Pháp luật

Một bị can duy nhất được bảo lĩnh trong vụ AVG

Bà Phạm Thị Phương Anh, cựu phó TGĐ MobiFone, là bị can duy nhất trong vụ án được áp dụng biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh.

Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, có 14 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ án liên quan đến thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.

Trong số này, tám bị can bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam (Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Nhật Vũ…), năm bị can bị cấm đi khỏi nơi cư trú, một được áp dụng biện pháp ngăn chặn là bão lĩnh.

Người duy nhất được bảo lĩnh trong vụ án này là bị can Phạm Thị Phương Anh, cựu phó TGĐ MobiFone. Trước khi được thay đổi biện pháp ngăn chặn, bà Phương Anh từng bị bắt tạm giam trong thời gian 10 tháng.

Một bị can duy nhất được bảo lĩnh trong vụ AVG
Bị can Phạm Thị Phương Anh (ảnh nhỏ)

Tài liệu điều tra cho thấy bị can Phương Anh được giao nhiệm vụ là tổ trưởng tổ giúp việc, chỉ đạo các thành viên trong tổ đánh giá tình hình tài chính của AVG, làm việc với các công ty tư vấn, thẩm định để xác định giá trị AVG.

Khi tham gia xây dựng dự án, cựu phó TGĐ biết rõ tình hình tài chính yếu kém của AVG, hiệu quả kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn, giá mua cổ phần AVG chênh lệch lớn so với giá trị thể hiện trên sổ sách kế toán.

Nữ bị can cũng biết việc MobiFone bàn giao cho công ty AMAX bản phụ lục số 02 của VCBS cung cấp riêng cho MobiFone là không được phép. Khi nghiệm thu kết quả xác định giá trị doanh nghiệp AVG của AMAX là 16.565 tỉ đồng (bao gồm 13,448 tỉ đồng là giá trị tài sản vô hình không được hạch toán vào sổ sách), bà Phương Anh đã ký đề nghị tổng giám đốc xem xét, sử dụng kết quả này để làm mức giá đàm phán khi mua cổ phần AVG.

Ngoài ra, cựu phó TGĐ MobiFone đã cùng Ban Tài chính, Ban Kế toán đề xuất tỉ lệ chuyển đổi mua cổ phần (90,1%), tiến hành đánh giá tình hình tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án mua cổ phần AVG, dự kiến nguồn vốn thực hiện dự án để báo cáo tổng giám đốc trình HĐTV xem xét…

Bảo lĩnh là gì?

Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, CQĐT, VKS Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

Cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 2 người. Cá nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.

Trong giấy cam đoan, cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ theo quy định. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.

Bị can, bị cáo được bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;

b) Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;

c) Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam.

Theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Theo Tuyến Phan (Pháp Luật TP.HCM)