Pháp luật

Nếu bị tâm thần, kẻ sát hại vợ và con trai 2 tuổi ở Hà Nội có thoát tội?

Trước khi sát vợ con, đối tượng Quách Văn Nam có những biểu hiện không bình thường. Nếu được xác định là tâm thần. Liệu người chồng, người cha độc ác ấy có thoát tội?

Hung thủ có biểu hiện không bình thường

Khoảng 9 giờ ngày 2/5, do mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng, Quách Văn Nam (SN 1989, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) đã dùng dao chém tử vong vợ là chị D.K.H (SN 1999) và con trai Quách Phú T. (SN 2018). Sau khi gây án, đối tượng có biểu hiện không bình thường. Tổ công tác của Công an quận Tây Hồ đã bắt giữ Nam đưa về trụ sở để điều tra về hành vi "giết người".

Theo lời kể của bà Nga (mẹ đẻ của Nam), vào quãng thời gian trên, bà vừa đi chợ về thì thấy Nam đang ở nhà mình. Khi đó, Nam khóc và bảo không hầu hạ được mẹ nữa rồi. Bà Nga hỏi có chuyện gì thì Nam cho biết vừa giết vợ với con trai. Nói xong, Nam đi bộ lên trụ sở công an phường tự thú.

Kể về đứa con trai gây trọng tội, bà Nga cho biết, bà lấy chồng sinh được người con trai là Nam, sau đó chồng bà bỏ đi. Hàng ngày, bà đi nhặt đồng nát kiếm sống, còn vợ chồng Nam sống trên tầng 2 của căn nhà 3 tầng nhỏ do bà ngoại của Nam năm nay đã 90 tuổi làm chủ. Ở đây, Nam đi làm nuôi vợ con và chăm sóc, phụ bà ngoại thu tiền trọ của mấy người thuê ở dưới tầng 1.

Theo lời bà Nga, Nam là người thương mẹ, thương bà. Nam chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ học. Khoảng 14-15 tuổi, Nam có khoảng thời gian chơi bời, nghịch ngợm phải đi trại giáo dưỡng. Tuy nhiên, đi trại về thì Nam không có bất kỳ điều tiếng nào nữa. Sau khi lấy vợ, cuộc sống hôn nhân không được hòa thuận, 2 người thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.

Nếu bị tâm thần, kẻ sát hại vợ và con trai 2 tuổi ở Hà Nội có thoát tội?
Bà Nga đau đớn kể lại sự việc (ảnh TL)

Cách đây ít lâu, con trai bà nằm mơ về giấc mơ "ảo tưởng" đổi đời. Nam ám ảnh trong đầu về cuộc sống khó khăn, không thể ở được trong ngôi nhà nên muốn đi chỗ khác. Trước khi xảy ra sự việc thương tâm, 2 vợ chồng đã có cuộc cãi vã về việc nghi phạm muốn ly hôn để vào Sài Gòn làm ăn. 

"Nó bảo con quỳ xuống xin rằng em tha cho anh, em thương anh thì để anh vào Sài Gòn làm ăn nhưng vợ nó không đồng ý. Vợ nó níu chân không cho nó đi nên trong lúc nóng giận nó mới hành động như vậy chứ nó không hề có ý đồ sát hại vợ con đâu. Hơn nữa, thời gian gần đây Nam có biểu hiện không bình thường, ngáo ngơ, nhiều khi nói năng luyên thuyên. Có thể con tôi suy nghĩ nhiều nên mắc một số chứng bệnh của tâm thần", bà Nga nói.

Đối tượng khó thoát án tử

Phân tích về vụ án mạng nghiêm trọng này, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, hành vi của Nam là giết người, được quy định tại điểm a, b (khoản 1, Điều 123, BLHS 2015), với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là "giết nhiều người" và "giết người dưới 16 tuổi".

Nếu bị cáo buộc, Nam sẽ phải chịu hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt với Nam, tòa án sẽ căn cứ vào hai yếu tố chính là yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi. Trong đó tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, hậu quả đã xảy ra với nạn nhân, nhân thân của Nam và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ là những yếu tố quyết định đến mức hình phạt cụ thể.

Nếu bị tâm thần, kẻ sát hại vợ và con trai 2 tuổi ở Hà Nội có thoát tội? - 1
Đối tượng Nam tại cơ quan công an (ảnh TL)

Có thông tin cho rằng, Nam có những biểu hiện không bình thường, do vậy cơ quan chức năng cần phải giám định tâm thần để xác định đối tượng này có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự hay không. 

Theo đó, sẽ có ba trường hợp có thể xảy ra: Một là, đối tượng hoàn toàn bình thường tại thời điểm gây án; Hai là, đối tượng mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi; Ba là, đối tượng bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.

Theo luật sư Anh, nếu rơi vào trường hợp thứ nhất, Nam sẽ phải chịu tội như những người bình thường. Nếu rơi vào trường hợp thứ hai, tức là khi sát hại nạn nhân, Nam đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì đối tượng này không phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Cụ thể, căn cứ Điều 21 (Bộ luật Hình sự 2015): "Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự".

Luật sư Anh nhấn mạnh: "Để xử lý trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, cơ quan tố tụng cần phải xác định được năng lực trách nhiệm hình sự của người đó. Trường hợp tại thời điểm gây án, Nam không có năng lực trách nhiệm hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đối tượng này sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh để thực hiện công tác phòng ngừa chung cho xã hội".

Còn nếu rơi vào trường hợp thứ ba, tức là Nam chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc vẫn còn đầy đủ khả năng nhận thức nhưng do sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến ảo giác nên thực hiện hành vi phạm tội thì đối tượng này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người. 

"Pháp luật quy định trường hợp sử dụng ma túy, rượu bia hoặc chất kích thích khác dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc hạn chế khả năng nhận thức, sau đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì người thực hiện hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự", luật sư Anh nói.

Theo Bình Minh (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/phap-luat/neu-bi-tam-than-ke-sat-hai-vo-va-con-trai-2-tuoi-o-ha-noi-co-thoat-toi-20200505160103871.htm