Pháp luật

Gay cấn vụ xét xử BS Lương: Viện kiểm sát truy hỏi gắt, quan chức Bộ Y tế liên tục nói 'lạc đề'!

HĐXX hỏi ông Quang có thấy sự mâu thuẫn giữa hai công văn của CQĐT và Bộ Y tế trả lời CQĐT hay không, ông Quang trả lời “không thấy mâu thuẫn gì”.

Gay cấn vụ xét xử BS Lương: Viện kiểm sát truy hỏi gắt, quan chức Bộ Y tế liên tục nói 'lạc đề'!
(Ảnh: Như Hoàn)

Như chúng tôi đã đưa tin, ngày hôm qua (28/5) xuất hiện một diễn biến quan trọng của phiên tòa xét xử vụ án chạy thận làm 9 người chết tại BVĐK Hòa Bình. Đó là việc LS Trần Hồng Phúc công bố "lỗi đánh máy" mà bà cho là rất nghiêm trọng và từ đó gây hiểu nhầm, có thể điều đó đã trở thành cơ sở để Viện kiểm sát truy tố 3 bị cáo, trong đó có BS Hoàng Công Lương.

Chiều nay (29/5), để trả lời những vấn đề LS Trần Hồng Phúc nêu, ông Nguyễn Huy Quang đã đại diện Bộ y tế có mặt để trả lời trước toà.

Ông Quang cho biết, ông soạn văn bản thứ 2 gửi văn phòng LS Nguyễn Chiến (nơi LS Trần Hồng Phúc công tác) là dựa trên phần trả lời công văn ngày 17/3 gửi cơ quan điều tra trong công văn số 4342. Ông Quang cho biết, công văn phúc đáp đã có sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong Bộ Y tế, trong đó có Cục quản lý Khám chữa bệnh và Viện chăm sóc sức khoẻ và cục Trang Thiết bị y tế.

Gay cấn vụ xét xử BS Lương: Viện kiểm sát truy hỏi gắt, quan chức Bộ Y tế liên tục nói 'lạc đề'! - 1
Ông Huy Quang tại phiên tòa chiều ngày 29/5. (Ảnh: Như Hoàn)

VKS hỏi: "Trên cơ sở trả lời, hai văn bản này làm VKS và CQĐT hiểu nhầm, bởi theo công văn 4342 này thì tiêu chuẩn AAMI là bắt buộc, còn theo công văn 2322 chỉ là khuyến cáo, ông giải thích như thế nào, có gì mâu thuẫn không?".

"Tôi thấy không có gì mâu thuẫn cả. Bản chất của AMMI là theo chuẩn Việt Nam là áp dụng tự nguyện, còn cái trong hợp đồng giao kết có điều khoản đó thì nó ràng buộc trách nhiệm của người tham gia. Chúng tôi căn cứ vào các điều khoản của HĐ 315 để đưa ra câu trả lời trong công văn phúc đáp CQĐT gửi cho Bộ Y tế. Vì không được đọc HĐ nên tôi trả lời như vậy", ông Quang cho biết.

Trả lời câu hỏi trên của VKS, ông Huy Quang liên tục dẫn dắt lý luận không trọng tâm khiến đại diện VKS phải giải thích Công văn số 2342 của Bộ Y tế trả lời Cơ quan CSĐT khẳng định việc xét nghiệm AAMI là "nhất thiết" vì trong Hợp đồng số 315 có điều khoản phải xét nghiệm AAMI.

"Sau khi đọc công văn của Cơ quan CSĐT, tôi thấy có nội dung áp dụng tiêu chuẩn AAMI, tôi không biết nội dung Hợp đồng 315 như thế nào nên tôi chỉ viết trong công văn đó mang tính chất khái quát. Tức là nếu hai bên giao kết Hợp đồng có áp dụng tiêu chuẩn đó theo hướng trả lời đó", ông Nguyễn Huy Quang trả lời HĐXX.

Cụ thể, dưới đây là một đoạn truy hỏi gắt gao giữa HĐXX và ông Huy Quang:

HĐXX: Ông cho biết ở công văn 43,42 ở câu hỏi số 4, ông căn cứ vào tài liệu pháp lý nào để ra câu trả lời như này? Ông không bám sát câu hỏi số 4 của CQĐT đúng không? Quy trình trả lời văn bản của CQĐT này như thế nào?

Ông Nguyễn Huy Quang: Tôi thấy không có gì mâu thuẫn cả. Chi tiết nhất thiết phải xét nghiệm AAMI, phải dựa trên cơ sở hợp đồng ký kết của BV ĐK Hòa Bình với công ty Thiên Sơn.

Trong HĐ đó có chi tiết áp dụng theo tiêu chuẩn AAMI. Sau khi đọc công văn của CQĐT tỉnh HB, tôi thấy có nội dung áp dụng tiêu chuẩn AAMI, như tôi đã trình bày, tôi không biết nội dung HĐ đó như thế nào. Trong nội dung HĐ đó lúc nào áp dụng tiêu chuẩn này, lúc nào áp dụng tiêu chuẩn kia, lý hóa hay vi sinh... Tôi chỉ báo cáo một cách khái quát, nếu HĐ như thế nào thì phải tuân theo".

HĐXX: Vì sao không hiểu rõ nội dung câu hỏi mà Bộ Y tế không yêu cầu Cơ quan CSĐT giải thích rõ hoặc nghiên cứu rõ hơn trước khi trả lời? Điểu này có thể dẫn đến sự hiểu nhầm cho cơ quan tố tụng thì sao?

