Pháp luật

Những chuyên án điển hình trong lịch sử CAND

Ngày 21/6/1996, trước khi ra pháp trường thi hành án tử hình về tội buôn bán trái phép ma tuý với số lượng lớn, Xiêng Phênh (quốc tịch Lào) khai ra đường dây buôn bán ma tuý từ Lào qua Việt Nam,trong đó có Vũ Xuân Trường là Đại uý, công tác tại Đội Đặc nhiệm, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Ngày 19/8/1945, lực lượng CAND ra đời. Trong suốt quá trình đồng hành cùng đất nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng CAND luôn kiên định, vững vàng, nêu cao ý thức cảnh giác và tinh thần cách mạng tiến công, không quản ngại khó khăn, gian khổ, tận tụy với công việc, sẵn sàng xả thân vì nước, vì lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân. Rất nhiều chuyên án, vụ án do lực lượng Công an khám phá đã đi vào lịch sử, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, là bài học nghiệp vụ cho các thế hệ CBCS trong việc bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…

Vụ án phố Ôn Như Hầu: Đập tan âm mưu và hoạt động của Quốc dân đảng

Sau khi quân Tưởng rút về nước, các đối tượng phản động tay sai của chúng ở Việt Nam bị phân hóa. Một số theo quân Tưởng sang Trung Quốc, một số ở lại làm tay sai cho thực dân Pháp. Dựa vào thế lực của thực dân Pháp, chúng tổ chức lực lượng vũ trang, ráo riết hoạt động phá hoại cách mạng. Qua nguồn tin của cơ sở và qua nhiều nguồn tin khác, tin tức trinh sát thu thập được Quốc dân đảng trong trụ sở 132 Đuyvinhô (nay là phố Bùi Thị Xuân, Hà Nội) đangkhẩn trương in tài liệu, truyền đơn phản động. Khita yêu cầu cơ sở lấy một tờ truyền đơn để làm chứng cứ thì cơ sở không lấy được, vì trong trụ sở chúng canh gác, kiểm soát rất kỹ, công việc được bảo vệ tuyệt đối bí mật; những người trực tiếp làm trong đó không được ra ngoài trụ sở.

Trang 10,11: Những chuyên án điển hình trong lịch sử CAND -0
Đội trinh sát đặc biệt, đơn vị chủ chốt trấn áp bọn phản động Quốc dân đảng ngày 12/7/1946.

Một cuộc họp của Nha Công an kéo dài đến 12h đêm 11/7/1946 đã đi đến quyết định đột nhập bí mật trụ sở 132 Đuyvinhô để lấy chứng cứ. Đúng 2h30’ ngày 12/7/1946, một tiểu đội gồm trinh sát và Công an xung phong bí mật, bất ngờ đột nhập vào trụ sở 132 Đuyvinhô. Toàn bộ bọn phản động ở đây bị bắt gọn. Các loại tài liệu phản động: truyền đơn, khẩu hiệu, áp phích, thông cáo chúng vừa in xong bị tịch thu. Đặc biệt, ta thu được một bản tài liệu do chính Trương Tử Anh viết về "kế hoạch đảo chính Chính phủ Hồ Chí Minh".

Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định cho lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng vũ trang khác tiến công truy quét bọn phản cách mạng tại 40 trụ sở của chúng ở địa bàn Hà Nội. Sau trụ sở 132 Đuyvinhô, Nha Công an tiến hành khám xét trụ sở Quốc dân đảng ở nhà số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều). Tại đây, Phan Kích Nam lấy danh nghĩa là đại biểu Quốc hội gây khó khăn cho ta, nhưng các trinh sát đã mưu trí bắt gọn Phan Kích Nam và đồng bọn. Những người bị chúng bắt cóc chưa kịp thủ tiêu đã được cứu thoát. Ta thu các tài liệu phản quốc, dụng cụ làm bạc giả, dụng cụ tra tấn, thuốc mê…

