Pháp luật

Luật sư đề nghị xử lý nguyên giám đốc Bệnh viện Hoà Bình

Sau tuyên bố cứng rắn, luật sư của BS Lương làm thật: Tung clip 'thay đổi bản chất vụ án'

Luật sư Dũng cho rằng, đơn vị chịu trách nhiệm cao nhất về tai biến chạy thận khiến 9 người chết phải là Bệnh viện và giám đốc Trương Quý Dương.

Chiều 23/5, phiên xử ba bị cáo liên quan đến tai biến chạy thận làm 9 người chết ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình (Bệnh viện Hòa Bình) bước vào phần tranh luận sau bảy ngày xét hỏi. Ngay trong sáng cùng ngày, VKS thành phố Hoà Bình đề nghị toà tuyên phạt Bùi Mạnh Quốc mức án 5 -6 năm tù, Trần Văn Sơn 4-5 năm tù và Hoàng Công Lương 30-36 tháng tù cho hưởng án treo.

Mở đầu phần bào chữa cho bị cáo Quốc, luật sư Nguyễn Tiến Dũng đề nghị  xem xét trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan đến sự cố làm 9 người chết. Theo ông Dũng, cơ quan chịu trách nhiệm lớn nhất phải là bệnh viện đa khoa Hoà Bình. Bệnh viện này có đơn nguyên thận nhân tạo từ năm 2010 nhưng đã không ban hành quy trình bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành máy lọc nước RO. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự cố y khoa nghiêm trọng chưa từng có.

Luật sư đề nghị xử lý nguyên giám đốc Bệnh viện Hoà Bình
Các luật sư tại toà. Ảnh: Phạm Dự.

Ông Dũng phân tích thêm, trường hợp không xác định được trách nhiệm của những cá nhân liên quan về quản lý, sửa chữa hệ thống lọc nước thì đương nhiên “người đứng đầu bệnh viện là ông Trương Quý Dương phải chịu trách nhiệm”.

Tuy nhiên, trong phiên sơ thẩm ông Trương Quý Dương không đến toà để đối chất các vấn đề và trách nhiệm liên quan mà nhiều luật sư đặt ra. HĐXX cho rằng ông Dương là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nên có thể "không cần thiết phải đến toà".

Trách nhiệm tiếp theo thuộc về Công ty Thiên Sơn. Công ty này lắp đặt hệ thống máy chạy thận ở bệnh viện đa khoa Hoà Bình từ năm 2010 thì đương nhiên phải có sơ đồ hệ thống nhưng lại không giao cho bị cáo Quốc. Từ đó khiến Quốc không nhìn thấy vị trí van nước và các chỗ cần sửa chữa, bảo dưỡng.

Trong vụ án này, Bộ Y tế cũng phải chịu một phần trách nhiệm khi chưa ban hành quy định về sửa chữa, vận hành hệ thống lọc nước RO trong chạy thận nhân tạo. Giữa năm 2018, sau khi xảy ra sự cố Bộ mới ban hành quyết định hướng dẫn về quy trình kỹ thuật chạy thận nhân tạo. 

Đề nghị khởi tố giám đốc Công ty Thiên Sơn

Theo luật sư Nguyễn Danh Huế, Công ty Thiên Sơn “rất vô trách nhiệm” khi “bán” hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước cho một công ty mới thành lập như Trâm Anh. Giám đốc Công ty Trâm Anh là bị cáo Quốc cũng không có bằng cấp, chỉ đi làm bằng kinh nghiệm.

Hành vi của công ty Thiên Sơn đã vi pham quy định về Luật đấu thầu. Người đứng đầu là giám đốc Đỗ Anh Tuấn trực tiếp ký hợp đồng nên phải chịu trách nhiệm cao nhất vì đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Ông Huế đề nghị xem xét khởi tố vụ án hình sự, khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn để nâng cao chất lượng trong ngành y, “đánh tan lợi ích nhóm về khám chữa bệnh”.