Ông Nguyễn Huy Quang: Hỏi thế nào tôi trả lời thế ấy chứ theo kinh nghiệm của tôi chưa bao giờ tôi hỏi lại. Ở Bộ Y tế đã gửi nhiều công văn khác cho các CQĐT và cũng chưa xảy ra vấn đề gì cả. Công văn số 2322 gửi VPLS Nguyễn Chiến thực ra là tôi dẫn giải lại Công văn gửi cho Cơ quan điều tra, tôi chưa phát hiện ra mâu thuẫn gì trong Công văn này.

HĐXX: Trên cơ sở trả lời, hai văn bản này làm VKS và CQĐT hiểu nhầm, bởi theo công văn 4342 này thì tiêu chuẩn AAMI là bắt buộc, còn theo công văn 2322 chỉ là khuyến cáo, ông giải thích như thế nào, có gì mâu thuẫn không? 

Ông Nguyễn Huy Quang: Tôi thấy không có gì mâu thuẫn cả. Bản chất của AMMI là theo chuẩn Việt Nam là áp dụng tự nguyện, còn cái trong HĐ giao kết có điều khoản đó thì nó ràng buộc trách nhiệm của người tham gia. Chúng tôi căn cứ vào các điều khoản của HĐ 315 để đưa ra câu trả lời trong công văn phúc đáp CQĐT gửi cho Bộ Y tế. Vì không được đọc HĐ nên tôi trả lời như vậy.

HĐXX: Hai công văn này cách hiểu khác nhau, theo ông cách hiểu nào chuẩn nhất?

Ông Nguyễn Huy Quang: Dễ hiểu nhất là sau mỗi lần sửa chữa bảo dưỡng, bắt buộc xét nghiệm tồn dư hóa chất và xét nghiệm endotoxin.

Trước những câu trả lời "lạc đề" của đại diện Bộ Y tế, đại diện VKS hỏi ông Quang nghĩ sao nếu VKS đã kết luận theo công văn 4342, cho rằng trách nhiệm trong việc hiểu nhầm này thuộc về Bộ Y tế chứ không phải cơ quan tiến hành tố tụng. Đáp lại vị đại diện VKS, ông Quang cười và hỏi vặn lại: Tại sao BS Bùi Nghĩa Thịnh -  chuyên gia về hệ thống lọc nước RO có mặt tại tòa rồi mà HĐXX không cho anh ấy nói?

Đại diện VKS trả lời: Bộ Y tế là cơ quan chuyên môn cao nhất. Chúng tôi đang hỏi ông tức là hỏi Bộ Y tế, Bộ Y tế đã không bám sát câu hỏi của CQĐT nên dẫn đến sự hiểu nhầm của VKS.

Trong phần trình bày của mình, ông Quang cũng không giải thích được việc vì sao ở văn bản thứ nhất (trả lời cơ quan điều tra) thể hiện quan điểm của Bộ Y tế là bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm AAMI sau bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO, còn văn bản thứ 2 (trả lời VP luật sư) lại nói là chỉ khuyến cáo làm xét nghiệm. Khi VKS hỏi về xét nghiệm AAMI, ngoài 2 tiêu chí vi sinh và Endotoxin là khuyến cáo thì 23 tiêu chí còn lại có bắt buộc không, ông Quang trả lời "Bộ Y tế chỉ khuyến cáo xét nghiệm theo tiêu chuẩn bộ AAMI theo 25 tiêu chí. Tuy nhiêu nếu có hợp đồng thì phải thực hiện".

Trước phần phát biểu này của ông Quang, đại diện VKS cho rằng, sự khác nhau trong 2 văn bản này đã dẫn đến hiểu nhầm nghiêm trọng cho Viện kiểm sát, và đến bây giờ, sau khi phát hiện ra sự khác nhau giữa 2 văn bản, VKS mới biết là mình đã hiểu nhầm!

Từ đó, đại diện Viện kiểm sát đặt vấn đề Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm về những hậu quả của việc gây hiểu nhầm này.

Trước câu trả lời của TS Nguyễn Huy Quang - đại diện Bộ Y tế, LS Trần Hồng Phúc tiếp tục đặt ra các câu hỏi để làm rõ vấn đề. Những câu hỏi đặt ra của bà Phúc chủ yếu làm rõ việc có hay không việc bắt buộc phải làm xét nghiệm 25 chỉ số AAMI sau bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO.

Ông Quang khẳng định sau khi bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO bắt buộc phải làm xét nghiệm tồn dư hoá chất, còn lại khuyến cáo làm xét nghiệm chỉ số vi sinh và Endotoxin. Tuy nhiên, khi bà Phúc hỏi lại là có bắt buộc làm xét nghiệm 23 chỉ số lý hoá như tiêu chuẩn AAMI hay không thì ông Quang tỏ ra không hiểu. Bà Phúc nhấn mạnh, không cần thiết phải làm xét nghiệm 23 chỉ số lý hoá đúng không, lúc này ông Quang đồng tình.

Xem video ông Quang trả lời VKS và giải thích về công văn "lỗi đánh máy":

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế trả lời HĐXX về vấn đề "lỗi đánh máy" trong Công văn số 4342 của Bộ Y tế

Cuối phiên xét xử chiều nay, VKS cho rằng ông Quang là người trả lời 2 văn bản của Bộ Y tế nhưng chính ông cũng không hiểu rõ về vấn đề này. Việc đó đã dẫn đến việc Bộ Y tế đã có câu trả lời không rõ ràng, gây hiểu lầm cho cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến việc định tội danh cho các bị cáo. Đại diện VKS kiến nghị trả hồ sơ điều tra lại từ đầu những vấn đề này.

Theo Nhóm PV (Soha/Trí Thức Trẻ)