Tại nhà số 80 phố Quán Thánh, trong khi ta tiến hành khám xét, thực dân Pháp mang xe tăng đến can thiệp, uy hiếp.Với chứng cứ đầy đủ và có sự đấu tranh của đông đảo nhân dân buộc quân Pháp phải rút lui. Ta thu đầy đủ tài liệu và bắt 30 tên phản quốc. Tại các khu phố, nhân dân cùng Công an truy lùng bọn Quốc dân đảng và đã bắt được nhiều tên quan trọng đang trên đường lẩn trốn. Trong cuộc truy kích bọn phản cách mạng ở Thủ đô, ta đã bắt gần 100 đối tượng, trong đó có nhiều đối tượng nguy hiểm như Phan Kích Nam, Nghiêm Kế Tổ, Đỗ Đình Đạo...

Điều tra vụ sát hại nữ nghệ sĩ Thanh Nga

Thanh Nga là một nghệ sĩ đã đóng vai một số nhân vật lịch sử rất thành công, như Trưng Trắc trong “Tiếng trống Mê Linh”, Dương Vân Nga trong“Thái Hậu Dương Vân Nga”. Lúc 23h30’ ngày 26/11/1978, nghệ sĩThanh Nga cùng chồng, con là cháu PhanDuyHà Linh (còn gọi là Cúc Cu, 5 tuổi), đi trên ôtô riêng từ rạp về tới cổng nhà riêng số 114 đường Ngô Tùng Châu, phường 12, quận 1, TP Hồ Chí Minh, bị 2 đối tượng dùng súng đe dọa, bắt cóc cháu Cúc Cu. Do vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga phản ứng quyết liệt nên 21/3/1979, bọn tội phạm đã đến điểm hẹn để nhận 20 lạng vàng theo sự thỏa thuận của gia đình. Đồng chí Phạm Văn Thịnh, Phó Đội trưởng Đội Điều tra trọng án Công an TP Hồ Chí Minh đã bắn bị thương Nguyễn Văn Hoá. Khai thác Nguyễn Văn Hoá, y đã khai nhận cùng với Nguyễn Thanh Tân đến điểm hẹn nhận vàng.

Trang 10,11: Những chuyên án điển hình trong lịch sử CAND -0
Công an TP Hồ Chí Minh khám nghiệm hiện trường vụ án sát hại nghệ sĩ Thanh Nga, năm 1978.

Ngày 10/4/1979, Đội Điều tra trọng án Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt Nguyễn Thanh Tân. Nguyễn Thanh Tân nhận tội cùng đồng bọn gồm 14 tên tổ chức bắt cóc tống tiền. Nguyễn Thanh Tân cùng với Đức tổ chức bắt cóc cháu Cúc Cu đêm 26/11/1978 để tống tiền vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga nhưng không thành nên đã giết cả 2 vợ chồng nữ nghệ sĩ để tẩu thoát.

Vụ án sát hại nghệ sĩ Thanh Nga kết thúc để lại nhiều bài học kinh nghiệm về nhận định tính chất đối tượng gây án, về sự lãnh đạo, chỉ đạo điều tra, tinh thần mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của CBCS Cảnh sát hình sự tham gia phá án.

Kế hoạch CM12: Dẫn địch vào“tròng”

Kế hoạch CM12 là một chiến dịch phản gián của lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam, được triển khai từ năm 1981 đến năm 1988, đấu tranh với tổ chức phản động "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam" do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Đây là tổ chức phản cách mạng hoạt động dướisự hậu thuẫn của cơ quan tình báo một số nước thù địch. Ngày 9/9/1981, trung tâm địch ở Bangkok (Thái Lan) thực hiện chuyến xâm nhập thứ hai vào Minh Hải bằng đường biển và cũng là chuyến đầu tiên dưới sự điều khiển của cơ quan an ninh trong kế hoạch CM12. Toán xâm nhập gồm 6 đối tượng, do Trần Ngọc Điền (K55) làm toán trưởng và Thạch Hoàng Minh (K66) hiệu thính viên. Sau khi bị bắt, được giáo dục, cảm hóa, cả hai đối tượng đều thành khẩn khai báo và đề nghị được lập công chuộc tội.

