Pháp luật

Luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh: Không có quá nhiều áp lực

Luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh cho biết, ông sẽ làm việc dựa trên các nguyên tắc cơ bản của mình, làm công khai, minh bạch, rõ ràng, đúng pháp luật và cũng không thấy có quá nhiều áp lực.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Lê Văn Thiệp (Văn phòng luật sư Toàn Cầu, đoàn Luật sư Hà Nội) bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh nêu quan điểm rằng không chỉ riêng vụ án của Trịnh Xuân Thanh mà đã là vụ án thì vụ nào cũng giống nhau, quan trọng là cái tâm của luật sư đặt vào vụ án đó cũng như cách nhìn nhận, phân tích, đánh giá và giải quyết vụ án theo hướng mà luật sư suy nghĩ.

Luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh: Không có quá nhiều áp lực
Luật sư Lê Văn Thiệp, luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh.

Luật sư Thiệp chia sẻ, bản thân luật sư trước hết là một công dân, đầu tiên phải tôn trọng lợi ích của đất nước, quốc gia. Và luật sư thì phải có trọng trách với thân chủ của mình. “Người ta cũng là con người, có gia đình, họ cũng có nỗi đau”, luật sư Thiệp nói.

Có chăng đối với vụ án nhạy cảm, đặc biệt, trải qua quá trình điều tra phức tạp như vụ án của Trịnh Xuân Thanh, thì khối lượng công việc đối với luật sư chắc chắn sẽ nhiều hơn. Nhưng với một luật sư chuyên nghiệp, uy tín, tham gia nhiều vụ án lớn, luật sư Thiệp chia sẻ: “Đã là luật sư chuyên nghiệp thì làm việc dựa trên các nguyên tắc cơ bản của mình, làm việc dựa trên cơ sở của pháp luật, làm công khai, minh bạch, rõ ràng, đúng pháp luật”.

Luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh: Không có quá nhiều áp lực - 1
Trịnh Xuân Thanh thời kỳ còn đương nhiệm chức Chủ tịch HĐQT PVC.

Do vậy, đã làm theo đúng quy định của pháp luật, khi nhận bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, luật sư Thiệp cũng không thấy có quá nhiều áp lực. "Mà nguyên tắc làm việc của luật sư là giải quyết theo quy định của pháp luật, vụ án có bình thường hay không là do tư duy của mọi người", luật sư Thiệp chia sẻ.

Trước đó, ngày 15.9.2016, cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) - Bộ Công an đã chính thức khởi tố ông Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trong thời gian làm lãnh đạo tại đây.

Chiều 15.3.2017, sau quá trình xét xử vụ án Lừa đảo tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land, Hội đồng xét xử TAND Cấp cao tại Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) về tội Tham ô tài sản theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và đề nghị truy tố thêm 7 bị can khác cùng về tội Tham ô tài sản, cụ thể là bị can Nguyễn Ngọc Sinh (SN 1972), nguyên TGĐ Công ty CP bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land); Đào Duy Phong (SN 1958), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land); Lê Hòa Bình (SN 1954), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty cổ phần Minh Ngân; Nguyễn Thị Kim Thoa (SN 1965), nguyên Kế toán trưởng Công ty CP xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty CP Minh Ngân; Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (SN 1972), kinh doanh tự do; Thái Kiều Hương (SN 1973), nguyên Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Vietsan và cuối cùng là bị can Đinh Mạnh Thắng (SN 1962), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà.

2 tội danh Trịnh Xuân Thanh có thể phải đối mặt Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản là 2 tội danh Trịnh Xuân Thanh có thể phải đối mặt sau khi đầu thú. Nguồn: Zing

Theo Tư Viễn (Người Đưa Tin)