Pháp luật

Dấu hiệu lạ ở những vụ cướp tiệm vàng ném ra đường

Những vụ cướp tiệm vàng táo tợn xảy ra ở Thừa Thiên-Huế, Bình Dương có chung dấu hiệu lạ thường, cả 2 đối tượng gây án đều tung vàng ra đường.

Cướp vàng rồi vứt ra đường

Ngày 21/9, Cơ quan CSĐT Công an TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) cho biết, đơn vị này tạm giữ hình sự đối với Trần Ngọc Sơn (SN 1994, quê Hà Tĩnh) để điều tra về hành vi cướp tài sản.

Dấu hiệu lạ ở những vụ cướp tiệm vàng ném ra đường
Đối tượng Sơn bị bắt giữ sau khi dùng đá đập vỡ kính tiệm vàng để cướp tài sản. Ảnh CTV

Theo điều tra ban đầu, Sơn là người buôn bán trái cây tại khu vực TP Dĩ An. Khoảng 20h ngày 20/9, đối tượng này cầm một cục đá xông vào tiệm vàng Kim Huyền (đường Nguyễn Trãi, phường Dĩ An, TP Dĩ An) đập phá tủ kính, lấy đi nhiều vàng trong tiệm.

Sơn chạy ra đứng trước tiệm, ném số vàng cướp được ra đường rồi thản nhiên để người dân khống chế, giao cho công an.

Trước đó không lâu, một vụ cướp tiệm vàng táo tợn ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) cũng từng khiến dư luận cả nước xôn xao bởi tính chất nghiêm trọng và hành động bất thường của kẻ gây án.

Khoảng 12h45 ngày 31/7, sau ca trực tại Trại giam Bình Điền (Cục C10 – Bộ Công an), Ngô Văn Quốc trong sắc phục công an với quân hàm Đại uý, mang theo một khẩu súng AK chạy xe máy từ Bình Điền (thị xã Hương Trà) về TP Huế.

Tại chợ Đông Ba, người này liên tiếp nổ súng, uy hiếp nhân viên 2 tiệm vàng Hoàng Đức và Thái Lợi, cướp đi nhiều khay vàng trong 2 tiệm rồi ung dung xách súng, mang theo tang vật đi ra hướng đường Trần Hưng Đạo.

Video của người dân quay lại thời điểm xảy ra vụ việc cho thấy, khi ra đến đường Trần Hưng Đạo, Ngô Văn Quốc liên tục vứt những khay vàng cướp được ra giữa đường, lên các ngọn cây và hô lớn “vàng cho người nghèo” để người dân xúm vào nhặt.

Cướp để được… đi tù?

Mặc dù cả 2 đối tượng gây ra những vụ cướp tiệm vàng táo tợn nói trên đều bị lực lượng công an nhanh chóng bắt giữ sau ít giờ gây án nhưng điều khiến dư luận quan tâm, là những hành vi có phần “bất thường” của Sơn và Quốc khi gây ra vụ việc.

Dấu hiệu lạ ở những vụ cướp tiệm vàng ném ra đường - 1
Sơn khai nhận, vì buồn chuyện gia đình nên y thực hiện vụ cướp để được đi tù. Ảnh: Công an cung cấp

Nguồn tin của VietNamNet có được và từ lời khai của đối tượng Ngô Văn Quốc tại cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quốc có dấu hiệu tâm lý bất thường dẫn đến hành vi mất kiểm soát.

Trong khi đó, sau khi bị bắt giữ, Sơn khai với cơ quan công an là do buồn chuyện gia đình, gây ra vụ cướp để bị bắt và được… đi tù.

Dấu hiệu lạ ở những vụ cướp tiệm vàng ném ra đường - 2
Ngô Văn Quốc sau khi gây ra vụ cướp đã vứt vàng ra đường

Nhiều người nhìn nhận, cả 2 vụ cướp tiệm vàng ở Thừa Thiên-Huế và Bình Dương đều là những vụ cướp “hy hữu” khi mục đích của các đối tượng gây án dường như không phải để cướp tài sản mà để giải toả những bất ổn tâm lý?.

Luật sư Nguyễn Anh Tâm – Công ty luật Công Khánh (thuộc Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho rằng, trong cả 2 vụ án này, đối tượng Ngô Văn Quốc có dùng súng AK, nổ súng uy hiếp nhân viên để cướp tiệm vàng và Trần Ngọc Sơn được xác định dùng đá đập vỡ tủ kính tiệm vàng để cướp nghĩa là có hành vi dùng vũ lực để tấn công, gây nguy hiểm đến chủ tài sản. 

Sau khi bị bắt giữ, cả Quốc và Sơn đều thừa nhận những hành vi mình gây ra là xâm phạm đến tài sản của người khác. Cơ quan CSĐT điều tra, làm rõ về tội Cướp tài sản là có cơ sở.

Điều đáng quan tâm trong các vụ án này là mức hình phạt mà các đối tượng sẽ phải gánh chịu. 

Với những thông tin ban đầu cho thấy, tại thời điểm bị bắt giữ, cả Quốc và Sơn có trạng thái tinh thần không ổn định (có thể phải giám định tâm thần để có căn cứ giải quyết vụ án); có chuyện buồn nên muốn cướp tài sản để bị bắt đi tù. Các đối tượng gây án hoàn toàn không có động cơ chiếm đoạt tài sản. Đây là tình tiết cần xem xét để lượng hình trong vụ án này. 

Các đối tượng gây án có thể hưởng được các tình tiết giảm nhẹ như: Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; nếu trong quá trình điều tra, người bị hại thu hồi được toàn bộ tài sản đã bị mất; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. 

Đây là những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm h, i và s Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. 

Theo Quang Thành (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/dau-hieu-la-o-nhung-vu-cuop-tiem-vang-nem-ra-duong-2062930.html