Pháp luật

Luật sư: Lỗi thuộc về tập thể Quân chủng Hải quân

Luật sư cho rằng việc đưa ba khu đất quân sự vào làm kinh tế do Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Hải quân ra chủ trương, không phải các bị cáo tự quyết.

Đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị đề nghị phạt 3-4 năm tù Đô đốc Nguyễn Văn Hiến nhận lỗi Hợp đồng liên doanh khiến Quân chủng Hải quân 'mất' 6.700 m2 đất

Chiều 20/5, tranh luận tại Toà án Quân sự thủ đô để bảo vệ bị cáo Nguyễn Văn Hiến (Đô đốc Tư lệnh Hải quân, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng), luật sư Hoàng Hướng cho rằng Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân trực tiếp ra quyết định mang ba khu đất quân sự trên đường Tôn Đức Thắng (TP HCM) đi góp vốn làm kinh tế. Bởi Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải Quân đã họp, ra 5 thông báo về thực hiện chủ trương làm kinh tế để có nguồn thu cải thiện điều kiện sinh hoạt của chiến sĩ. Thường vụ Quân chủng phân công một phó tư lệnh và Công ty Hải Thành (trực thuộc Quân chủng), các cơ quan chức năng thực hiện các dự án. Các quyết định phân công của Thường vụ không giao trách nhiệm cụ thể cho ông Hiến với tư cách Tư lệnh Quân chủng Hải quân.

Theo luật sư, ông Hiến ra quyết định, lãnh đạo Quân chủng Hải quân đều dựa vào sự bàn bạc tập thể của Thường ủy Đảng ủy, sự tham mưu của cấp dưới. "Trong vụ án này, ông Hiến bị đặt vào thế buộc phải tin tưởng", luật sư nói.

Về tài sản nhà nước bị quy kết thất thoát, luật sư đánh giá chỉ "chuyển hóa" từ giá trị đất sang dạng cổ phần. Các chủ thể, cá nhân liên quan việc thế chấp sai quyền sử dụng đất cho ngân hàng thì phải chịu trách nhiệm. "Do vậy, việc thất thoát tài sản có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm của cá nhân, hoặc tổ chức đem thế chấp mà không phải từ việc phê duyệt quyết định đem ba khu đất vào làm kinh tế của ông Hiến", luật sư Hướng nêu.

Luật sư kiến nghị xác định lại hậu quả vụ án, cho rằng hành vi của ông Hiến không gây thất thoát hơn 939 tỷ đồng như cáo trạng quy kết. "Số tiền vẫn còn đó khi các cơ quan đơn vị quản lý chưa giao vốn và hạch toán đúng đủ theo quy định", luật sư nói và cho hay cần dùng thuật ngữ "thất thu" với số tiền 939 tỷ đồng.

Viện dẫn nhiều quy định, ông Hướng đề nghị miễn hình phạt cho ông Hiến.

Sáng 20/5, ông Hiến bị VKS Quân chủng Hải quân đề nghị mức hình phạt 3-4 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bản luận tội xác định ông không kiểm tra và chỉ đạo kiểm tra năng lực thực tế đối tác, không kiểm tra việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng ba khu đất, không kiểm tra việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng. Điều này dẫn đến bị đối tác sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang đi thế chấp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển nhượng quyền sở hữu cho bên thứ ba... "Hậu quả, Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng ba khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 939 tỷ đồng", bản luận tội nêu.

VKS Quân chủng Hải quân cũng nhận thấy văn bản ông Hiến ký, phê duyệt đều do các cơ quan tham mưu, đề xuất. Ông Hiến vì thế được xác định "phạm tội với lỗi vô ý vì quá tự tin, không có động cơ mục đích vụ lợi".

Luật sư: Lỗi thuộc về tập thể Quân chủng Hải quân

Đô đốc Nguyễn Văn Hiến trong phiên toà sáng 18/5. Ảnh: Toà án Quân sự Thủ đô.

Cũng như ông Hiến, 7 bị cáo còn lại không tự bào chữa mà đều qua luật sư. Bảo vệ cho cựu trưởng phòng Kinh tế (Quân chủng Hải quân) Bùi Như Thiềm, luật sư Đỗ Ngọc Quang cho rằng việc tham gia góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, hợp tác liên danh dưới hình thức hợp đồng liên doanh khoán lợi nhuận là chủ trương của lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng đã đồng ý với Quân chủng Hải quân. "Ông Nhiềm không tự nghĩ ra và không quyết định điều này". Sáng nay, ông Thiềm bị VKS đề nghị phạt 7-9 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai (điều 229 Bộ luật Hình sự)

Theo luật sư Quang, tên đối tác liên doanh với Quân chủng Hải quân đã được ghi rõ trong các tờ trình của Bộ Tư lệnh Hải quân gửi Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. "Có ai trong đoàn đàm phán như Bùi Như Thiềm lại nghĩ cần kiểm tra năng lực của các đối tác khi mà thực tế các tờ trình đã chỉ rõ đối tác", luật sư đặt vấn đề.

Luật sư cho rằng ông Thiềm không trực tiếp thực hiện hành vi có liên quan vi phạm quản lý đất đai tại ba khu đất. Sai phạm trực tiếp trong quản lý thuộc về Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Hải quân do đã ra chủ trương. Bên cạnh đó, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân ký, phê duyệt các văn bản cũng không đúng thẩm quyền, trái với các quy định của Bộ Quốc phòng và pháp luật khi giao đất, đưa các lô đất tại đường Tôn Đức Thắng vào mục đích làm kinh tế

Phiên tranh luận chiều nay kết thúc lúc 19h. Sáng mai, phiên toà tiếp tục làm việc.

Theo Bảo Hà (Vnexpress.net)




https://vnexpress.net/luat-su-loi-thuoc-ve-tap-the-quan-chung-hai-quan-4102608.html