Pháp luật

Ông Nguyễn Đức Chung dùng 'biện pháp nghiệp vụ' gì xoá dấu vết đánh cắp tài liệu mật?

Cơ quan tố tụng xác định trong quá trình tiếp nhận thông tin vụ án Nhật Cường từ cán bộ điều tra C03, ông Nguyễn Đức Chung nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có nhiều cách để xoá dấu vết của mình trong việc này, trong đó có việc dùng điện thoại số nước ngoài của người đã qua đời.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, VKSND Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 4 bị can, gồm: Nguyễn Đức Chung (nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội); Phạm Quang Dũng (cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, C03 Bộ Công an); Nguyễn Hoàng Trung (lái xe của ông Chung) và Nguyễn Anh Ngọc (nguyên phó trưởng phòng Thư ký biên tập - Thành viên tổ thư ký ông Chung) cùng về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" theo điều 337 của Bộ luật Hình sự.

Ông Nguyễn Đức Chung dùng 'biện pháp nghiệp vụ' gì xoá dấu vết đánh cắp tài liệu mật?
Ông Nguyễn Đức Chung khi còn tại vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Ảnh: TPO

Theo cáo trạng, do có liên quan đến vụ án xảy ra ở Công ty Nhật Cường, ông Nguyễn Đức Chung đã nhờ Phạm Quang Dũng thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình, tiến độ; kết quả điều tra vụ án này. Đồng ý giúp ông Chung, bị can Dũng đã trộm chìa khóa và nhiều lần tiếp cận, đột nhập vào phòng làm việc của lãnh đạo phòng 14 (CO3) để lấy thông tin tài liệu.

Cơ quan tố tụng xác định từ tháng 7-2019 đến 6-2020, Phạm Quang Dũng đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu điều tra có mức độ "Mật" trong vụ án Nhật Cường. Trong đó, chuyển cho bị can Nguyễn Đức Chung 2 lần gồm 6 tài liệu "Mật".

Cụ thể, vào tối 20-7-2019, Dũng đặt xe Grab đến nhà ông Chung ở số 88 Trung Liệt, quận Đống Đa. Tại đây, hai người đã trao đổi một số nội dung về quá trình điều tra vụ án Nhật Cường có liên quan ông Chung.

Cũng tại buổi gặp, nguyên cán bộ Cục Cảnh sát kinh tế đã cung cấp cho ông Nguyễn Đức Chung 5 bản email được gửi từ tài khoản buiquanghuy@... đến tài khoản của ông Chung có địa chỉ: Chunghinhsu@... Sau buổi gặp, Dũng về nhà in 5 bản email trên ra giấy còn ông Chung yêu cầu lái xe riêng là bị can Nguyễn Hoàng Trung đến nhà Dũng nhận tài liệu.

Các bản email cung cấp cho bị can Chung là tài liệu mà bị can Dũng có được trong quá trình kiểm tra, trích xuất dữ liệu điện tử từ máy tính Macbook trong vụ án Công ty Nhật Cường vào ngày 1-7. Sau đó, bị can Dũng đã chủ động sao chép những tài liệu này từ trước, rồi lưu giữ trong máy tính cá nhân.

Tiếp đến, tối 25-8-2019, Dũng thông báo cho ông Chung đến nhận tài liệu có được khi kiểm tra, khôi phục hệ thống phần mềm của Công ty Nhật Cường. Cùng ngày, theo sự chỉ đạo của ông Chung, lái xe Nguyễn Hoàng Trung đến sảnh chung cư nơi Dũng cư trú để nhận phong bì chứa tài liệu rồi mang về đưa cho ông Chung tại nhà riêng.

Sáng 10-6, bị can Dũng tiếp tục chuyển 3 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước ở mức độ "Mật" cho ông Nguyễn Đức Chung qua ứng dụng Viber. Những tài liệu này gồm: Báo cáo kết quả trích xuất dữ liệu và thanh toán tiền hàng buôn lậu cho 16 nhà cung cấp của Công ty Nhật Cường; tài liệu báo cáo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc về tiến độ, kết quả, kế hoạch kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và báo cáo kết quả xác minh việc Công ty Nhật Cường cung cấp dịch vụ công cho TP Hà Nội giai đoạn 2017- 2019.

Ông Nguyễn Đức Chung dùng 'biện pháp nghiệp vụ' gì xoá dấu vết đánh cắp tài liệu mật? - 1
Từ trái qua: Nguyễn Anh Ngọc, Nguyễn Hoàng Trung và Phạm Quang Dũng - Ảnh: Bộ Công an.

Sau khi nhận được tài liệu, ông Chung đã yêu cầu bị can Nguyễn Hoàng Trung in ra giấy. Song, Trung đã nhờ Nguyễn Anh Ngọc in để Trung đưa cho ông Chung. Sau khi chuyển 26 file ảnh cho Ngọc, Trung đã xóa tài liệu. Còn bị can Ngọc sao chép, lưu giữ 26 file ảnh trên máy tính tại phòng làm việc và USB. Khám xét nơi làm việc của bị can Ngọc, cơ quan điều tra đã thu giữ được tài liệu này. Chiều 25-6, theo yêu cầu của ông Chung, Trung cùng ông Ngọc chỉnh sửa, che phần chữ ký của điều tra viên tại trang cuối file tài liệu mật để in ra giấy để đưa ông Chung.

Ngoài ra, cáo trạng cũng xác định, từ tháng 2 đến 7-2020, bị can Dũng và bị can Chung sử dụng các số thuê bao điện thoại đã 20 lần liên lạc, trao đổi thông tin với nhau qua ứng dụng Viber. Trong đó, đáng chú ý, bị can Dũng đã tự nguyện giao nộp cho cơ quan An ninh điều tra 2 file ghi âm cuộc trao đổi thông qua Viber vào buổi sáng 13-7 giữa bị can với bị can Nguyễn Đức Chung. Nội dung là bị can Nguyễn Đức Chung yêu cầu bị can Dũng nắm thông tin về hướng điều tra vụ án công ty Nhật Cường của C03 liên quan đến vợ chồng mình.

Đáng chú ý, một số điện thoại di động được ông Nguyễn Đức Chung sử dụng để liên lạc với bị can Dũng là thuê bao di động của nước Nga do người quen (đã mất) tặng cho nguyên chủ tịch Hà Nội cùng điện thoại iPhone. Sau khi bị can Trung và Ngọc bị bắt, ông Nguyễn Đức Chung đã vứt bỏ vào tối 14-7.

Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước

1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo Nguyễn Hưởng (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/phap-luat/ong-nguyen-duc-chung-dung-bien-phap-nghiep-vu-gi-xoa-dau-vet-danh-cap-tai-lieu-mat-20201127091213951.htm