Đối đáp lại, đại diện VKS cho rằng, trong quá trình điều tra nhận thấy chưa có đủ căn cứ để truy tố ông Trương Quý Dương. Trong quá trình xét xử, HĐXX cảm thấy có đủ căn cứ thì có thể kiến nghị để xem xét trách nhiệm của ông Dương ở các giai đoạn tiếp theo của vụ án. Về trách nhiệm của Bộ Y tế, cơ quan công tố tại toà đã nhận thấy và sẽ có kiến nghị với cơ quan chủ quản để điều chỉnh.

Đại diện cho Công ty Thiên Sơn tại toà, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương đề nghị luật sư Huế không lăng mạ thân chủ của họ. "Ông Huế cho rằng việc sử dụng nhân lực không có chuyên môn là không đúng bởi Quốc đã có kinh nghiệm làm việc nhiều năm và thành lập được công ty riêng", bà Hương phân tích.

Luật sư Hương cho biết thêm, không có cơ sở khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc công ty Thiên Sơn) bởi ông Tuấn là một pháp nhân chứ không trực tiếp làm công việc sửa chữa. Tranh luận tại toà là công ty Thiên Sơn chứ không phải là  cá nhân ông Tuấn.

Xét nghiệm AAMI là gì?

Vấn đề xét nghiệm AAMI để có kết luận về độ an toàn của nguồn nước trong hệ thống lọc thận gây tranh cãi nhiều ngày ở phần xét hỏi. Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hoà Bình, các điều dưỡng, cán bộ phòng vật tư đều không biết việc xét nghiệm này để làm gì. Luật sư yêu cầu mời chuyên gia y tế đến giải thích để xác định trách nhiệm những người liên quan thì bị HĐXX bác bỏ vì cho rằng “không cần thiết”.

Là người đầu tiên tự đứng lên tự bào chữa, bị cáo Bùi Mạnh Quốc một lần nữa khẳng định không biết hai axit sử dụng để sục rửa hệ thống lọc nước bị Bộ Y tế cấm. Đây cũng là nguyên nhân chính làm tồn dư lớn lượng hoá chất khiến 9 người tử vong. Anh cho rằng, chưa bao giờ được đơn vị giám sát hỏi và hướng dẫn sử dụng loại axit nào để sục rửa hệ thống.

Tuy không biết chỉ số xét nghiệm AAMI là gì nhưng Quốc được nhiều người “dạy” phải xét nghiệm sau khi sửa chữa thiết bị. Những lần trước, anh ta thường mang mẫu nước đi xét nghiệm ở Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam với giá 23-26 triệu đồng.

Luật sư đề nghị xử lý nguyên giám đốc Bệnh viện Hoà Bình - 1
Ba bị cáo tại phiên xử. Ảnh: Phạm Dự.

Luật sư Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, đang có sự nhầm lẫn về việc phải xét nghiệm AAMI sau mỗi lần sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO. Ông đề nghị triệu tập chuyên gia, đại diện Sở Y tế Hoà Bình hoặc Bộ Y tế để phân tích xem có thực sự cần phải xét nghiệm AAMI sau sửa chữa hay không.

Tranh tụng ngay sau đó, luật sư Nguyễn Danh Huế cũng muốn đề cập đến việc xét nghiệm AAMI có cần thiết hay không. Công ty Thiên Sơn hợp tác với bệnh viện Hoà Bình đã lâu song họ thiếu trách nhiệm khi không nhắc bệnh viện biết về việc phải xét nghiệm AAMI. Đề nghị HĐXX mời Bộ Y tế hoặc hội đồng chuyên gia đến giúp toà làm sáng tỏ sự thật. Không thể để những người không biết gì đi cãi nhau.

Ông Đỗ Đình Vận (Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) cũng băn khoăn về việc xét nghiệm AAMI là để đánh giá nguồn nước hay xét nghiệm độc tố. Theo ông thấy, các bệnh viện ở Việt Nam đều đưa máy vào sử dụng ngay sau khi sửa chữa chứ không phải đợi để xét nghiệm AAMI. 