Biết được toán K55 có nhiệm vụ lập một mật cứ ở Đồng Nai, Ban chỉ đạo quyết định cho đài của K55 (DN10) tại Đồng Nai thực hiện liên lạc với Bangkok song song với đài CM12 tại Minh Hải từ tháng 8/1982, để đấu tranh với trung tâm địch. Sau nhiều lần kiểm tra thử thách, Lê Quốc Tuý hoàn toàn yên tâm và thực hiện chuyến xâm nhập đầu tiên về nước qua đảo Kô-Kông (Campuchia). Đêm mồng 6 Tết năm 1987, tàu biệt kích vào đảo nhưng gặp mưa bão. Ngày hôm sau, ta tổ chức truy lùng, bắt 7 đối tượng: Ngô Thanh Hoàn, toán trưởng; Phạm Ngọc Chi, Lê Kỳ Thoại, Trần Văn Kiều, Đào Tấn Quang, Nguyễn Văn Tiến, Đông Khắc Vui; thu 3.000 USD, 71 sợi dây chuyền vàng, 1.000kg thuốc nổ C4, 9 đồng hồ nổ chậm...

Đầu tháng 5/1987, Lê Quốc Tuý bị bệnh và chết tại Pháp. K36 với tư cách là tổng đài trưởng, phụ trách ở Tổng hành dinh phải tuyên bố giải tán mặt trận. Kế hoạch DN10 không còn đối tượng đấu tranh.

Đánh sập đường dây lừa đảo núp bóng mỹ phẩm “Thanh Hương”

Cuối những năm 80, lợi dụng những sơ hở và cơ chế mới trong quản lý kinh tế của Nhà nước ta,một số đơn vị kinh tế tư nhân đã hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản Nhà nước và của công dân gây hậu quả nghiêm trọng. Tổ hợp sản xuất nước hoa mang tên “Thanh Hương” do Nguyễn Văn Mười Hai (tức Cường) làm giám đốc được thành lập tháng 12/1985. Từ năm 1988, cơ sở Thanh Hương đã tổ chức huy động vốn trong nhân dân với mức lãi suất cao. Cơ sở làm việc của Thanh Hương gồm 21 điểm thu chi, 400 đại lý và 6 trung tâm ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cuối năm 1989, qua phát giác của quần chúng, Công an TP Hồ Chí Minh tiến hành điều tra hoạt động của “Xưởng sản xuất kinh doanh mỹ phẩm Thanh Hương”.

Kết quả điều tra cho thấy: Số tiền huy động vốn với mức lãi cao được Nguyễn Văn Mười Hai sử dụng bừa bãi như mua trên 20 căn nhà, 20 ôtô các loại, chi gần 2 tỷ đồng mua quyền sử dụng ngoại tệ của xí nghiệp Cầu Tre và 420.000 USD để nhập 299 tấn hóa chất trốn thuế phi mậu dịch. Xưởng sản xuất kinh doanh mỹ phẩm Thanh Hương còn "liên doanh", "liên kết" với một số cơ sở sản xuất xà phòng thơm, kem đánh răng... đóng mác Thanh Hương để trốn thuế. Nguyễn Văn Mười Hai còn dùng tiền, vàng hối lộ 31 người có chức có quyền để che giấu những hoạt động phạm tội của y và đồng bọn. Đến khi bị bắt, Nguyễn Văn Mười Hai và đồng bọn còn nợ 116 tỷ đồng của người gửi. Khi cơ quan điều tra khám nhà các đối tượng, đã thu giữ 106kg vàng, trên 15 tỷ đồng và nhiều tài sản khác.

