Pháp luật

Ông Nguyễn Đức Chung xin tại ngoại: Quy trình làm thủ tục thế nào?

Dư luận đặt câu hỏi, trường hợp gia đình ông Nguyễn Đức Chung đang làm thủ tục để ông được áp dụng biện pháp tại ngoại thì quy trình làm thủ tục thế nào?

Mới đây một số cơ quan báo chí dẫn lời luật sư Trương Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội, Đoàn luật sư TP.HCM (bào chữa cho ông Nguyễn Đức Chung) cho biết, ông Nguyễn Đức Chung hiện đang bị ung thư, gia đình ông Chung đang làm thủ tục để ông được áp dụng biện pháp tại ngoại. Bởi trong trại tạm giam khó đáp ứng được các yêu cầu về thuốc và thiết bị y tế để chữa bệnh.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết: "Hiện tại gia đình mới chỉ đang làm thủ tục, còn khả năng ông Chung có được tại ngoại hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Lý do ông Chung xin tại ngoại là để điều trị bệnh ung thư".

Tuy nhiên, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Trương Trọng Nghĩa nói: "Tôi không có xác nhận gì cả về việc này, cái này phải hỏi gia đình". PV hiện đang liên lạc với gia đình ông Chung tuy nhiên chưa kết nối được...

Ong Nguyen Duc Chung xin tai ngoai: Quy trinh lam thu tuc the nao?
 Ông Nguyễn Đức Chung.

Dư luận đặt câu hỏi, trường hợp gia đình ông Chung đang làm thủ tục để ông Chung được áp dụng biện pháp tại ngoại thì quy trình làm thủ tục thế nào?

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, để có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn, gia đình ông Chung cần có đơn bảo lãnh tại ngoại. Đơn này phải có chữ ký của hai người thân thích và phải có xác nhận của chính quyền địa phương. Trong đơn phải nêu rõ lý do đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn, các tài liệu chứng cứ để chứng minh và cam kết sẽ có trách nhiệm giám sát bị can trong quá trình thay đổi biện pháp ngăn chặn.

Sau khi nhận được đơn xin bảo lĩnh tại ngoại của gia đình ông Chung, cơ quan điều tra sẽ thông báo cho viện kiểm sát để cùng xem xét quyết định. Trong trường hợp không đủ điều kiện để thay đổi biện pháp ngăn chặn thì sẽ có văn bản thông báo cho gia đình được biết.

Theo điều 121 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về bảo lĩnh như sau:

Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

Cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 2 người. Cá nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.

Trong giấy cam đoan, cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều này. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.

Bị can, bị cáo được bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ: Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam.

Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định bảo lĩnh. Quyết định của những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Thời hạn bảo lĩnh không được quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn bảo lĩnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh để bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị phạt tiền theo quy định của pháp luật.

“Bảo lĩnh là biện pháp đảm bảo thay cho biện pháp tạm giam. Bởi vậy việc áp dụng biện pháp này phải kèm theo các điều kiện mà bị can, bị cáo thuộc trường hợp có thể áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Phải đảm bảo cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử không bị cản trở” - luật sư Cường cho hay.

Trước đó, ngày 28/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định Khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam (04 tháng), Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ngoài ra, ông còn bị điều tra trong 2 vụ án khác với các tình tiết: “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại UBND TP Hà Nội.

Ngày 11/8, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật. Cùng ngày 11/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 1223/QĐ-TTg tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Đức Chung sinh năm 1967, quê tại xã Thăng Long, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Ông có chuyên môn nghiệp vụ: Đại học Cảnh sát (chuyên ngành điều tra tội phạm); Đại học Thương mại (ngành Quản trị kinh doanh). Ông là Tiến sĩ Luật.

Theo Hải Ninh (Kienthuc.net.vn)




https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/ong-nguyen-duc-chung-xin-tai-ngoai-quy-trinh-lam-thu-tuc-the-nao-1436723.html