Đại diện của Công ty Thiên Sơn tại toà cho hay, trong hợp đồng sửa chữa, thay thế thiết bị hệ thống lọc nước RO với công ty Trâm Anh có quy định về việc phải xét nghiệm AAMI, đây là tiêu chuẩn bắt buộc để có nước chạy thận. "Các cá nhân, tổ chức tham gia vào việc chạy thận buộc phải biết việc này”, vị đại diện nói.

Quá trình lắp máy và sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống ở bệnh viện đa khoa Hoà Bình cũng xét nghiệm nhiều lần. Năm 2014, công ty có xét nghiệm AAMI nhưng không đạt nên đã bị lãnh đạo bệnh viện yêu cầu xét nghiệm lại. Vị đại diện cho rằng, tại các phiên xử, lãnh đạo Bệnh viện nói "xét nghiệm nước hay không cũng được" là "vô trách nhiệm". Nếu không cần thiết thì sao phải bỏ tiền ra thuê Thiên Sơn xét nghiệm AAMI.

Bệnh viện Hoà Bình không biết bị "bán thầu"

Lời khai của ông Trương Quý Dương được HĐXX công bố thể hiện, sau khi ký hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2, bệnh viện đã giao phòng vật tư phối hợp với khoa hồi sức tích cực chịu trách nhiệm thực hiện. Hai đơn vị này sau đó đã giao cán bộ giám sát việc sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị.

Ông Dương cho biết thêm, có gặp Bùi Mạnh Quốc lên sửa chữa thiết bị nhưng nghĩ rằng đó là người của Công ty Thiên Sơn. Ông không biết việc Công ty Trâm Anh đã ký hợp đồng lại với Thiên Sơn. Vị giám đốc cho hay đã đại diện bệnh viện ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn vào ngày 25/5/2017 nhưng công ty này đã bán lại cho Trâm Anh trong buổi tối cùng ngày.

Theo nhiều luật sư, hợp đồng số 05 về việc sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị ở đơn nguyên thận nhân tạo giữa Công ty Thiên Sơn và Trâm Anh ghi ngày 25/5/2017 song thực tế lại ký vào ngày 29/5/2017 khi sự cố đã xảy ra. Công ty Thiên Sơn còn vi phạm nghiêm trọng luật đấu thầu khi bán lại 100% hợp đồng cho Công ty Trâm Anh.

Luật sư đề nghị xử lý nguyên giám đốc Bệnh viện Hoà Bình - 2
Luật sư tranh tụng tại toà. Ảnh: Phạm Dự.

Luật sư Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, ngày 25/5/2017, bị cáo Quốc đang sửa chữa thiết bị cho một bệnh viện ở Nghệ An nên không thể ký. Đến ngày 29/5, sau khi sự cố đã xảy ra, phó giám đốc Công ty Thiên Sơn Ngô Thị Tuyết Minh mới lên Hoà Bình gặp Quốc và ký hợp đồng trong bãi gửi xe để “hoàn thiện các hồ sơ”.

Đại diện VKS đối đáp lại, nguyên tắc của hợp đồng kinh tế là hợp đồng dân sự, hình thức giao dịch có thể bằng lời nói hoặc văn bản. Bởi vậy nếu có ký vào ngày 29/5 cũng không thay đổi bản chất vụ việc.

Đại diện Thiên Sơn vẫn khẳng định ký hợp đồng với Trâm Anh vào ngày 25/5/2017, ngay sau khi ký hợp đồng sửa chữa với Bệnh viện Hoà Bình. Công ty Thiên Sơn ký đúng theo quy định pháp luật, dựa trên Bộ luật dân sự và Luật thương mại.

Vị đại diện cho biết thêm, không bán hợp đồng cho Quốc như nhiều luật sư nêu quan điểm. Ở đây Quốc vẫn làm việc với danh nghĩa là người của Thiên Sơn và họ chịu mọi trách nhiệm với bệnh viện.

Theo Phạm Dự (VnExpress.net)