Pháp luật

Kỳ án 'vòng cẩm thạch' chấn động Sóc Trăng năm 1986: 9 mạng người - 4 án tử hình và bí ẩn 30 năm chưa có lời giải đáp (Kỳ 2)

"Trước lúc công an gặp nhiều xác chết ở Rạch Sậy, tao thấy thằng công an xã với bạn của nó đi cùng mấy con nhỏ 'bén' lắm. Trong đó có đứa mông to, đội nón bo trắng, rộng vành. Còn đứa kia thì đeo trên tay chiếc vòng mã não ánh lên màu xanh xanh, tím tím".

Người dân Miền Tây vốn chân chất hiền lành, đó giờ nào ai đã từng nghe qua chuyện giết nhiều người như vậy, đáng sợ đến như vậy. Sự việc công an phát hiện ra nhiều xác chết sâu trong rừng dừa nữa ngay lập tức gây chấn động cả 1 vùng quê vốn đã rất hoang vắng tiêu điều.

7 xác chết chôn trong 3 hố đất bùn, trong đó có cả trẻ em và phụ nữ đang mang thai, nhận định thấy đây là vụ án giết người nghiêm trọng, hung thủ ra tay tàn ác, che giấu xác chết tinh vi, công an huyện Long Phú nhanh chóng thông tin lên các cấp cao hơn để đợi chỉ đạo điều tra.

Lãnh đạo Công an tỉnh Hậu Giang lúc bấy giờ đã giao cho ông Giang làm trưởng ban chuyên án, yêu cầu phải phá án khẩn cấp trong thời hạn 30 ngày. Ty Công an Hậu Giang (Công an tỉnh Hậu Giang) và Công an huyện Long Phú với gần 40 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng bắt tay vào công cuộc điều tra vụ án ly kỳ này.

Bí ẩn hành tung Trưởng Công an xã

Ngày thứ hai sau khi phát hiện ra 3 hố chôn 7 xác người sâu trong rừng dừa nước, Đại úy Võ Nam Hoàng (tên thường gọi là Nam Hí) là trưởng phòng điều tra xét hỏi tỉnh Hậu Giang lúc bấy giờ dẫn theo đoàn công tác tiếp cận hiện trường.

Ông Đoàn Xuân Trường (Nguyên Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Sóc Trăng lúc bấy giờ là 1 điều tra viên được phân công điều tra vụ án) kể lại thời điểm đó, với những phương tiện, công cụ hỗ trợ điều tra thô sơ thì đây quả là 1 vụ án vô cùng phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, thủ đoạn giết người vô cùng tinh vi.

Kết quả khám nghiệm tử thi và hiện trường cho thấy, các nạn nhân đều chết do bị vật cứng đập mạnh vào vùng đầu, chôn theo tư thế nằm nghiêng và không có bất kỳ tài sản có giá trị hay giấy tờ tùy thân nào. Những kẻ thủ ác đã tinh vi đến mức biến đổi trang phục nạn nhân mặc trên người để gây thêm phần khó khăn trong công tác nhận diện danh tính nạn nhân. Từ đó, ban chuyên án kết luận đây là 1 vụ giết người cướp tài sản.

Vậy là toàn bộ quá trình điều tra đến lúc bấy giờ, thứ duy nhất được xem là manh mối điều tra chỉ có chiếc vòng mã não đeo trên tay một nạn nhân nữ.

Ông Nam Hí và ông Hai Giang là 2 người nhận trọng trách phá vụ kỳ án này, cả 2 đều là người có kinh nghiệm điều tra và thông thuộc địa bàn nơi đây.

Kỳ án 'vòng cẩm thạch' chấn động Sóc Trăng năm 1986: 9 mạng người - 4 án tử hình và bí ẩn 30 năm chưa có lời giải đáp (Kỳ 2)

"Giám đốc Công an Hậu Giang giao phá án sớm thì tôi gật đầu, chứ lúc đó tâm trạng ngổn ngang lắm, chưa biết phải lần theo dấu vết hung thủ bằng cách nào", ông Giang kể lại.

Vụ án cách đây hơn 30 năm về trước, xã Đại Ân của những năm 80 là 1 vùng đất hoang sơ và thưa thớt dân cư sinh sống, vụ án giết người hàng loạt ghê rợn này khiến bà con vốn hiền lành càng sống khép kín hơn nữa, phần vì sợ hãi kẻ thủ ác giết người không ghê tay, phần vì sợ "dại miệng" rồi lại bị công an bắt. Điều này đã gây khó khăn cho công cuộc điều tra của ban chuyên án.

