Pháp luật

Luật sư: Gia đình hiện không biết Nguyễn Thị Thanh Nhàn ở đâu

Tại phiên toà, luật sư cho biết hiện gia đình của Nguyễn Thị Thanh Nhà cũng không biết bị cáo này ở đâu. Trường hợp HĐXX quyết định bị cáo Nhàn phạm tội, đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ

Ngày 29-12, phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC), và 35 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC tiếp tục với tranh tụng giữa Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) với các luật sư.

Luật sư: Gia đình hiện không biết Nguyễn Thị Thanh Nhàn ở đâu
Các bị cáo tại phiên toà

Tại phiên toà, luật sư bào chữa của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho rằng VKSND chưa đủ chứng cứ để chứng minh cáo buộc chủ tịch Công ty AIC là người chủ mưu cầm đầu, trực tiếp chỉ đạo hành vi phạm tội. Qua đó, luật sư đề nghị đại diện VKSND đối đáp về nội dung này.

Đáp lời luật sư, đại diện VKSND cho rằng bị cáo Nhàn là người điều hành Công ty AIC, trực tiếp đi gặp lãnh đạo tỉnh Bình Dương, đặt vấn đề từ trên xuống dưới, trực tiếp chỉ đạo nhân viên cấp dưới. Đây là hành vi phạm tội có tổ chức mà bị cáo Nhàn là người chỉ đạo điều hành.

Về chứng cứ liên quan đến yêu cầu của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn yêu cầu tất cả lãnh đạo, nhân viên thực hiện quy trình 70 bước, đại diện VKSND cho rằng về quy trình 70 bước này đã trình chiếu tại phiên toà. Đây là quy trình bám sát các hạng mục các bước của luật đấu thầu, bao hàm các nội dung thông thầu, gian lận trong đấu thầu.

"Bản thân các bị cáo liên quan đã khai nhận bộ phận nào, nhân viên nào phải chịu trách nhiệm với nhiệm vụ được phân công phân nhiệm. Các bước trong từng ban, từng bộ phận phải được thực hiện chặt chẽ với nhau. Quy trình 70 bước được áp dụng tại Công ty AIC theo cáo trạng là hoàn toàn có căn cứ" - đại diện VKSND nêu rõ.

Luật sư: Gia đình hiện không biết Nguyễn Thị Thanh Nhàn ở đâu - 1
8 bị cáo đang bỏ trốn bị cơ quan tố tụng truy nã. Ảnh: Bộ Công an

Tại phiên toà, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho biết hiện nay gia đình của Chủ tịch AIC cũng không biết bị cáo này ở đâu. Trong trường hợp Hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định bị cáo Nhàn phạm tội thì cũng đề nghị HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ với bị cáo Nhàn.

"Gia đình bị cáo cũng đã gửi tài liệu liên quan đến thành tích của bà Nhàn trong quá trình công tác tới Toà. Trong đó, bà Nhàn được nhiều bằng khen và huân chương, rất nhiều bằng khen của các bộ, ban, ngành. Bố mẹ của bị cáo có thành tích được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến" - vị luật sư nêu.

Cũng tại phiên toà, luật sư Giang Hồng Thanh bào chữa cho bị cáo Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, cựu giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho rằng ngày 25-4-2015, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai được khánh thành. Tại buổi đó, là một sự kiện đặc biệt, được dư luận quan tâm.

"Trước đó 5 ngày, ông Vũ bị gục ngã tại công trình do lao lực và kiệt sức để sớm đưa Bệnh viện vào hoạt động. Ông Vũ được đưa vào cấp cứu ngay tại bệnh viện đó và có lẽ ông Vũ là bệnh nhân đầu tiên của Bệnh viện Đồng Nai mới. Bây giờ, Vũ phải đứng đây, lợi ích thì xã hội hưởng, nhưng trách nhiệm thì 1 con người phải gánh chịu, điều đó là không công bằng" - luật sư Thanh trình bày.

Theo luật sư, từ 2015 đến hiện nay, nhiều bệnh viện đã đề nghị Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tạo điều kiện tham quan, học hỏi mô hình cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Điều đó thể hiện Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai phải có chất lượng thì cả nước mới đến tham quan và học tập.

Bên cạnh đó, theo luật sư, có 2.085 chữ ký của các cán bộ, nhân viên của cơ quan y tế Đồng Nai, sau khi biết mức đề nghị 19-21 năm tù với bị cáo Vũ; cùng với đó có hơn 2.000 chữ ký của bệnh nhân từng được bị cáo Vũ và cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Đồng Nai chăm sóc, chữa bệnh mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho cựu giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Từ những quan điểm nêu trên, luật sư đề nghị HĐXX chấp nhận bị cáo Vũ không phạm tội Nhận hối lộ. Đối với tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đề nghị áp dụng 4 tình tiết giảm nhẹ để tuyên mức hình phạt cho bị cáo Vũ sớm về phục vụ cộng đồng.

Theo hồ sơ vụ án, do có quen biết với cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã nhiều lần gặp gỡ Trần Đình Thành cùng các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai.

Năm 2013, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt danh mục thiết bị y tế và kế hoạch đấu thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá từ 1,3 đến 2 lần so với giá đầu vào. Sau đó, Công ty AIC điều chỉnh các thông tin trên báo cáo tài chính giai đoạn 2010-2013, tăng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính thực tế để đưa vào hồ sơ dự thầu, mục đích đảm bảo cho AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định. Cùng với đó, bị cáo Nhàn chỉ đạo cấp dưới mua hồ sơ mời thầu lẫn hồ sơ dự thầu cho công ty "quân đỏ" và "quân xanh", nhờ nhân viên các công ty nộp hồ sơ cho đủ số lượng theo quy định.

Từ thủ đoạn nêu trên, Công ty AIC chỉ định tham gia 16/19 gói thầu thiết bị y tế với tổng giá trị 665 tỉ đồng. Hành vi của bị cáo Nhàn cùng các đồng phạm đã gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 152 tỉ đồng.

Trong vụ án, bị cáo Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, bị cáo buộc với vai trò đại diện của chủ đầu tư song lại theo chỉ đạo của bị cáo cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành để bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng các lãnh đạo của AIC để tạo điều kiện cho công ty này trúng 16 gói thầu. Ngoài ra, bị cáo Vũ còn là người ký toàn bộ hồ sơ, chứng từ, thủ tục tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng kinh tế, nghiệm thu, lắp đặt… với AIC và công ty do AIC chỉ định.

Cáo trạng xác định để được tạo điều kiện trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Bệnh viện Đồng Nai, Chủ tịch AIC đã chi tiền hối lộ cho Trần Đình Thành, cựu chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ tổng số 43,8 tỉ đồng. Cụ thể, bị cáo Nhàn đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới nhiều lần đưa hối lộ cho Thành 14,5 tỉ đồng, Thái 14,5 tỉ đồng và Vũ 14,8 tỉ đồng.

Tại phiên toà, đại diện VKSND Hà Nội đề nghị tòa sơ thẩm tuyên phạt cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành 10-11 năm tù và cựu chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái bị đề nghị 8-9 năm tù cùng về tội Nhận hối lộ. Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang bị truy nã) bị đề nghị 16-17 năm tù về tội Đưa hối lộ, 14-15 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt VKSND đề nghị chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn 30 năm tù.

Theo Nguyễn Hưởng (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/phap-luat/luat-su-gia-dinh-hien-khong-biet-nguyen-thi-thanh-nhan-o-dau-20221229170709818.htm