Pháp luật

Luật sư lên tiếng về sự việc 4 tiếp viên hàng không nghi xách ma túy, thuốc lắc về Việt Nam

4 tiếp viên của một hãng hàng không vừa bị tạm giữ để phục vụ điều tra, làm rõ việc xách ma túy và thuốc lắc từ nước ngoài về Việt Nam.

Luật sư lên tiếng về sự việc 4 tiếp viên hàng không nghi xách ma túy, thuốc lắc về Việt Nam
Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch

Tối ngày 16/3, theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, đã phát hiện 4 tiếp viên hàng không là TH., Q., V. và N. xách hơn 10kg nghi là thuốc lắc và ma túy trên chuyến bay từ Pháp về Việt Nam tiêu thụ, được phía cơ quan Hải quan phát hiện.

Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết:

Hiện vụ việc trên đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Cơ quan Điều tra sẽ điều tra, xác minh rõ trường hợp mang ma túy về nước của các tiếp viên này.

Nếu hành vi của 04 tiếp viên trên cấu thành tội vận chuyển trái phép chất ma tuý, theo khoản 4 Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 2015, 4 tiếp viên này có thể bị xử lý hình sự về Tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Với số lượng ma túy lớn như vậy, hình phạt mà 4 tiếp viên có thể đối diện là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, luật sư thông tin:

Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;

Ngoài ra theo khoản 5 Điều này: “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Luật sư cho biết thêm, hiện nay vụ việc trên đang được các cơ quan chức năng điều ra làm rõ. Đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, trong quá trình điều tra, phát hiện sai phạm ở đâu? sai phạm như thế nào? Thì tùy vào hành vi cụ thể mà các tổ chức, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Theo Điều 43 Thông tư 19/2019/TT-BGTVT thì hành lý của thành viên tổ bay phải được soi chiếu, giám sát, lục soát an ninh như đối với hành khách trước khi đưa vào khu vực hạn chế. Tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ kiểm tra giám sát nhưng không thực hiện, căn cứ Nghị định 162/2018/NĐ-CP có thể bị xử phạt vi phạm hành chính: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng (ba triệu đồng) đến 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

e) Để người, hành lý, hàng hóa, bưu gửi và các đồ vật khác chưa qua kiểm tra an ninh hàng không vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay, lên tàu bay;”

Theo Ngọc Linh (Phụ Nữ Việt Nam)




https://phunuvietnam.vn/luat-su-len-tieng-ve-su-viec-4-tiep-vien-hang-khong-nghi-xach-ma-tuy-thuoc-lac-ve-viet-nam-20230317134721617.htm