Sau khi điều tra và có đủ chứng cứ, ngày 10/3/1989, cơ quan Công an tiến hành bắt Nguyễn Văn Mười Hai, Phạm Dũng Tho, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Quang Lộc, Lê Thị Thu Hồng, Nguyễn Thị Nhu. Từ 15/3 đến 18/4/1990, cơ quan điều tra bắt tiếp 5 đối tượng liên quan đến vụ án. Khám phá vụ án, Công anTP Hồ Chí Minh đã góp phần tích cực vào việc ngăn chặn những hành vi của tội phạm lợi dụng chủ trương phát triển kinh tế tư nhân để lừa đảo, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

Triệt phá đường dây mua bán ma tuý Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường

Ngày 21/6/1996, trước khi ra pháp trường thi hành án tử hình về tội buôn bán trái phép ma tuý với số lượng lớn, Xiêng Phênh (quốc tịch Lào) khai ra đường dây buôn bán ma tuý từ Lào qua Việt Nam,trong đó có Vũ Xuân Trường là Đại uý, công tác tại Đội Đặc nhiệm, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Kết hợp nguồn tin trinh sát với tin tức do những đối tượng buôn bán ma tuý bị bắt cung cấp, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội phát hiện một đường dây buôn bán ma tuý từ Lào về Việt Nam do Xiêng Phênh và Vũ Xuân Trường cầm đầu.

Trang 10,11: Những chuyên án điển hình trong lịch sử CAND -0
Phiên tòa xét xử vụ án mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy do Xiêng Phênh,Vũ Xuân Trường cầm đầu, ngày 14/5/1997.

Nhận thấy đây là một đường dây buôn bán ma tuý tồn tại trong một thời gian dài, có liên quan đến người nước ngoài và cán bộ Công an nên sau khi xem xét kỹ, lãnh đạo Bộ Nội vụ giao cho Công an TP Hà Nội khẩn trương và thận trọng điều tra vụ án này. Lực lượng Cảnh sát Công an TP Hà Nội điều tra làm rõ: Để đưa được ma tuý từ Lào về Việt Nam tiêu thụ, Vũ Xuân Trường, Đào Xuân Xe, Nguyễn Trọng Thắng và đồng bọn dùng mọi thủ đoạn móc nối với Bùi Danh Ca, Trần Ngọc Dương, Nguyễn Trọng Tuấn (bộ đội Biên phòng cửa khẩu Tây Trang - Lai Châu), Vũ Phong Mã, Nguyễn Trọng Kỳ(Công an Lai Châu)... Nguồn ma tuý do các đối tượng Xiêng Nhông, Xiêng Phênh và Xiêng Khăm Chăn cung cấp cho đường dây này.

Từ năm 1993-1996, Xiêng Khăm Chăn qua cửa khẩu Tây Trang vào Việt Nam 27 lần và mang theo 116 cặp heroin (82kg) bán cho Vũ Xuân Trường, Đào Xuân Xe và Lại Thị Ngấn. Xiêng Phênh 2 lần bán 24 cặp heroin cho Nguyễn Thị Hoa. Kết thúc vụ án, Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố 22 bị can, trong đó 3 bị can là người trong gia đình Vũ Xuân Trường, 5 bị can là CBCS cảnh sát.

Vụ buôn bán, vận chuyển chất ma tuý xuyên quốc gia do Xiêng Phênh và Vũ Xuân Trường cầm đầu là một vụ án ma túy lớn nhất, nghiêm trọng nhất từ trước cho đến năm 1996.