Các hướng điều tra dần bế tắc, hung thủ được nhận định là kẻ khá am hiểu về pháp luật khi có những thủ đoạn đánh lạc hướng điều tra rất chuyên nghiệp và tinh vi. Lúc này, ông Giang với các đồng nghiệp vừa nghiên cứu địa bàn, trinh sát tội phạm, vừa "tăng cường ăn nhậu" với các nông dân thì phát hiện ra 1 tình tiết vô cùng quan trọng.

Gần bến phà Cầu Quan - An Thạnh Nhất, 1 người dân kể lại sự việc đã nhìn thấy nhóm người thành phố đi cùng với Trưởng công An xã Trương Tuấn Kiệt.

Kỳ án 'vòng cẩm thạch' chấn động Sóc Trăng năm 1986: 9 mạng người - 4 án tử hình và bí ẩn 30 năm chưa có lời giải đáp (Kỳ 2) - 1

"Trước lúc công an gặp nhiều xác chết ở Rạch Sậy, tao thấy thằng công an xã với bạn của nó đi cùng mấy con nhỏ 'bén' lắm. Trong đó có đứa mông to, đội nón bo trắng, rộng vành. Còn đứa kia thì đeo trên tay chiếc vòng mã não ánh lên màu xanh xanh, tím tím".

Nghe đến đây ông Giang ngay lập tức nhớ đến chiếc vòng mã não trên tay 1 nữ nạn nhân được tìm thấy tại hố chôn trong rừng dừa nước.

Quay trở lại thời điểm 2 người nông dân phát hiện ra cánh tay nhô lên từ phiến lá dừa, Trưởng công an xã Trương Tuấn Kiệt khăng khăng cho rằng họ bịa chuyện và vội vàng đuổi họ đi khi 2 người này đến báo án.

Tương tự, thời điểm Trương Tuấn Kiệt đi cùng với đoàn đến hiện trường trong ngày đầu tiên, cũng chính hắn là kẻ luôn tìm cách đánh lạc hướng điều tra khiến việc tiếp cận hiện trường thêm phần khó khăn.

Móc nối các sự việc, ban chuyên án nhận định Trưởng công an xã Trương Tuấn Kiệt có liên quan đến vụ án nghiêm trọng này nên đã bắt đầu âm thầm điều tra.

Hung thủ dần lộ diện

Trước tiên phải nói đến thời điểm xảy ra thảm án này những năm 1980, thời kỳ hậu giải phóng, người dân và chính quyền đang vất vả chung tay xây dựng và ổn định kinh tế mới, thế nhưng đất nước lúc bấy giờ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Cũng từ đó, nhiều người bắt đầu ôm mộng "thiên di", họ mong muốn và tìm cách vượt biên để đến với những vùng đất mới, mang theo hi vọng về một cuộc sống sung túc hơn.

Công tác trinh sát nắm địa bàn tiếp tục phát hiện thời gian gần đây nhiều đối tượng đã móc nối với những người ngoài địa bàn, đưa người vượt biên trái phép đến Cù Lao rồi ra biển, mà huyện Cù Lao Dung lại là điểm thuận tiện nhất để đến nhiều đất nước như Malaisia, Philippin, Indonexia...

Kỳ án 'vòng cẩm thạch' chấn động Sóc Trăng năm 1986: 9 mạng người - 4 án tử hình và bí ẩn 30 năm chưa có lời giải đáp (Kỳ 2) - 2

Manh mối về vụ án lúc này đã sáng tỏ hơn khi xác định được nạn nhân chính là những người có ý định vượt biên trái phép đi nước ngoài.

4 đối tượng được ban chuyên án xác định chính là Nguyễn Văn Sưa, Trần Văn Sơn, Trần Văn Kẹp, Trương Tuấn Kiệt (chính là Trưởng công an xã Đại Ân).

Trong khi đó, một người dân kể chuyện cho ông Hai Giang về người phụ nữ đeo vòng Cẩm Thạch ăn vận giống người từ thành phố xuống đi cùng Sưa và Kiệt qua chiếc cầu khỉ cách đây khá lâu.

Giám sát đối tượng Sưa, các đồng chí trinh sát phát hiện nhiều đồ vật của nạn nhân trong căn nhà mà hắn ở. Ngay lập tức, lệnh bắt khẩn cấp được thực hiện. Thời điểm bị bắt, Sưa đang làm việc trên cánh đồng mía, Sưa lúc này còn thản nhiên đội chiếc nón bo rộng vành màu trắng của nạn nhân.

