Pháp luật

Đau lòng mẹ hám lợi, lôi con vào vòng lao lý

Chỉ vì hám lợi, người mẹ lao vào con đường buôn bán ma túy, không những thế còn trực tiếp đẩy con trai vào vòng lao lý.

Nằm trong trại giam, người con trai viết đơn kêu oan nhưng “tình ngay lý gian”, việc gỡ tội giờ đây còn khó hơn lên trời.

Hám tiền, lôi con trai buôn ma túy

Kể lại câu chuyện đau lòng trên với PV Báo Giao thông, luật sư Đặng Văn Sơn, Trưởng văn phòng luật sư Đặng Sơn và cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người nhận trợ giúp pháp lý cho bị cáo Ngô Trung Kiên (SN 1995, trú Mộc Châu, Sơn La, người đã viết đơn kháng cáo bản án tù chung thân) cho hay, đã tham gia nhiều vụ án nhưng đây là một trong những vụ để lại nỗi day dứt lớn nhất. “Con người ta có thể hám tiền, nhưng khi đã có rất nhiều tiền rồi, người mẹ vẫn đang tâm đẩy con mình với cả tương lai rộng mở phía trước vào vòng lao lý là điều rất khó chấp nhận”, luật sư Sơn nói.

Đau lòng mẹ hám lợi, lôi con vào vòng lao lý
Các bị cáo trong phiên xét xử diễn ra đầu năm 2018

Rạng sáng 12/5/2016, tại trước cửa nhà 91 đường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội kiểm tra xe ô tô BKS 30H-9491 do Trương Quốc Đông (SN 1974, trú Mộc Châu, Sơn La) điều khiển chở Đào Thị Bình (SN 1977, trú thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), thu giữ tại chỗ 2 bánh heroin và 58 túi nylon chứa hơn 2.000 viên ma túy tổng hợp Methamphetamine, trọng lượng hơn 1kg.

Tại cơ quan điều tra, Đào Thị Bình khai số ma túy bị thu giữ trên Bình mua của người đàn ông tên là Rế ở khu vực biên giới Lào giáp với xã Lóng Luông, huyện Mai Châu, tỉnh Sơn La để bán cho Nguyễn Văn Võ (SN 1969, trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội) với giá gần 700 triệu đồng. Ngoài ra, trước khi bị bắt Bình đã nhiều lần bán ma túy cho các đối tượng khác như: Nguyễn Thị Bích Nga (SN 1969, trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nguyễn Văn Duy (SN 1984) và Lê Văn Bằng (SN 1976, cùng trú Thường Tín, Hà Nội).

Trong những lần giao dịch mua bán ma túy, nhiều lần Bình và Đông bảo Ngô Trung Kiên (con trai Bình, SN 1995) và Trương Công Thành (cháu trai Đông, SN 1992, trú tại phường Quyết Thắng, TP Sơn La, tỉnh Sơn La) đi ô tô tải phía trước để cảnh giới.

Kết quả điều tra xác định, khoảng tháng 2/2016, Đào Thị Bình quan hệ tình cảm với Trương Quốc Đông (là lái xe thuê cho gia đình Bình) cùng Ngô Trung Kiên (con trai Bình), Trương Công Thành hình thành đường dây mua bán trái phép chất ma túy từ Mộc Châu về Hà Nội tiêu thụ. Để qua mắt công an, Đào Thị Bình chỉ đạo Kiên, Thành đi xe ô tô tải phía trước để cảnh giới, còn Đông lái xe ô tô 4 chỗ chở Bình mang ma túy đi sau. Khi đến các vị trí thường có các chốt công an làm nhiệm vụ trên QL6, Kiên, Thành liên lạc điện thoại cho Bình, Đông biết có công an làm nhiệm vụ hay không để Bình, Đông tránh khỏi bị kiểm tra. 

Hôm Bình và Đông bị cảnh sát bắt quả tang, Kiên và Thành đã thuê nhà ngủ lại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, trong khi Bình và Đông tiếp tục di chuyển xuống khu vực Hà Đông giao hàng.

