Pháp luật

Khởi tố vụ 'Anna Bắc Giang': Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù tới 20 năm

Liên quan đến vụ “Anna Bắc Giang” Ninh Thị Vân Anh bị tố lừa đảo, Công an TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định khởi tố vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ninh Thị Vân Anh (SN 1995, quê xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) trên mạng xã hội được biết đến với cái tên Tina Dương hay còn được cư dân mạng xã hội đặt biệt danh là “Anna Bắc Giang".

Được biết, sau khi khởi tố vụ án, Công an TP.Phan Thiết củng cố hồ sơ để chuyển giao vụ án cho Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Thuận mở rộng điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Căn cứ để khởi tố vụ án là qua điều tra công an xác định, Vân Anh có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản khi thuê một xe ô tô rồi mang đi bán và cô này đã thừa nhận hành vi này. Kết quả giám định chiếc xe ô tô mà Vân Anh thuê rồi mang đi cầm cố có giá trị hơn 500 triệu đồng. Đây là căn cứ khởi tố vụ án và hồ sơ được chuyển lên cơ quan điều tra cấp tỉnh.

Hiện nhiều đơn tố cáo của một số cá nhân đối với Ninh Thị Vân Anh đang được Công an tỉnh Bình Thuận tiếp tục xác minh, điều tra, để xử lý theo quy định.

Khởi tố vụ 'Anna Bắc Giang': Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù tới 20 năm
Cơ quan công an vừa khởi tố vụ án liên quan đến "Anna Bắc Giang"

Về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, đó là việc vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được thực hiện do cố ý, với mục đích muốn chiếm đoạt được tài sản. Sau khi đã nhận được tài sản của người khác một cách hợp pháp, người thực hiện vi phạm mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý.

Trong đó, thủ đoạn gian dối được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.

Ngoài ra, người không dùng thủ đoạn gian dối mà sau khi đã nhận được tài sản một cách hợp pháp rồi bỏ trốn với ý thức chiếm đoạt tài sản thì cũng là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Về chế tài xử lý đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tuỳ theo tính chất, mức độ, hậu quả, cá nhân vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt hành chính, người thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với giá trị tài sản bị chiếm đoạt dưới 4 triệu đồng và không thuộc trường hợp bị xử lý hình sự, có thể bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Điều 175 BLHS 2015 sửa đổi nêu rõ, người nào thực hiện một trong các hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện nhưng cố tình không trả…nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính…thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12-20 năm.

“Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp của người khác. Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp nhằm chiếm đoạt tài sản trái quy định” - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Theo H.L (An Ninh Thủ Đô)




https://www.anninhthudo.vn/khoi-to-vu-anna-bac-giang-lam-dung-tin-nhiem-chiem-doat-tai-san-co-the-bi-phat-tu-toi-20-nam-post519749.antd