Pháp luật

Người 'phù phép' điểm thi ở Hà Giang đối mặt khung hình phạt nào?

Video: Công an Hà Giang khám xét nhà ông Vũ Trọng Lương

Việc bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn kèm theo những dấu hiệu vi phạm trong việc nâng điểm, ông Vũ Trọng Lương sẽ đối mặt với khung hình phạt nào?

Liên quan tới vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, ngày 20/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Vũ Trọng Lương (40 tuổi, Phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang) – người được xác định là trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của các thí sinh thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang.

Ông Lương bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.

Người 'phù phép' điểm thi ở Hà Giang đối mặt khung hình phạt nào?
Bị can Vũ Trọng Lương.

Sau khi ông Lương bị khởi tố, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, với việc bị khởi tố theo theo điều 356 Bộ luật Hình sự và kèm theo những dấu hiệu vi phạm ban đầu, ông Lương sẽ đối mặt với khung hình phạt nào?

Trao đổi với PV về thắc mắc của bạn đọc, luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty luật Inteco) cho biết, điều 356 Bộ luật Hình sự quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Hình phạt có thể tăng lên 5-10 năm tù nếu phạm tội thuộc các trường hợp: Có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên hoặc gây thiệt hại từ 200 triệu tới 1 tỷ đồng. Người phạm tội sẽ bị phạt tù 10-15 năm nếu gây thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

“Dấu hiệu ông Lương phạm tội lạm chức vụ khá rõ ràng. Ông Lương với cương vị là Phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang đã được giao làm Thư ký Hội đồng thi THPT Quốc gia năm 2018 của Hội đồng thi tỉnh Hà Giang.

Tuy nhiên, lợi dụng ví trí, nhiệm vụ được giao, ông Lương đã can thiệp vào kết quả thi gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi của ông Lương đã làm suy giảm niềm tin của người dân về ngành giáo dục, gây tổn hại đến lợi ích của Nhà nước.

Ngoài ra, việc thay đổi kết quả thi ở Hà Giang đã ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả thi và nỗ lực học tập nhiều thí sinh khác trên cả nước.

Tôi giả sử, một em học sinh thi được 28 điểm nhờ thức khuya dậy sớm, miệt mài học tập suốt 12 năm nhưng vẫn trượt đại học bởi một thí sinh được nâng khống điểm thi từ 8,2 điểm lên 28,9 điểm. Giả thuyết của tôi hoàn toàn có thể xảy ra nếu sự việc ở Hà Giang không được phát giác sớm.

Người 'phù phép' điểm thi ở Hà Giang đối mặt khung hình phạt nào? - 1
Luật sư Hà Huy Phong.

Vì vậy, sai phạm của ông Lương nếu không bị phát giác sẽ dập tắt ước mơ của rất nhiều nhân tài”, luật sư Phong nói.

Theo luật sư Phong, trường hợp cơ quan tố tụng có đủ căn cứ xác định, ông Lương là người trực tiếp can thiệp sửa hơn 300 bài thi của 114 thí sinh thì vị cán bộ này có thể bị truy cứu về khoản 2 với tình tiết tăng nặng “phạm tội 2 lần trở lên”, khung hình phạt với hành vi này là từ 5-10 năm.

“Cơ quan chức năng cũng cần làm rõ, với quy trình quản lý dữ liệu thi như hiện nay liệu ông Lương có thể hành động một mình hay không? ông Lương có đồng phạm giúp sức không? có tổ chức hay không?”, luật sư Phong nhấn mạnh.

Trước đó, chiều 17/7, Hà Giang đã họp báo công bố thông tin rà soát kết quả thi THPT Quốc gia 2018 ở Hội đồng thi tỉnh Hà Giang.

Kết quả xác minh cho thấy có dấu hiệu nâng kết quả điểm thi của thí sinh. Có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết kết quả xác minh cho thấy ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng thuộc Sở GD&ĐT Hà Giang, là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.

Theo Xuân Lực (Dân Việt)