Pháp luật

Luật sư yêu cầu triệu tập ông Trương Quý Dương đến tòa

Các luật sư đồng loạt yêu cầu tòa án triệu tập ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, đến làm rõ vụ 8 người tử vong khi chạy thận.

Sáng 15/5, TAND TP Hòa Bình mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ án 8 bệnh nhân tử vong khi chạy thận tại bệnh viện đa khoa tỉnh này hồi giữa năm ngoái. Phiên tòa diễn ra 8 ngày trước phải hoãn do thiếu luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Hôm nay, 3 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, Giám đốc Công ty xử lý nước Trâm Anh), Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ Khoa hồi sức tích cực) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ Phòng vật tư - Bệnh viện đa khoa tỉnh).

Ông Quốc bị bị truy tố tội Vô ý làm chết người, hai người còn lại bị cáo buộc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư đề nghị triệu tập ông Trương Quý Dương

Từ sáng sớm, người thân đã mang di ảnh các nạn nhân đến tòa. Những người trong diện triệu tập được vào phòng xét xử, còn phóng viên và những người khác theo dõi phiên xử qua tivi ở phòng riêng. Bị cáo Hoàng Công Lương mặc sơ mi tím, còn Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc cùng mặc áo màu xanh.

Theo thư ký tòa, 14 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho 3 bị cáo, gia đình bị hại và đơn vị liên quan đều có mặt. Riêng ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh) tiếp tục không đến tòa.

Luật sư yêu cầu triệu tập ông Trương Quý Dương đến tòa
Bị cáo Hoàng Công Lương (áo tím) và Trần Văn Sơn. Ảnh: Tòa án Hòa Bình.

Trước khi bước vào phần xét hỏi, luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) yêu cầu HĐXX triệu tập đại diện Bộ Y tế để làm rõ các nội dung trong quy chế bệnh viện được ban hành năm 1997 và làm rõ trách nhiệm các chức danh lãnh đạo bệnh viện đa khoa tỉnh. Luật sư cũng đề nghị mời đội đồng chuyên môn Sở Y tế Hòa Bình về hoạt động y tế của bác sĩ Hoàng Công Lương, làm rõ việc phân cấp ký hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO chạy thận và có hay không việc lách luật để trục lợi.

Ông Thiệp còn đề nghị HĐXX triệu tập ông Trương Quý Dương đến tòa. “Ông Dương biết đủ các tình tiết liên quan, tư cách của ông Dương vừa là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vừa là người làm chứng”, luật sư nói theo Bộ luật tố tụng hình sự, có thể áp giải nếu ông Dương không đến tòa. Việc không triệu tập, làm rõ trách nhiệm ông Dương sẽ lọt tội phạm.

Người bào chữa của bị cáo Lương cũng đề nghị TAND TP Hòa Bình triệu tập thêm đại diện các công ty đã báo giá hợp đồng cho Bệnh viện đa khoa Hòa Bình theo yêu cầu của Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn). Ông Thiệp nói sự việc có dấu hiệu thông thầu, từ đó gây ra sự cố chết người.

Luật sư Nguyễn Tiến Dũng (bào chữa cho bị cáo Quốc) nói hợp đồng 05 được Công ty Thiên Sơn ký với Công ty Trâm Anh vào chiều 29/5 - thời điểm sự cố đã xảy ra.

Theo lời khai của bị cáo Quốc, chiều hôm sự cố xảy ra, bà Ngô Thị Tuyết Minh, Phó giám đốc Công ty Thiên Sơn, mang hợp đồng đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình để ký hoàn thiện hồ sơ. Để làm rõ trách nhiệm thân chủ, ông Dũng đề nghị tòa triệu tập bà Minh và các nhân chứng khác.

Luật sư Trần Vũ Hải cũng khẳng định hợp đồng 05 ngày 29/5 không có thật. Cáo trạng thể hiện ngày 20/4, các bị cáo đề xuất sửa chữa nhưng thực tế việc báo giá có từ 18/4. Ngoài ra, Công ty Trâm Anh báo giá 50 triệu đồng nhưng hợp đồng được ký với giá 70 triệu đồng.