Không có“vùng cấm” trong vụ án Lã Thị Kim Oanh và đồng bọn

Sau hơn một năm điều tra, các đơn vị nghiệp vụ đã làm rõ hành vi lừa đảo, cố ý làm trái nguyên tắc đặc biệt nghiêm trọng của Lã Thị Kim Oanh và đồng bọn. Lợi dụng cương vị Giám đốc Công ty Tiếp thị đầu tư nông nghiệp và phát triển nông thôn, Lã Thị Kim Oanh đã tham ô 72,6 tỷ đồng và 92.659 USD, nợ các đơn vị 125 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án còn có những người có chức vụ khác trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như Nguyễn Quang Hà, nguyên Thứ trưởng Thường trực; Nguyễn Thiện Luân, nguyên Thứ trưởng; Phan Văn Quán, Vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán; Huỳnh Xuân Hoàng, nguyên Vụ trưởngVụ Kế hoạch và quy hoạch. Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của một vụ án kinh tế lớn, ngày 16/12/2002, Bộ Chính trị ra Quyết định số 57-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành giải quyết vụ án Lã Thị Kim Oanh do đồng chí Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng Ban; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm làm Phó Trưởng ban để giải quyết vụ án này.

Ngày 15/2/2003, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã kết thúc điều tra vụ án Lã Thị Kim Oanh, chuyển hồ sơ và Kết luận điều tra sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 8 bị can với 29 vụ việc có hành vi phạm tội.

Triệt phá băng nhóm tội phạm kiểu “xã hội đen” Năm Cam

Trong những năm 90, tình hình trật tự xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có nhiều diễn biến phức tạp. Nổi lên là những loại tội phạm hoạt động theo kiểu“xã hội đen”xâm hại đến lợi ích xã hội và lợi ích công dân. Từ tháng 3/1995, Thủ tướng Chính phủ đã nhận được báo cáo của Bộ Quốc phòng, phản ánh những hoạt động của Trương Văn Cam (tức Năm Cam) và đồng bọn về việc tổ chức các sòng bạc lớn, cầm đầu những băng nhóm giang hồ ở TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) chỉ đạo thẩm tra, xác minh; đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương đưa Trương Văn Cam đi tập trung cải tạo. Sau khi được về địa phương, Trương Văn Cam lại tiếp tục các hoạt động phạm tội với quy mô, tính chất nghiêm trọng hơn trước.

Trang 10,11: Những chuyên án điển hình trong lịch sử CAND -0
Năm Cam và đồng bọn tại phiên tòa xét xử.

Ngày 29/5/2001, lực lượng Công an bắt tạm giam Hải "bánh" vì hành vi gây rối trật tự công cộng. Hải khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội trong vụ giết Dung "Hà" và nhiều hoạt động phạm tội khác của băng nhóm kiểu “xã hội đen” do Năm Cam cầm đầu.

Ngày 12/12/2001, lực lượng Công an xác lập chuyên án tấn công đồng loạt vào băng nhóm của Năm Cam. Ban chuyên án quyết định mở 4 đợt cao điểm tổ chức bắt, khám xét đồng loạt quy mô lớn, tấn công vào sào huyệt của Trương Văn Cam và đồng bọn. Đợt 1, từ ngày 12/12/2001, lực lượng Công an bắt, khám xét 10 đối tượng, trong đó có Trương Văn Cam, Lưu Tấn Nhơn, Dương Ngọc Hiệp (tức Hiệp “phò mã”) và một số đối tượng khác. Đợt 2, từ ngày 18/12/2001, lực lượng Công an bắt 8 đối tượng: Châu Phát Lai Em, Hồ Việt Sử, Lê Thị Kim Anh, Nguyễn Văn Lắn (Lũng "đầu bò") và các tên khác. Đợt 3, từ ngày 7/1/2002, lực lượng Công an tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp 10 đối tượng. Đợt 4, ngày 4/5/2002, Công an bắt, khám xét 7 đối tượng khác.

