Pháp luật

Ông Nguyễn Đức Chung: 'Tôi làm hết khả năng để Hà Nội có sản phẩm tốt nhất'

Chiều nay (20/6), phiên tòa phúc thẩm xét xử cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung vụ mua bán chế phẩm Redoxy- 3C tiếp tục với phần thẩm vấn.

Kết quả điều tra xác định, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Nguyễn Đức Chung) thành lập Công ty Arktic, đã góp đủ 5 tỷ đồng vốn điều lệ nhưng đứng tên Đào Xuân Tấn và Nguyễn Đức Hạnh (con trai bà Hoa và ông Nguyễn Đức Chung). 

Toàn bộ hồ sơ đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Arktic đều do bà Hoa thực hiện và tự ký giả chữ ký của Nguyễn Đức Hạnh. 

Tháng 6/2016, bà Hoa làm giả hồ sơ chuyển nhượng vốn góp để thay đổi thành viên góp vốn từ Đào Xuân Tấn sang Nguyễn Trường Giang. 

Ông Nguyễn Đức Chung: 'Tôi làm hết khả năng để Hà Nội có sản phẩm tốt nhất'
Bị cáo Nguyễn Đức Chung tại tòa

Tháng 7/2016, bà Hoa tiếp tục làm giả hồ sơ chuyển nhượng vốn để thay đổi thành viên góp vốn từ Nguyễn Đức Hạnh sang Nguyễn Trường Giang (trong đó Giang đứng tên sở hữu 60% vốn góp, bà Nguyễn Thị Bích Hằng đứng tên sở hữu 40% vốn góp). 

Kết quả điều tra xác định không có việc mua, bán, không có việc thanh toán tiền giữa các bên chuyển nhượng phần vốn góp.

Ngay sau khi Công ty Arktic thực hiện thủ tục nhập khẩu mẫu chế phẩm Redoxy-3C (ngày 19/7/2016) thì ông Chung đã đề nghị ông Lê Hoàng Thanh (bạn của Chung) lấy tên vợ ông Thanh là Nguyễn Thị Bích Hằng để làm thủ tục nhận chuyển nhượng 40% vốn điều lệ Công ty Arktic và bà Hằng đứng tên thành viên góp vốn thay cho Nguyễn Đức Hạnh. 

Như vậy, xác định gia đình ông Nguyễn Đức Chung sở hữu 40% vốn điều lệ Công ty Arktic.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Nguyễn Đức Chung khai, con trai và vợ không bàn bạc với bị cáo về Công ty Arktic. Hai vợ chồng bị cáo cãi nhau kịch liệt khi bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa để con trai ông Chung đứng tên cổ phần công ty.

“Tôi chưa bao giờ bàn bạc với bất cứ ai, tôi không có một xu nào sở hữu trong công ty Arktic, mong HĐXX xem xét công tâm”, lời khai của ông Nguyễn Đức Chung.

Mối quan hệ giữa ông Nguyễn Đức Chung và người đàn ông ngoại quốc

Theo cáo buộc, trên cơ sở tờ trình của Sở Ngoại vụ Hà Nội, ngày 27/5/2016, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký quyết định thành lập Đoàn đại biểu và Doanh nghiệp TP Hà Nội đi thăm và làm việc tại Hà Lan, Đức, Pháp từ ngày 29/5- 8/6/2016.

Ông Nguyễn Đức Chung: 'Tôi làm hết khả năng để Hà Nội có sản phẩm tốt nhất' - 1
Các bị cáo tại tòa

Đoàn công tác gồm 10 người, do ông Nguyễn Thế Hùng (Phó Chủ tịch UBND TP) là Trưởng đoàn. Bị cáo Nguyễn Trường Giang (cựu Giám đốc Công ty Arktic) được ông Nguyễn Đức Chung cử tham gia cùng Đoàn công tác. 

Tại Cộng hòa liên bang Đức, Đoàn công tác tham quan, tìm hiểu công nghệ môi trường của Công ty Watch Water và trao đổi tìm giải pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước tại các hồ trên địa bàn Hà Nội. 

Sau khi Đoàn tham quan về nước, ngày 14/6/2016, ông Nguyễn Đức Chung có thư mời ông Deepak Chopra (Tổng giám đốc Công ty Watch Water) sang Hà Nội để khảo sát hiện trạng ô nhiễm nguồn nước. 

Từ ngày 25/6/2016 đến 27/6/2016, ông Deepak Chopra cùng cộng sự đã trao đổi, làm việc với UBND TP Hà Nội, lấy mẫu nước các hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội, đưa về Đức nghiên cứu, sản xuất ra chế phẩm Redoxy-3C. Đây là sản phẩm thiết kế đặc biệt theo đơn đặt hàng của Hà Nội. 

Sau khi Công ty Watch Water sản xuất ra chế phẩm Redoxy-3C, theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Chung, ngày 19/7/2016, Nguyễn Trường Giang đã nhập khẩu 100 kg chế phẩm Redoxy-3C mẫu và giao cho Hồ Lê Quân, thư ký Nguyễn Đức Chung (thời điểm này Công ty Arktic do Nguyễn Đức Hạnh - con trai Nguyễn Đức Chung là Chủ tịch Hội đồng thành viên). 

Trong các ngày 29 và 31/7/2016, ông Nguyễn Đức Chung trực tiếp chỉ đạo Công ty Thoát nước dùng 100 kg chế phẩm Redoxy-3C để tiến hành thử nghiệm. 

Trong buổi thử nghiệm ngày 31/7/2016 tại bè quây trên hồ Hoàn Kiếm, Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Võ Tiến Hùng “giao Công ty Thoát nước mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty Arktic”.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định, chế phẩm Redoxy-3C không phải làm sản phẩm độc quyền của Hà Nội. 

Khi nhìn thấy nhãn mác in sản phẩm theo đơn đặt hàng của Chủ tịch Hà Nội, ông Chung hỏi thì được phía Công ty Watch Water trả lời rằng, việc này chỉ mang tính biểu tượng. 

Bị cáo giải thích, dụng ý của ông Chopra khi để nhãn mác in sản phẩm theo đơn đặt hàng của Chủ tịch Hà Nội chỉ là để ghi lại dấu ấn của người đầu tiên đặt hàng sản xuất, chứ không phải độc quyền.

Vẫn theo lời khai của ông Nguyễn Đức Chung, bị cáo không chỉ đạo bị cáo Giang phải mua hàng của Công ty Watch Water. “Tôi đã làm hết khả năng của mình để Hà Nội có được một sản phẩm tốt nhất, giá hợp lý nhất”, bị cáo trình bày.

Theo lời khai của cựu Chủ tịch Hà Nội, qua làm việc, ông Deepak Chopra bày tỏ ý định xây dựng nhà máy sản xuất hệ thống xử lý nước thải ở Việt Nam. Ông Chopra nói có thể xử ký được các chất thải rắn, chất thải ở các khu công nghiệp, xử lý lọc nước ở các nhà máy nước tại Hà Nội.

Theo lời ông Chung, ông Chopra đề cập đến hai hình thức đầu tư. Một là dùng 100% vốn của ông Chopra, và hình thức thứ hai là liên doanh với bị cáo Giang.

Theo T.Nhung (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/ong-nguyen-duc-chung-toi-lam-het-kha-nang-de-ha-noi-co-san-pham-tot-nhat-2031896.html