Cơ quan điều tra xác định, Đào Thị Bình và Trương Quốc Đông đã 4 lần mua bán ma túy và phải chịu trách nhiệm về hành vi mua bán 4 bánh heroin (trọng lượng 1.415,03 gram), 17.600 viên ma túy tổng hợp Methamphetamine (trọng lượng 1.754,65 gram) và 178,14 gram thuốc phiện. Ngô Trung Kiên và Trương Công Thành phải chịu trách nhiệm về hành vi mua bán 2 bánh heroin và 17.600 viên ma túy tổng hợp. 

“Tình ngay lý gian”?

Luật sư Đặng Văn Sơn kể, quá trình tiếp xúc với Đào Thị Bình trong trại giam Hỏa Lò, Hà Nội, Bình thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân, song kêu oan cho con trai là Ngô Trung Kiên. Bản thân Bình, khi bị tạm giam và đưa ra xét xử đang mang thai nên đã thoát án tử hình, chỉ phải lĩnh án chung thân. “Bình khóc nhiều và nói rất ân hận vì đã trót đẩy con vào vòng lao lý. Bình cũng cho rằng, trong những lần nhờ Kiên dẫn đường xuống Hà Nội, Kiên và Thành không hề biết trong xe của Bình có ma túy mà là giống cây trồng. Vì thế, khi xuống đến địa phận Hà Nội, Kiên và Thành thường quay về Sơn La trước mà không đến địa điểm giao dịch ma túy cùng Bình và Đông”, luật sư nói.

Kiên sau đó cũng viết đơn kháng cáo kêu oan vì cho rằng, những lần đi cảnh giới cho mẹ là tưởng đưa đường cho mẹ giao cây giống dưới Hà Nội chứ hoàn toàn không biết mẹ buôn bán ma túy. 

“Ngô Trung Kiên vừa học lái xe xong và mới lấy vợ, chưa có công ăn việc làm. Qua tìm hiểu, đúng là gia đình Kiên chuyên cung cấp giống cây trồng cho một số huyện trên địa bàn. Sau khi bị tuyên phạt tù chung thân, Kiên kháng cáo và mời tôi làm luật sư bảo vệ quyền lợi”, luật sư cho biết.

Tuy nhiên, luật sư cho rằng, dù kháng cáo kêu oan thì việc này cũng rất khó. “Cơ quan điều tra cần làm rõ, nếu đúng hôm Đào Thị Bình bị bắt đi giao ma túy, mà Ngô Trung Kiên đi giao cây và không hề biết trên xe ô tô của mình có ma túy thì Kiên sẽ vô tội. Tuy nhiên, trong việc này Ngô Trung Kiên có biết mẹ mình có ma túy hay không chỉ hai người mới biết. Vì vậy, đặt giả thiết là Kiên không hề hay biết mẹ mình đi buôn ma túy và để ma túy trên xe ô tô của mình thì việc chứng minh cũng rất khó khăn”, luật sư nhận định.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra đầu năm 2018, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt tử hình đối với 2 bị cáo Nguyễn Thị Bích Nga và Nguyễn Văn Võ. Tòa án tuyên phạt tù chung thân đối với 6 bị cáo: Đào Thị Bình, Trương Quốc Đông và Ngô Trung Kiên cùng trú tại thị trấn Nông Trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La; Trương Công Thành (trú tại phường Quyết Thắng, TP Sơn La, tỉnh Sơn La), Lê Văn Bằng (SN 1984) và Nguyễn Văn Duy (SN 1976) cùng trú tại Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội.

Tại thời điểm bị bắt, Đào Thị Bình đang mang thai đứa con thứ 3, mặc dù hai con lớn của Bình đã trưởng thành. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, trước khi bước vào con đường buôn bán ma túy, Đào Thị Bình làm nghề buôn cây giống. Chồng bị tai nạn lao động, Bình trở thành lao động chính trong nhà. Người đàn bà này từng trải qua thời gian vất vả, tần tảo lao động để thay chồng gánh vác gia đình. Nhưng Bình cũng có tật ham mê cờ bạc, từng bị phạt 12 tháng tù treo về tội danh này năm 2012.

Theo Văn Huế (Giao Thông)