Pháp luật

Ngày mai, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung hầu tòa

Với cáo buộc “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”, bị cáo Nguyễn Đức Chung và các đồng phạm sẽ được đưa ra xét xử kín...

Theo dự kiến, sáng 11/12,  TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Chung (SN 1967, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội); Phạm Quang Dũng (SN 1983, cựu cán bộ Cục Cảnh sát kinh tế - C03, Bộ Công an); Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983, cựu chuyên viên Phòng Thư ký biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội) và Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, cựu Phó trưởng phòng Thư ký biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội) về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" theo Điều 337 (Bộ luật Hình sự 2015). Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh Toà hình sự làm Chủ toạ phiên toà. Vụ án được xét xử kín theo quy định của pháp luật.

Theo cáo trạng, quá trình điều tra vụ án "Buôn lậu"; "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng"; "Rửa tiền"; "Vi phạm quy định về đấu thầu" xảy ra tại Công ty TNHH TM và DV Nhật Cường và một số đơn vị liên quan (Công ty Nhật Cường), Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) xác định ông Nguyễn Đức Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa đều là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Để nắm thông tin, tài liệu về quá trình điều tra vụ án, ông Chung làm quen với ông Phạm Quang Dũng. Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 62020, thực hiện đề nghị của ông Chung, Phạm Quang Dũng đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ mật liên quan đến vụ án Nhật Cường.

Trong đó, Dũng đã chuyển cho bị cáo Chung hai lần gồm 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước mức độ mật. Đối với Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc, hai bị cáo này tham gia in, chỉnh sửa 3 tài liệu mật cho ông Chung.

Cáo trạng xác định, hành vi của ông Nguyễn Đức Chung đã phạm vào tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" với vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Ngày mai, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung hầu tòa
Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi còn đương chức (ảnh TL)

Bình luận về tội danh này, luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: Hành vi "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước", được hiểu là hành vi lấy các tài liệu được xác định là bí mật Nhà nước làm của riêng bằng bất kỳ thủ đoạn nào (tài liệu bí mật Nhà nước là một dạng vật chất đã ghi nhận những thông tin ở dạng thành văn bản, âm thanh, hình ảnh có chứa đựng các nội dung được xác định là bí mật Nhà nước). Nó được thể hiện qua hành vi dùng vũ lực đe dọa hoặc các thủ đoạn khác (như lấy trộm, lừa đảo…), để chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước thành của riêng mình.

Đối với tội danh này, khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù giam. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, tòa án sẽ căn cứ vào hai yếu tố chính là yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi. Trong đó tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, hậu quả đã xảy ra, nhân thân của các đối tượng và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ là những yếu tố quyết định đến mức hình phạt cụ thể", luật sư Long phân tích.

Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước

1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Theo Bình Minh (Giadinh.net.vn)




https://giadinh.net.vn/phap-luat/sang-mai-cuu-chu-tich-ubnd-tp-ha-noi-nguyen-duc-chung-hau-toa-20201210162444115.htm