Pháp luật >> Đại án Oceanbank: Hà Văn Thắm hầu tòa

Luật sư: Ông Nguyễn Xuân Sơn có ba cách thoát án tử hình

Video: Cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm kháng cáo những gì?

Kiến nghị giám đốc thẩm, xin Chủ tịch nước ân giảm, nộp lại 3/4 tiền chiếm đoạt... là những gợi ý của luật sư giúp ông Sơn không phải thi hành bản án tử hình.

Tại bản án phúc thẩm tuyên ngày 4/5 về vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Oceanbank (Ngân hàng TMCP Đại Dương), TAND Cấp cao giữ nguyên hình phạt, trách nhiệm dân sự với hầu hết 26 người kháng cáo. Trong đó, cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm, cựu tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn lần lượt bị tuyên y án tù chung thân và tử hình do phạm các tội: Tham ô tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (điều 278, 165, 280, 179 Bộ luật Hình sự 1999).

HĐXX nhận định ông Sơn "không oan" nên giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm đánh giá bị cáo thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng, đặc biệt là trong giai đoạn phúc thẩm. Hơn nữa, bản thân bị cáo cũng như gia đình có nhiều thành tích trong công tác, có công với cách mạng.

Cấp phúc thẩm nhìn nhận ông Sơn đã thể hiện ý thức sớm khắc phục hậu quả nên sẽ kiến nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét giảm hình phạt cho ông Sơn từ tử hình xuống chung thân sau khi khắc phục được ít nhất 3/4 hậu quả của tội Tham ô tài sản.

Với ông Hà Văn Thắm, phiên toà phúc thẩm không giảm án song đề nghị các cơ quan chức năng khi tiếp nhận bản án cần xem xét giảm xuống tù có thời hạn cho bị cáo này.

TAND Cấp cao đánh giá người phạm tội gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên, người vi phạm đã bị án phạt 20 năm, chung thân, tử hình, nhưng khoản chiếm đoạt của ông Thắm lớn hơn "gấp trăm lần". Vì thế, tòa có áp dụng hết tình tiết giảm nhẹ cũng không thể giảm án, dù ông Thắm nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, nhiều thành tích, đóng góp nhiều vật chất cho xã hội.

Luật sư: Ông Nguyễn Xuân Sơn có ba cách thoát án tử hình
HĐXX cấp phúc thẩm tuyên án vụ Oceanbank chiều 4/5. Ảnh: Phạm Dự.

Luật sư: Kiến nghị của Tòa Cấp cao là 'thừa' và 'né trách nhiệm'

Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP HCM) nhận định kiến nghị của Tòa Cấp cao đúng thẩm quyền nhưng "thể hiện sự né trách nhiệm, không dám sửa bản án".

Bản án thể hiện nội dung "mâu thuẫn" khi không giảm án mà lại kiến nghị cấp cao hơn làm việc này với lý do hai bị cáo thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác, gia đình có công cách mạng, vợ tích cực khắc phục hậu quả…. Trong khi đây là những tình tiết giảm nhẹ đã quy định trong luật. "Nếu tòa thấy có căn cứ có thể giảm án ngay chứ không cần kiến nghị”, ông Đức nêu quan điểm.

Theo ông, điều 355 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định tòa phúc thẩm có năm thẩm quyền: giữ nguyên bản án sơ thẩm, sửa án sơ thẩm, hủy án sơ thẩm chuyển hồ sơ để điều tra xét xử lại, hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án, hoặc đình chỉ luôn việc xét xử phúc thẩm.

Luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng "chưa từng thấy" kiến nghị kiểu này. Việc giảm án sau khi có bản án phúc thẩm rồi sẽ thuộc về thẩm quyền của cơ quan thi hành án và TAND Tối cao vì vậy kiến nghị của Tòa Cấp cao là "thừa, hơi vô lý và có phần thiên vị cho bị cáo".

"Tại sao tòa không kiến nghị với tất cả các bị cáo khác. Hơn nữa, nếu toà có kiến nghị thì các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải thực hiện hay không, hay chỉ khi "có yêu" cầu thì mới mang tính bắt buộc", luật sư thắc mắc.

Luật sư: Ông Nguyễn Xuân Sơn có ba cách thoát án tử hình - 1
Ông Nguyễn Xuân Sơn sau khi nghe tuyên án phúc thẩm chiều 4/5. Ảnh: Phạm Dự.

Ba cách thoát án tử hình của ông Nguyễn Xuân Sơn

Luật sư Vũ Quang Đức cho biết, do án phúc thẩm đã có hiệu lực, ông Sơn có ba cách để có thể giảm án tử hình xuống tù chung thân. Đó là kiến nghị Giám đốc thẩm, khắc phục hậu quả nộp 3/4 số tiền chiếm đoạt và xin Chủ tịch nước ân giảm.

Thời hạn kiến nghị Giám đốc thẩm là một năm kể từ ngày bản án phúc thẩm có hiệu lực. Khi đó cấp Giám đốc thẩm có thể sửa hoặc hủy một trong hai bản án phúc hoặc sơ thẩm.

Ngoài ra theo điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 nếu ông Sơn và gia đình nộp khắc phục hậu quả được 3/4 số tiền chiếm đoạt thì Chánh án TAND Tối cao có thể quyết định giảm từ tử hình xuống tù chung thân. 

Luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng ngay từ bây giờ, sau khi bản án phúc thẩm được tuyên, ông Sơn đã có thể xin Chủ tịch nước ân giảm. Và việc này không phụ thuộc vào việc ông Sơn có khắc phục được 3/4 tài sản tham ô hay không.

Nếu tiền tham ô đã được khắc phục hết thì đó là một trong những căn cứ để Chủ tịch nước xem xét vì chứng tỏ ông Sơn đã ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả. Nếu khắc phục 3/4 thiệt hại thì đó chỉ là "điều kiện cần", còn phải có "điều kiện đủ" khác nữa.

Ông Hà Văn Thắm có hai cách giảm án chung thân

Luật sư: Ông Nguyễn Xuân Sơn có ba cách thoát án tử hình - 2
Ông Hà Văn Thắm. Ảnh: Phạm Dự.

Luật sư Vũ Quang Đức cho hay khác với ông Sơn, ông Hà Văn Thắm chỉ có hai cách để giảm được án tù chung thân: Kiến nghị Giám đốc thẩm và cải tạo tốt, lập được kỳ tích.

Sau khi được giảm án thành tù có thời hạn, ông Thắm sẽ được hưởng đặc xá theo quy định của pháp luật. Nếu ông Thắm phải chấp hành án tù chung thân thì sau ít nhất 12 năm mới được xét giảm án. Giả sử ông Thắm được giảm xuống tù có thời hạn 20 năm thì phải "ngồi tù" ít nhất một phần hai thời gian (là 10 năm) mới được xét giảm tiếp.

Theo Bảo Hà (VnExpress.net)