những nội dung thông tin, định hướng đúng để tránh việc xuyên tạc, chỉ trích, gây áp lực thêm, đau buồn thêm cho gia đình nạn nhân.

PN (Nguoiduaitin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/phat-tan-clip-va-thu-tuyet-menh-cua-nam-sinh-ha-noi-nhay-lau-tu-tu-co-the-bi-xu-ly-the-nao-tintuc816970