Pháp luật

Những người trong vụ khách Việt bỏ trốn tại Đài Loan bị xử lý ra sao?

Bắt những người đầu tiên trong 152 du khách VN bỏ trốn ở Đài Loan

Luật sư nói nếu 152 du khách Việt bỏ trốn ở Đài Loan có sắp xếp từ trước thì cá nhân và tổ chức giúp đỡ có dấu hiệu tổ chức, môi giới để người khác trốn và ở nước ngoài trái phép.

Sau gần một tuần xảy ra vụ hơn 152 du khách Việt mất tích, đã có 9 người bị lực lượng chức năng Đài Loan tạm giữ.

Ngoài 5 người bị bắt tại các huyện thị khác nhau trên toàn Đài Loan, 4 người khác hôm 27/12 đã tự ra trình diện tại quận Trung Lịch, thành phố Đào Viên.

Những người trong vụ khách Việt bỏ trốn tại Đài Loan bị xử lý ra sao?
Hình ảnh camera cho thấy nhóm khách du lịch Việt Nam tập trung trước khách sạn ở thành phố Cao Hùng rồi chia thành nhiều nhóm nhỏ lên xe đi mất vào bóng đêm, bỏ lại cả hành lý.

Liên quan vụ việc trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định đây là vấn đề nghiêm trọng, có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin.

Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Du lịch Việt Nam làm việc với đại diện Cục Du lịch Đài Loan, cơ quan công an và có văn bản yêu cầu Sở Du lịch TP.HCM tiến hành kiểm tra ngay hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến vụ việc trên, báo cáo kết quả xử lý về Tổng cục Du lịch.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng các cơ quan chức năng cần điều tra việc có hay không việc cấu kết giữa các cá nhân, tổ chức trong, ngoài nước đưa người lao động sang nước ngoài dưới vỏ bọc khách du lịch.

Luật sư nhìn nhận chính sách nới lỏng visa đặc biệt được xúc tiến vào năm 2015 của chính quyền Đài Loan là kẽ hở để nhiều cá nhân sang lao động bất hợp pháp.

Đối với những khách du lịch bỏ trốn tại Đài Loan sẽ phải chịu hình thức xử lý theo pháp luật về vi phạm nhập cảnh. Hình thức xử phạt có thể trục xuất, cấm nhập cảnh. Nếu thực hiện hành vi phạm tội còn phải chịu trách nhiệm xử lý hình sự theo luật pháp nước sở tại.

Ngoài ra nếu có cơ sở để kết luận việc 152 khách du lịch bỏ trốn tại Đài Loan có sự giúp đỡ, sắp xếp từ trước thì những cá nhân, tổ chức đã giúp đỡ những vị khách trên xuất cảnh đã có dấu hiệu phạm tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Theo đó, những cá nhân, tổ chức này có thể phải chịu khung hình phạt cao nhất từ 7 năm đến 15 năm tù. Ngoài ra, những người vi phạm còn có thể bị phạt tiền 10-50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Tối 25/12, truyền thông Đài Loan đưa tin 152 trong tổng số 153 khách du lịch Việt Nam bỏ trốn sau khi đến hòn đảo. Những người này nhập cảnh tại sân bay Cao Hùng.

Trả lời báo chí, đại diện Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ Quốc tế cho biết đơn vị không liên quan đến vụ việc nhóm người Việt mất tích ở Đài Loan. Vị này khẳng định công ty chỉ chịu trách nhiệm làm visa cho đoàn du khách, còn việc dẫn đoàn sang Đài Loan lại do đơn vị khác thực hiện.

"Sở Du lịch TP.HCM nhận thấy việc Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ Quốc tế hợp tác với Công ty ETholiday của Đài Loan để làm visa đưa các đoàn khách đi Đài Loan mà không thực hiện tour là sai quy định của Luật Du lịch" - ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch TP.HCM, cho biết.

Theo Quang Huy (Tri Thức Trực Tuyến)