Pháp luật

Mẹ Hồ Duy Hải gửi đơn cầu cứu

Gửi đơn đến bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, mẹ Hồ Duy Hải mong bà ý kiến với cơ quan thẩm quyền, xem lại quyết định của phiên giám đốc thẩm.

Trưa 10/5, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, quay về nhà ở Long An sau nhiều ngày ra Hà Nội chờ đợi kết quả phiên giám đốc thẩm vụ án của con trai.

Gia đình cho biết, bà Loan đã gửi đơn cầu cứu Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội có ý kiến với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao - bác kháng nghị huỷ án, đồng nghĩa với việc bản án tử hình Hồ Duy Hải có hiệu lực.

Đơn viết, 5 năm trước, trong chuyến công tác đặc biệt với tư cách Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội "về tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan", bà Lê Thị Nga đã gặp bà Loan để tìm hiểu về quá trình trưởng thành của Hồ Duy Hải, từ nhỏ đến khi bị bắt tạm giam.

Bà Loan cũng nhắc lại bản báo cáo kết quả nghiên cứu về vụ án Hồ Duy Hải mà bà Nga gửi Quốc hội, ký ngày 10/2/2015, cho kết luận "việc tòa án hai cấp kết tội Hồ Duy Hải là chưa đủ cơ sở vững chắc, có đầy đủ căn cứ để giám đốc thẩm".

Mẹ Hồ Duy Hải gửi đơn cầu cứu
Bà Nguyễn Thị Loan khi nhận quyết định kháng nghị vụ án của VKSND Tối cao, tháng 11 năm 2019. Ảnh: Hoàng Nam.

Hồ Duy Hải bị cáo buộc, tối 13/1/2008 đến Bưu điện Cầu Voi chơi - nơi chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và em họ tên Vân (21 tuổi) làm việc. Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Hồng nhưng không thực hiện được nên sát hại cô và người em.

TAND tỉnh Long An và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên phạt bị cáo mức án tử hình. Sau nhiều năm Hải không được chấp nhận đơn xin giảm án và ân xá, gia đình anh này đi kêu oan.

Ngày 22/11/2019, VKSND Tối cao kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao giám đốc thẩm vụ án theo hướng huỷ cả hai bản án. Hôm 8/5, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao đã bác kháng nghị này.

Tuy nhiên, theo Điều 404 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định này, thì Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu; Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị, Chánh án TAND Tối cao đề nghị; thì Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

Theo Hoàng Nam (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/me-ho-duy-hai-gui-don-cau-cuu-4097221.html