Pháp luật

Đánh người bằng búa suýt chết nhưng được hưởng án treo?

Đánh người gây thương tích 10% bằng nhiều nhát búa, song bị cáo vẫn được hưởng án treo

Ngày 7-2, anh Trần Hải Âu (SN 1977; ngụ khóm 3, phường 7, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho biết vừa có đơn kháng cáo toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm ngày 16-1 của TAND TP Cà Mau vì cho rằng HĐXX thiếu khách quan, xử nương nhẹ cho bị cáo.

Hung hăng đánh người bằng búa

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 8 giờ ngày 2-5-2017, anh Âu đang cho thợ thi công khu nhà mộ thuộc khóm 4, phường 9, TP Cà Mau thì bị Văn Kiến Trung (tên gọi khác là Chó Con; SN 1980; ngụ khóm 4, phường 9, TP Cà Mau) đến can ngăn không cho thi công. Trung cho rằng anh Âu cho thợ xây dựng lấn sang phần đất của mình. Anh Âu không đồng ý và kêu thợ cứ làm, có gì mình chịu trách nhiệm. Trong lúc anh Âu đang đứng coi thợ làm thì Trung nhặt cây búa (loại đập phá bê tông) của thợ gần đó đánh từ phía sau trúng vào vùng vai trái của anh Âu. Anh Âu quay lại ôm Trung thì Trung tiếp tục dùng búa đánh nhiều cái trúng vào nón bảo hiểm của anh Âu đang đội trên đầu. Sau đó, mọi người đến can ngăn, đưa anh Âu vào bệnh viện điều trị. 

Đánh người bằng búa suýt chết nhưng được hưởng án treo?
Anh Âu bị gãy xương vai, mất sức lao động, bỏ việc nhiều ngày nhưng không được xem xét bồi thường thỏa đáng

Theo bản kết luận giám định pháp y về thương tích ngày 15-6-2017 của Trung tâm Pháp y TP HCM, tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên của anh Âu tại thời điểm giám định là 10% (gãy xương bả vai trái). 

Quá trình điều tra, Trung thừa nhận hành vi đã dùng búa gây thương tích cho anh Âu. Từ đó, Công an TP Cà Mau khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Tung về hành vi "Cố ý gây thương tích".

Ngày 21-11-2017, VKSND TP Cà Mau quyết định truy tố Trung ra TAND TP Cà Mau để xét xử về tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 104, khoản 1, điểm a của Bộ luật Hình sự (BLHS).

Bị đánh cũng có lỗi?

Ngày 16-1-2018, TAND TP Cà Mau mở phiên tòa xét xử vụ án nói trên. Tại phiên tòa, đại diện VKSND TP Cà Mau bảo vệ toàn bộ nội dung cáo trạng đã truy tố và cho rằng bị cáo thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đã bồi thường thiệt hại và sự việc xảy ra cũng do một phần lỗi của bị hại. Vì vậy, đại diện VKS đề nghị HĐXX áp dụng khoản 1 Điều 104; điểm b,h,p khoản 1 Điều 46 của BLHS, tuyên bố bị cáo phạm tội ‘Cố ý gây thương tích", xử phạt từ 6 tháng đến 9 tháng tù. Ngoài ra, buộc bị cáo bồi thường cho bị hại những khoản đã thỏa thuận được giữa bị cáo với bị hại về khoản chi phí điều trị và đi lại của người bệnh và người nuôi bệnh số tiền hơn 11 triệu đồng.

HĐXX do thẩm phán Lê Thị Kim Oanh làm chủ tọa cũng đồng tình với đề nghị của VKS, xử phạt bị cáo Trung từ 6 tháng từ đến 9 tháng tù là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú ổn định, rõ ràng, có nhân thân tốt, không có tình tiết tăng nặng, nếu không bắt bị cáo đi chấp hành hình phạt tù cũng không gây nguy hiểm cho xã hội… nên không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội. Từ đó, HĐXX căn cứ khoản 1 Điều 104; điểm b,p,p Điều 46, Điều 60 của BLHS 1999 để tuyên bị cáo 6 tháng tù nhưng được hưởng án treo. 

Đánh người bằng búa suýt chết nhưng được hưởng án treo? - 1
Đơn kháng cáo của anh Âu

"Tôi bị người ta chủ động đánh bằng búa từ phía sau, còn bồi thêm nhiều nhát. Nếu lúc đó tôi không đội nón bảo hiểm thì đã chết rồi. VKS và HĐXX nói tôi cũng có lỗi nhưng tôi không biết tôi có lỗi gì. Tôi không gây sự và không lời qua tiếng lại nào hết. Đất gia đình thì tôi cho thi công, có trình cơ quan chức năng đang hoàng. Ở đây cũng không có tranh chấp gì hết, nếu có tranh chấp thì phải có đơn thưa kiện hoặc hồ sơ tranh chấp đất đai", anh Âu bức xúc.

Theo luật sư Trần Thị Ánh, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP HCM), thời điểm xét xử là vào năm 2018, nên HĐXX cần áp dụng BLHS năm 2015 để quyết định. "Do thời điểm xét xử vào ngày 16-1-2018, thời điểm BLHS năm 1999 đã hết hiệu lực nên HĐXX cần vận dụng BLHS sự đã sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 để xét xử mới đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ của vụ án", luật sư Ánh phân tích. 

Đưa cả hồ sơ vi phạm hành chính của bị hại vào xét xử

Điều lạ lùng của vụ án này là HĐXX đưa cả hồ sơ vi phạm hành chính không liên quan gì đến vụ án để làm căn cứ xét xử. Cụ thể, trong hồ sơ vụ án, cáo trạng có 3 mặt giấy A4 thì hồ sơ vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng của bị hại do UBND phường 9, TP Cà Mau cung cấp dày đến 21 trang giấy A4. Điều đáng nói là toàn bộ hồ sơ này không liên quan gì đến tranh chấp ở khu nhà mộ mà anh Âu cho thợ xây dựng dẫn đến bị hành hung.

Mặt khác, anh Âu còn cung cấp cả bảng lương hợp đồng lao động, yêu cầu được bồi thường thiệt hại do mất thu nhập thực tế theo quy định cùng với các khoản chi phí điều trị, tổn thất tin thần với tổng số tiền trên 95 triệu đồng. Tuy nhiên, HĐXX chỉ chấp nhận hơn 23 triệu đồng, trong đó, bị hại phải chịu 10% vì "có lỗi". Còn lại bị cáo phải bồi thường cho bị hại là hơn 20,9 triệu đồng.

Theo Duy Nhân (Nld.com.vn)