Pháp luật

Luật sư đề nghị tòa không trả hồ sơ vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương

Luật sư Biên cho rằng nếu VKS không đủ căn cứ thì rút quyết định truy tố và khi đó đề nghị HĐXX tuyên bác sĩ Lương vô tội.

Ngày 30/5, trong ngày làm việc thứ 12 của phiên xét xử ba bị cáo liên quan vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình, tại phần bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, luật sư Hoàng Ngọc Biên cho rằng cơ quan công tố "suy diễn rất chủ quan" khi nói nếu Lương báo cáo trưởng khoa trước khi ra y lệnh sẽ không phải chịu trách nhiệm trong vụ án này.

Theo ông Biên không có quy định nào buộc bác sỹ phải xin ý kiến trưởng khoa trước khi ra y lệnh; trừ trường hợp bệnh nhân trong tình trạng cấp bách.

Luật sư đề nghị tòa không trả hồ sơ vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương
Luật sư tranh tụng tại toà. Ảnh: Phạm Dự.

Về đề nghị trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung được VKS nêu hôm qua (29/5), ông Biên cho rằng không có căn cứ để HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung. “Không phải thích thì truy tố, không thích thì rút về”, luật sư này nói.

Viện dẫn điều 320 Bộ luật Tố tụng hình sự, ông Biên cho rằng nếu VKS cảm thấy không đủ căn cứ thì phải rút quyết định truy tố và đề nghị HĐXX tuyên bác sĩ Lương vô tội. Cơ quan công tố không thể “cảm thấy" chưa đủ để buộc tội thì "đòi trả hồ sơ". Kể cả trong trường hợp VKS rút truy tố, HĐXX vẫn có thể tiếp tục xét xử và tuyên án.

Luật sư: Không thể kết tội bị cáo Lương theo cảm tính

Trong những ngày xét xử vừa qua, ông Biên nhận thấy "toàn những người không hiểu gì về hệ thống lọc nước RO lại đi giải thích rồi cãi nhau". Ông đề nghị phải có sự chứng minh của nhà khoa học về chuyên môn để giúp làm rõ hơn các tình tiết trong vụ án.

Khi việc này được sáng tỏ, ông đề nghị HĐXX áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự 2015 để tuyên bác sĩ Lương vô tội.

Luật sư đề nghị tòa không trả hồ sơ vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương - 1
Phiên toà đã qua 12 ngày xét xử. Ảnh: Phạm Dự.

Tiếp tục bào chữa cho bị cáo Lương, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng nguyên nhân nhiễm độc nguồn nước dùng chạy thận cho bệnh nhân từ hệ thống máy móc do bị cáo Bùi Mạnh Quốc được giao trách nhiệm vận hành. Tuy nhiên, cơ quan công tố lại quy trách nhiệm cho bác sĩ Lương và điều này là "kết tội theo cảm tính".

Theo bà Phúc, về tiêu chuẩn AAMI của nguồn nước, VKS cho rằng có sự mâu thuẫn giữa hai văn bản của Bộ Y tế nên đề nghị trả hồ sơ bổ sung. Tuy nhiên, bà thấy chính Bộ Y tế cũng không hiểu gì về AAMI, bởi đây là bộ tiêu chuẩn của Mỹ từ lúc lắp đặt đến vận hành hệ thống lọc nước RO. 

"Nếu Bộ Y tế không có cảnh báo sẽ còn xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng khác như ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình", luật sư Phúc nói.

VKS kiến nghị điều tra tiếp các sai phạm trong một vụ án khác

Trong phần đối đáp sáng nay, đại diện VKS một lần nữa bác toàn bộ quan điểm về vi phạm tố tụng của các luật sư trong nhóm bào chữa cho bị cáo Lương.

Đại diện VKS cho rằng, lời khai của các điều dưỡng viên tại toà là không đúng sự thật. Những người này nói không được tham dự hết buổi họp khoa nên không biết nội dung phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Lương ở phần cuối. “Nhưng tại sao những lời khai ban đầu của điều dưỡng đều đều khai bác sĩ Lương được phân công nhiệm vụ?”, đại diện VKS nhấn mạnh.

Đại diện VKS khẳng định, không buộc tội bác sĩ Lương về việc "phải kiểm tra máy móc, nguồn nước" mà cáo buộc nam bác sĩ "không kiểm tra thông tin sau khi sửa chữa thiết bị".

Luật sư đề nghị tòa không trả hồ sơ vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương - 2
HĐXX tại phiên toà sáng nay. Ảnh: Phạm Dự.

Bị cáo Lương chính là người ký đề xuất và nắm được thông tin ngày sửa chữa. Với vai trò bác sĩ được giao phụ trách về chuyên môn, Lương phải cân nhắc kỹ trước khi ra y lệnh cuối cùng chứ không thể chỉ qua lời nói của một nữ điều dưỡng viên. Trong trường hợp không thuộc thẩm quyền, theo quy định, Lương phải báo cáo trưởng khoa.

Nêu một số căn cứ để truy tố tội "thiếu trách nhiệm" với Lương, công tố viên công bố lời khai của hai bác sĩ ở đơn nguyên thận nhân tạo là Linh và Huyền. Theo đó, Linh khai trong các cuộc họp giao ban, bác sĩ Lương được trưởng khoa giao nhiệm vụ phụ trách đơn nguyên này.

Bởi vậy, hàng ngày Linh và bác sĩ Huyền phải báo cáo tình trạng bệnh nhân cho Lương trước khi ra y lệnh cuối cùng. Theo VKS, lời khai của bác sĩ Huyền cũng trùng khớp và khẳng định việc giao nhiệm vụ cho Lương qua cuộc họp giao ban nhiều người được biết.

Đối với đề nghị của các luật sư về việc truy tố trách nhiệm những người liên quan, cơ quan công tố cho rằng sẽ kiến nghị với HĐXX để xem xét để mở rộng vụ án ở giai đoạn tiếp theo. 

Theo cáo trạng, sáng 29/5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường. 9 người lần lượt tử vong. Công an xác định nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo.

Nhà chức trách cáo buộc, với trách nhiệm được giao, bác sĩ Hoàng Công Lương phải biết nước lọc máu có đảm bảo chất lượng theo quy trình hay không. Nhưng ngày 29/5/2017, Lương không kiểm tra hệ thống nước mà đã ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân dẫn đến tai biến.

Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước của đơn nguyên thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Quốc đã sử dụng hỗn hợp hai loại hoá chất không có trong danh mục được dùng để sục rửa các vỏ màng lọc làm tồn dư lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước. Đây là nguyên nhân chính làm chết 9 người.

Trần Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư) bị cáo buộc đã không trực tiếp có mặt để giám sát khi được giao kiểm tra việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2.

Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Quốc bị truy tố về tội Vô ý làm chết người.

Theo Phạm Dự (VnExpress.net)