Sau 3 tiếng đấu tranh, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các thành viên trong ban chuyên án năm đó đã khiến tên Sưa phải cúi đầu nhận tội và khai ra Trần Văn Sơn, Trần Văn Kẹp. Đối tượng còn lại là Trương Tuấn Kiệt - vốn là Trưởng công an xã, việc bắt giữa đối tượng này phải có quy trình rõ ràng.

Đúng lúc này, ban chuyên án nhận được tin Trương Tuấn Kiệt chuẩn bị rời Cù Lao lên thành phố tham gia lớp huấn luyện đào tạo cán bộ nguồn. Lo lắng Kiệt sẽ nhân cơ hội này để tẩu thoát, ban chuyên án đã quyết định tổ chức 1 buổi họp giả và vây bắt Kiệt tại chỗ.

Thấy động tĩnh, Kiệt đã thủ sẵn vũ khí trong người nhưng vẫn không kịp trở tay và bị các chiến sĩ trong ban chuyên án tóm gọn tại chỗ.

Tuy nhiên, với kế hoạch táo bạo này và mức độ nguy hiểm bởi lẽ đối tượng có trang bị vũ khí, ông Hai Giang kể lại rằng bản thân đã bị khiển trách sau đó vì không làm đúng quy tắc của Đảng.

9 mạng người, 4 án tử và một kẻ thủ ác vẫn chưa được tìm thấy

Đối tượng bị bắt đã khai thêm 2 chiếc hố khác trong rừng dừa nước, 2 thi thể cuối cùng được tìm thấy nâng tổng số nạn nhân lên 9 người. Vụ giết người hàng loạt này vào thời điểm đó đã gây chấn động dư luận cả nước.

Các đối tượng bị bắt giữ đã khai nhận sau khi giết hại và chôn xác các nạn nhân trong rừng dừa nước, chúng lấy hết toàn bộ tài sản của họ. Tuy nhiên, cả 4 đối tượng đều không nhận mình là thủ phạm trực tiếp giết chết các nạn nhân.

Ngoài 4 đối tượng đã bị bắt, còn 2 hung thủ được cho là kẻ chủ mưu đó là Huỳnh Văn Hải và Trần Bá Thọ.

Kỳ án 'vòng cẩm thạch' chấn động Sóc Trăng năm 1986: 9 mạng người - 4 án tử hình và bí ẩn 30 năm chưa có lời giải đáp (Kỳ 2) - 3

Ban chuyên án tiếp tục kết hợp với chính quyền địa phương, rà soát từng mối quan hệ của Thọ để tìm kiếm manh mối. 

Trong vai những thương lái thu mua nông sản, ban chuyên án đã tiếp cận và bắt giữ Trần Bá Thọ khi đang lẩn trốn tại nhà 1 người bà con ở Đồng Tháp.

Đối tượng còn lại, được cho là kẻ chủ mưu đã chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân nhiều nhất chính là Huỳnh Văn Hải. Mãi cho đến tận bây giờ, hơn 30 năm kể từ khi kỳ án 9 mạng người trong rừng dừa nước khép lại thì kẻ thủ ác này vẫn bặt vô âm tín, nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Đây là một bí ẩn mà cho tới bây giờ vẫn chưa được giải quyết. Nhiều người dân địa phương cho rằng rất có thể đối tượng này đã vượt biên trốn sang nước ngoài, và biệt tăm từ đó, tuy nhiên tất cả chỉ là phỏng đoán mà thôi.

Những kẻ sát nhân đã cúi đầu nhận tội, thế nhưng chúng đã làm thế nào để sát hại 9 mạng người? Vì sao nạn nhân lại theo chúng đến rừng dừa nước hoang sơ chẳng có nổi 1 bóng người để rồi bị sát hại dã man? Mọi chuyện sẽ được sáng tỏ vào kì cuối "Thảm án vòng cẩm thạch".

(Còn tiếp)

Theo Mạn Ngọc (Nhịp Sống Việt)




http://nhipsongviet.toquoc.vn/ky-an-vong-cam-thach-chan-dong-soc-trang-nam-1986-9-mang-nguoi-4-an-tu-hinh-va-bi-an-30-nam-chua-co-loi-giai-dap-ki-2-2220217320229879.htm