Pháp luật

Những quan chức nhận hối lộ trong các đại án

Hàng loạt cán bộ giữ vị trí quan trọng tại các bộ, ngành, địa phương bị cáo buộc nhận hối lộ trong các đại án do Bộ Công an phanh phui.

Cuối năm 2021 và năm 2022, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến các đại án được Bộ Công an khởi tố điều tra. Các vụ án lớn có thể kể đến như vụ "chuyến bay giải cứu", vụ nâng giá kít test của Công ty Việt Á hay vụ án xảy ra tại Công ty AIC. Trong các vụ án nêu trên, nhiều cán bộ giữ trọng trách lớn trong các bộ, ngành, địa phương bị cáo buộc nhận hối lộ. 

Hàng trăm nghìn USD hối lộ vụ "chuyến bay giải cứu"

Với vụ án xảy ra tại Bộ Ngoại giao và các đơn vị, địa phương liên quan khi thực hiện "chuyến bay giải cứu", sau hơn một năm, cơ quan điều tra đã khởi tố 41 bị can.

Các bị can bị khởi tố với cáo buộc nhận hối lộ có thể kể đến Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; ông Vũ Hồng Nam, cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Hàng loạt đại sứ, cán bộ ngoại giao làm việc tại Nhật Bản, Malaysia, Nga, Angola cũng bị khởi tố về tội danh này. 

Những quan chức nhận hối lộ trong các đại án
Loạt bị can bị khởi tố với cáo buộc nhận hối lộ. Ảnh: Bộ Công an.

Các ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực; Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Trần Văn Dự, nguyên Cục phó Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an cũng bị cáo buộc nhận hối lộ. 

Được biết, các chuyến bay giải cứu được thực hiện từ tháng 12/2020 với tổ công tác gồm 5 bộ gồm: Ngoại giao, Y tế, Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng. 

Theo Bộ Công an, sai phạm phát sinh trong quá trình xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, trong đợt dịch Covid-19, có khoảng 2.000 chuyến bay được thực hiện, số tiền nghi đưa nhận hối lộ lên đến hàng trăm nghìn USD. Hiện nay, cơ quan điều tra đã phong tỏa, kê biên, bị can nộp khắc phục hậu quả trong vụ án là 80 tỷ đồng.

800 tỷ bôi trơn

Sau hơn một năm điều tra, vụ án nâng giá kít test Covid-19 xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á (công ty Việt Á), Cơ quan cảnh sát điều tra (C03-Bộ Công an) đến nay đã khởi tố hơn 100 bị can có liên quan với các cáo buộc vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ. 

Với cáo buộc nhận hối lộ, hàng loạt giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, TP bị khởi tố, bắt tạm giam. 

Đầu tiên là ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương bị khởi tố bắt tạm giam với cáo buộc nhận "hoa hồng" từ Việt Á gần 30 tỷ đồng (thông qua 5 hợp đồng trị giá 151 tỷ đồng). Sau ông Tuyến, ông Nguyễn Trần Tuấn, Giám đốc CDC Hà Giang, cùng hai thuộc cấp bị bắt với cáo buộc nhận hơn một tỷ đồng của Việt Á. 

Những quan chức nhận hối lộ trong các đại án - 1
Phan Quốc Việt (trái) và Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến. Ảnh: Bộ Công an

Bà Trương Thị Bảo Trân (nhân viên phòng Vật tư Bệnh viện Thủ Đức), ông Lò Văn Chiến, nguyên Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cũng bắt tạm giam để điều tra về tội nhận hối lộ.

Trong hơn 100 người bị khởi tố liên quan đến Công ty Việt Á, có 3 nguyên Ủy viên T.Ư Đảng gồm: Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh và cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng.

Cựu bí thư, chủ tịch tỉnh nhận hối lộ chục tỷ đồng

Sáng 4/1, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái và các bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC) và những đơn vị liên quan.

Hội đồng xét xử tuyên mức hình phạt tù đối với ông Trần Đình Thành 11 năm tù và ông Đinh Quốc Thái 9 năm tù cùng về tội nhận hối lộ.

Những quan chức nhận hối lộ trong các đại án - 2
Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (trái) và Trần Đình Thành. Ảnh: Bộ Công an

Tại tòa, ông Thành khai nhận hối lộ 6 lần, trong đó 2 lần nhận tại trụ sở Tỉnh ủy Đồng Nai và 4 lần tại Công ty AIC. Tổng số tiền nhận là 14,5 tỷ đồng. Còn bị cáo Thái khai nhận, tổng cộng 14 lần từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC và dàn cán bộ nhân viên của Công ty AIC, tổng số tiền nhận 14,5 tỷ đồng.

Theo tài liệu, dù biết rõ Công ty AIC không đủ năng lực, nhưng để công ty trúng thầu tại dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn đã thiết lập quan hệ với dàn lãnh đạo tỉnh. Sau đó, bà Nhàn câu kết, thông đồng với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế…  tham gia đấu thầu và trúng 16 gói thầu, thu lợi bất chính gần 150 tỷ đồng. 

Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, vụ Việt Á, bị can Phan Quốc Việt khai kiếm lãi 4.000 tỷ, bôi trơn khoảng 800 tỷ. Các bị can tại Công ty Việt Á còn dùng nhiều phương thức để chuyển tiền cho các lãnh đạo CDC một số tỉnh thành, có cả chuyển qua tài khoản chính chủ và tài khoản nhờ của người nhà (như vợ, mẹ vợ, em vợ của người nhận) và cả đưa trực tiếp bằng tiền mặt.

Tại cuộc họp báo đầu năm 2023, ông Xô cho biết, liên quan đến vụ án Việt Á, cơ quan điều tra cố gắng kết thúc điều tra trong quý 1/2023. Tuy nhiên, ông Tô Ân Xô cũng cho biết "án tại hồ sơ nên về cơ bản mục tiêu đề ra như thế, nhưng không loại trừ khả năng có thêm tình tiết mới".

Theo Đoàn Bổng (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/nhung-quan-chuc-nhan-hoi-lo-trong-cac-vu-dai-an-2107677.html