Pháp luật

Huấn 'hoa hồng' bị đi cai nghiện bắt buộc tối đa bao nhiêu năm?

Huấn "hoa hồng" bị đưa đi cai nghiện bắt buộc có thể do đã áp dụng biện pháp giáo dục tại nơi cư trú nhưng vẫn còn nghiện ma túy. Theo quy định của pháp luật, thời gian cai nghiện từ 12 tháng đến 24 tháng.

Sáng 9/9, Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) xác nhận Bùi Xuân Huấn (SN 1984, quê ở Yên Bái, còn gọi là Huấn "hoa hồng") đã bị đưa đi cai nghiện bắt buộc sau khi bị UBND phường 22, quận Bình Thạnh bắt quả tang tại một tụ điểm ăn chơi và phát hiện dương tính với ma túy.

Dư luận đặt ra câu hỏi, vì sao Huấn “hoa hồng” phải bị đưa đi cai nghiện bắt buộc? và thời gian cai nghiện của đối tượng này là bao lâu?

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.

Huấn 'hoa hồng' bị đi cai nghiện bắt buộc tối đa bao nhiêu năm?
Huấn "hoa hồng".

Tại Nghị định 136/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong đó có 3 trường hợp bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gồm người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn một năm, kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.

Theo đó, có thể hiểu, người từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định sau khi bị áp dụng các biện pháp cai nghiện ma túy giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong một thời gian nhất định mà không có hiệu quả thì mới bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trường hợp thứ hai là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy. Việc bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp thứ ba là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định. Trái ngược với trường hợp thứ nhất, người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định là người không xác định được nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú hoặc có nơi đăng ký hộ khẩu, nơi đăng ký tạm trú nhưng không thường xuyên sinh sống trên địa chỉ này khiến cho việc tìm kiếm người nghiện trở lên khó khăn.

Như vậy đối với trường hợp Huấn “hoa hồng” bị buộc đi cai nghiện bắt buộc rất có thể đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại nơi cư trú nhưng vẫn còn nghiện ma túy nên phải đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Về thời gian, áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai ma túy bắt buộc, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.Căn cứ theo quy định của Luật phòng chống ma túy, thời hạn cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc được áp dụng cho tùy từng đối tượng với thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng.

“Theo quy định mới hiện nay thì việc quyết định về việc có cai nghiện bắt buộc hay không, thời gian cai nghiện bao lâu là do tòa án quyết định.

Cơ quan công an sẽ thu thập hồ sơ, tài liệu, căn cứ về việc đối tượng cai nghiện thuộc trường hợp các nghiện bắt buộc rồi chuyển hồ sơ sang tòa án để xem xét. Căn cứ vào cơ hồ sơ mà cơ quan điều tra thu thập thì tòa án sẽ quyết định có bắt buộc cai nghiện hay không và thời hạn cai nghiện là bao lâu. Người phải chấp hành quyết định bắt buộc cai nghiện sẽ thực hiện theo quyết định của tòa án”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Tại Điều 112 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, người đang chấp hành quyết định cai nghiện bắt buộc đã chấp hành một nửa thời hạn, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công, thì được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại. Trong trường hợp người đang cai nghiện bắt buộc bị ốm nặng, được đưa về gia đình điều trị thì tạm đình chỉ chấp hành quyết định; thời gian điều trị được tính vào thời hạn chấp hành quyết định. Sau khi sức khoẻ phục hồi mà thời hạn chấp hành còn lại từ 3 tháng trở lên, người đó phải tiếp tục chấp hành; nếu trong thời gian tạm đình chỉ mà người đó có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại. Ngoài ra, trường hợp nếu có đề nghị của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc, TAND cấp huyện sẽ quyết định việc giảm thời hạn tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành.

Huấn “hoa hồng” được biết đến nhờ những hình ảnh, video ăn chơi, khoe của được đăng tải trên mạng xã hội. Đối tượng này từng có hàng

chục video livestream lên Facebook để khoe tiền, vàng và bản thân quan hệ với giới giang hồ mạng đình đám như Quang "Rambo" hay Khá "Bảnh". Công việc chính của Huấn là làm nghề cho vay lãi và kinh doanh dịch vụ từ Facebook. Sau khi xảy ra vụ việc thì trang "Huấn hoa hồng" đã bị khoá lại.

Theo Hải Linh (Kienthuc.net.vn)