Pháp luật

Ông Nguyễn Văn Thể liên quan vụ án ông Đinh La Thăng ra sao?

Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho rằng việc nguyên thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể (nay là bộ trưởng) ký các văn bản là thực hiện không đúng pháp luật.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án sai phạm tại cao tốc TP.HCM-Trung Lương, chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố 20 bị can, trong đó có ông Đinh La Thăng (sinh năm 1960, cựu Bộ trưởng GTVT, hiện đang chấp hành án trong vụ án khác), Nguyễn Hồng Trường (sinh năm 1957, cựu Thứ trưởng Bộ GTVT)...

CQĐT Bộ Công an cũng xác định Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể có một số “bút phê” không đúng với quy định của pháp luật liên quan tới vụ án.

Ông Nguyễn Văn Thể liên quan vụ án ông Đinh La Thăng ra sao?
Ông Nguyễn Văn Thể. Ảnh tư liệu: PLO

Theo đó, quá trình quản lý việc thanh toán tiền trúng đấu giá, ngay khi Công ty Yên Khánh thanh toán không đúng hạn hợp đồng, Tổng Công ty Cửu Long, đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT và Bộ này có văn bản chỉ đạo.

Ông Nguyễn Văn Thể (lúc đó là Thứ trưởng Bộ GTVT) ký ba văn bản chỉ đạo không đề nghị chấm dứt trước hạn hợp đồng theo quy định, thu quyền thu phí.

Cụ thể, văn bản ký ngày 31-8-2015 Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể gửi Tổng Công ty Cửu Long, Công ty Yên Khánh chỉ đạo: Yêu cầu Công ty Yên Khánh căn cứ Thông báo kết luận của Bộ GTVT khẩn trương thực hiện thanh toán theo đúng tiến độ cam kết, giao Tổng Công ty Cửu Long có trách nhiệm thanh toán theo đúng cam kết. Tiếp đến ngày 8-10-2015, ông Thể ký văn bản có nội dung tương tự...

Ngoài các văn bản trên, khi Tổng Công ty Cửu Long có báo cáo đề xuất chấm dứt hợp đồng, Nguyễn Chí Thành (cựu Phó vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ GTVT) đã tham mưu soạn thảo để trình Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể ký tờ trình ngày 22-6-2015, gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng về tình hình thực hiện hợp đồng mua quyền thu phí cao tốc TPHCM–Trung Lương.

Ngày hôm sau, ông Đinh La Thăng ghi ý kiến chỉ đạo phía trên, góc trái của tờ trình: “Đề nghị anh Thể chỉ đạo giải quyết theo đúng hợp đồng của hai bên đã ký và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên cũng cần làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước, Tổng Công ty Cửu Long”.

Sau đó, ông Thể ghi ý kiến chỉ đạo tiếp theo dưới bút phê của ông Đinh La Thăng: “Gấp, yêu cầu Tổng Công ty Cửu Long, Vụ Tài chính, Pháp chế... làm việc lại với Công ty Yên Khánh thảo luận từng vấn đề cụ thể, có kết luận rõ ràng, dứt khoát...”.

Để có lý do báo cáo sự chậm trễ và cấn trừ số tiền phải thanh toán, ngày 22-7-2014, Công ty Yên Khánh ký văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng Công ty Cửu Long. Báo cáo kiến nghị về việc giao Công ty Yên Khánh được chỉ định làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung 2 nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo–Chợ Đệm thuộc đường cao tốc TPHCM–Trung Lương, theo hình thức Hợp đồng BOT hoặc BOT kết hợp BT.

Tổng đầu tư dự án là 1.300 tỉ đồng, phương án hoàn vốn là kiến nghị tăng giá vé qua trạm thu phí cao tốc TPHCM–Trung Lương. Phần chi phí do Công ty Yên Khánh đầu tư 2 nút giao sẽ được khấu trừ vào số tiền còn phải thanh toán của hợp đồng.

Ông Đinh La Thăng ghi bút phê vào tờ trình: “Đồng ý, k/c anh Thể giải quyết”. Ông Thể ghi tiếp bút phê: “Ban PPP n/c, đề xuất các vấn đề liên quan DA BOT này”.

CQĐT cho rằng, việc ông Thể ký các văn bản là thực hiện không đúng quy định của pháp luật, hợp thức hóa các nội dung công ty Yên Khánh đề xuất.

Cụ thể các văn bản: Chỉ đạo Tổng Công ty Cửu Long và chủ trì kết luận nhiều cuộc họp để chỉ đạo lập thủ tục phê duyệt dự án; Ký văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị thực hiện phương án tài chính; Ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất chỉ định Công ty Yên Khánh làm nhà đầu tư. Ký quyết định phê duyệt đề xuất dự án theo hình thức BOT.

Sau đó, Công ty Yên Khánh vẫn không nộp tiền theo cam kết nhưng vẫn không bị chấm dứt hợp đồng. Đến ngày 30-3-2017, Công ty Yên Khánh mới nộp đủ số tiền trúng đấu giá là 2.004 tỉ đồng...

Được biết, trong kết luận điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an không kiến nghị gì liên quan đến ông Nguyễn Văn Thể, nguyên Thứ trưởng và đương kim Bộ trưởng GTVT.

Hai công ty từng ra tòa

Do công ty Yên Khánh vi phạm hợp đồng mua bán quyền thu phí (chậm thanh toán) nên Tổng công ty Cửu Long khởi kiện ra TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) yêu cầu công ty Yên Khánh thanh toán số tiền phạt chậm thanh toán. Toà hai cấp buộc Công ty Yên Khánh phải thanh toán cho tổng công ty Cửu Long số tiền 262 tỉ đồng.

Đồng thời tòa chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty Yên Khánh buộc Tổng công ty Cửu Long thanh toán lại số tiền bù đắp các thiệt hại do ảnh hưởng của việc thi công lắp đặt hệ đồng ITS là 2,4 tỉ đồng. Ngày 9-7-2018, Công ty Yên Khánh có đơn đề nghị giám đốc thẩm đối với hai bản án trên. VKSND cấp cao tại TPHCM đã ra yêu cầu hoãn thi hành án.

Ngày 4-5 và ngày 19-8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản gửi TAND cấp cao tại TP.HCM đề nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ tranh chấp này, để đảm bảo xử lý triệt để, thống nhất trong vụ án hình sự do cơ quan CSĐT Bộ Công an thụ lý.

Theo Hoàng Yến (Pháp luật TPHCM)




https://plo.vn/phap-luat/ong-nguyen-van-the-lien-quan-vu-an-ong-dinh-la-thang-ra-sao-935725.html