Luật sư yêu cầu triệu tập ông Trương Quý Dương đến tòa - 1
Gia đình nạn nhân mang di ảnh người thân đến tòa. Ảnh: Bá Chiêm.

Ông Hải yêu cầu tòa phải mời bằng được 2 người liên quan đến hợp đồng là ông Trương Quý Dương và Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn. “Nếu không mời được thì phiên tòa không thể làm rõ sự thật cẩu thả từ lúc ký hợp đồng”, luật sư nhấn mạnh.

Vì sao 8 bệnh nhân chạy thận tử vong?

Năm 2009, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình mở phòng xử lý nước RO để chạy lọc máu thận nhân tạo. Do chưa thành lập khoa riêng nên bác sĩ Hoàng Công Lương được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo thuộc Khoa Hồi sức tích cực.

Cuối tháng 4/2017, phát hiện hệ thống nước RO bị hỏng, Trần Văn Sơn và bác sĩ Lương cùng ký tờ trình xin sửa máy lọc thận.

Cáo trạng của cơ quan công tố xác định ông Trương Quý Dương, Giám đốc bệnh viện, ký hợp đồng cung cấp vật tư để sửa hệ thống lọc nước RO với ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn. Bản hợp đồng trị giá gần 100 triệu đồng được Công ty Thiên Sơn chuyển nhượng cho Công ty Trâm Anh do Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc với số tiền hơn 70 triệu đồng.

Cuối tháng 5/2017, Bùi Mạnh Quốc gặp Sơn tại bệnh viện để sửa máy lọc. Sau khi kiểm tra xong vật tư do Quốc cung cấp, Sơn đi về nhà để đối tác tự thực hiện công việc.

Quốc dùng hỗn hợp axit để sục rửa các cột lọc nhưng không kiểm tra chỉ số cuối cùng nên để dư lượng axit trong các cột lọc máu cao gấp 260 lần so với quy chuẩn.

Sáng 29/5, bác sĩ Lương nghe cấp dưới báo đã sửa xong máy lọc, liền ra y lệnh chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân. VKSND cáo buộc Hoàng Công Lương đã không kiểm tra, xác minh lại thông tin và không báo cáo trưởng khoa.

Quá trình vận hành, nước trong hệ thống có tồn dư lượng axit đã được sử dụng để lọc máu thận cho 18 bệnh nhân. 8 người trong số này đã tử vong do bị ngộ độc hóa chất.

Luật sư yêu cầu triệu tập ông Trương Quý Dương đến tòa - 2
Hệ thống lọc nước RO chứa axit gấp 260 lần mức cho phép khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong. Ảnh: Việt Linh.

VKSND cáo buộc Lương và Trần Văn Sơn tội Thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Còn Bùi Mạnh Quốc bị truy tố tội Vô ý làm chết người.

Trong kết luận đưa ra, cơ quan chức năng cho rằng không đủ căn cứ để khởi tố hình sự ông Trương Quý Dương nên chỉ xử lý hành chính. Tháng 8/2017, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã cách chức Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình của ông Dương vì để xảy ra sự cố chạy thận.

Trước khi phiên xử diễn ra, Hoàng Công Lương đã gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng. Anh này khẳng định 100% mình vô tội, mong muốn vụ án được xét xử công khai, công bằng.

Ngày 11/5, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu TAND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo xem xét, giải quyết kiến nghị của bác sĩ Lương; đảm bảo việc xét xử công bằng, không bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội.

Phía các gia đình bị hại cũng cho rằng bản cáo trạng của VKS chưa đánh giá khách quan hành vi của người liên quan. Bác sĩ Lương chỉ được đào tạo về khám chữa bệnh, không phải nguyên nhân gây ra sự cố. Gia đình nạn nhân muốn cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm những người liên quan khác.

Gia đình nạn nhân vụ chạy thận nói bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội. Gia đình các nạn nhân tử vong do chạy thận ở Hòa Bình không đồng tình với một số quy kết trong cáo trạng. Họ cho rằng nguyên nhân sự cố không liên quan đến bác sĩ Hoàng Công Lương.

Theo Bá Chiêm (Tri Thức Trực Tuyến)