Đập tan âm mưu phá hoại của tổ chức phản động “Việt Tân”

“Việt Nam canh tân cách mạng đảng”(gọi tắt là Việt Tân) là tổ chức phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài, đã và đang câu kết với một số đối tượng xấu ở trong nước chống phá Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổ chức này cho rằng, năm 2007 là năm xảy ra sự kiện “bước ngoặt” ở Việt Nam do Việt Nam tham gia tổ chức WTO và bầu cử Quốc hội, cho nên chúng cho đây là cơ hội để “Việt Tân” công khai hoạt động ở trong nước. Mọi âm mưu, thủ đoạn của tổ chức này đã bị nhân dân và các lực lượng vũ trang phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Trang 10,11: Những chuyên án điển hình trong lịch sử CAND -0
Các đối tượng cầm đầu trong tổ chức khủng bố “Việt Tân” (từ trái qua: Lý Thái Hùng, Trương Leon, Nguyễn Thị Thanh Vân).

Tại TP Hồ Chí Minh, ngày 17/11/2007, lực lượng Công an đã bắt các đối tượng gồm: Nguyễn Thị Thanh Vân, Trương Leon (Trương Văn Sỹ, bí danh anh Ba), Khunmi Mr Somsak (Lưu Ngọc Bang); Nguyễn Quang Phục (bí danh anh Bảy), Nguyễn Thế Vũ, Nguyễn Viết Trung, Nguyễn Quốc Quân. Lực lượng Công an thu giữ tang vật gồm 7.000  tờ truyền đơn phản động, hơn 8.000 bao thư, 3.775 tem bưu chính, 1.000 đề can in logo của“Việt Tân”.

Qua điều tra, cơ quan Công an làm rõ: Nguyễn Quốc Quân thực chất là Ủy viên Trung ương của“Việt Tân”, Khunmi Mr Somsak, Nguyễn Thế Vũ đều thừa nhận là thành viên của tổ chức “Việt Tân”. Đây là một tổ chức phản động hoạt động theo phương thức khủng bố với tên gọi đầy đủ là “Việt Nam canh tân cách mạng đảng”do Hoàng Cơ Minh lập ra năm 1982 với mục đích phá hoại công cuộc xây dựng và phát triển ở Việt Nam. Từ 1990-2004, “Việt Tân” tiếp tục thành lập các tổ chức ngoại vi “Liên minh Việt Nam tự do”, “Hội chuyên gia Việt Nam hải ngoại”,“Ủy  ban vận động chính trị người Mỹ gốc Việt”(VAPC), “Mạng lưới tuổi trẻ Việt Nam lên đường”phát triển lực lượng vào số học sinh, lao động Việt Nam ở các nước Đông Âu, lập ra ủy ban tự do vùng Trung Tiệp và Đông Tiệp, thông qua các tổ chức này thực hiện kế hoạch Nancy móc nối với số phần tử chống đối trong nước thành lập tổ chức chống chính quyền mang tên “Liên minh các lực lượng dân tộc đổi mới”.

Tại đại hội VI của“Việt Tân”được tổ chức ở Mỹ, những kẻ cầm đầu đã vạch ra kế hoạch sang sông (còn gọi là Đông Tiến 07) với mục tiêu trong năm 2007 sẽ công khai hóa bằng được tổ chức trong nước để châm ngòi nổ cho việc hình thành các tổ chức chính trị đối lập ở Việt Nam trên mạng điện tử. Âm mưu và thủ đoạn của tổ chức này xảo quyệt như vậy, nhưng với tinh thần cảnh giác, nhân dân và lực lượng Công an đã tập trung lực lượng, chủ động phát hiện, đấu tranh khám phá toàn bộ cơ sở ngầm của chúng ở trong nước, ngăn chặn và đập tan mọi âm mưu, kế hoạch hoạt động khủng bố, phá hoại của chúng.

Theo Vũ Linh (CAND Online)




https://cand.com.vn/Lan-theo-dau-vet-toi-pham/nhung-chuyen-an-dien-hinh-trong-lich-su-cand-i664314/?fbclid=IwAR3TnqlWn7_0jhlX9gufwF0xUnnA0bbAxuVTVKG5JwBhYT4t91HiOhCxO28