Pháp luật

Công an khám xét nhiều chi nhánh F88 ở TP HCM: Diễn biến tiếp theo?

Công an TPHCM vừa phối hợp với các đơn vị khám xét chi nhánh hệ thống F88. Hiện cơ quan công an vẫn đang tiếp tục xác minh, làm rõ sai phạm.

Mới đây, Công an TPHCM phối hợp cùng các Cục nghiệp vụ Bộ Công an đã tiến hành khám xét nhiều chi nhánh hệ thống Công ty cổ phần Kinh doanh F88 tại nhiều quận trên địa bàn TPHCM. Quá trình khám xét nhiều chi nhánh của Công ty F88 ở các quận, huyện và TP Thủ Đức, công an đã thu giữ nhiều tài liệu.

Trong thông cáo phát ngày 7/3, F88 cho biết,cơ quan chức năng đang làm việc để thu thập thông tin phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến một nhân sự của F88. Đồng thời cam kết có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với các trường hợp nhân viên thực hiện không đúng quy trình của Công ty, không tuân thủ các quy định của pháp luật.

Công an khám xét nhiều chi nhánh F88 ở TP HCM: Diễn biến tiếp theo?
Công an khám xét trụ sở của Công ty F88 tại quận Gò Vấp. (Ảnh: CAND)

Hiện cơ quan công an vẫn đang tiếp tục xác minh, làm rõ sai phạm tại văn phòng đại diện và các chi nhánh của F88 và chưa công bố thông tin liên quan vụ việc. Dư luận đặt câu hỏi: Sau khám xét, điều gì sẽ xảy ra với F88?

PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội xung quanh vụ việc trên.

Hoạt động nhạy cảm dễ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật

F88 là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cho vay bằng hình thức cầm cố tài sản, đây được coi là hoạt động nhạy cảm, dễ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật?

- Có thể nói rằng, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam là thị trường lớn, rất nhiều tiềm năng, cái khó là hoạt động quản lý nợ, thu hồi nợ. Nếu giải quyết được vấn đề này, việc cho vay tiêu dùng thực sự là “con gà đẻ trứng vàng” đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên hoạt động cho vay tiêu dùng, cầm cố tài sản luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ nảy sinh các hành vi vi phạm pháp luật.

Đối với hoạt động kinh doanh tài chính theo hình thức cho vay tín chấp và cho vay bằng biện pháp cầm cố tài sản, F88 là doanh nghiệp hoạt động quy với mô lớn, phạm vi rộng và tạo ra được sức ảnh hưởng lớn trên thị trường trong thời gian qua. F88 chiếm những vị trí thuận lợi ở các trung tâm thành phố lớn, trở thành một chuỗi cửa hàng cầm đồ ở mặt phố hoạt động với quảng cáo rầm rộ trong thời gian qua. Tuy nhiên, lãi suất cho vay và việc đòi nợ của công ty này có nhiều vấn đề.

Việc cơ quan công an khám xét nhiều chi nhánh hệ thống Công ty CP Kinh doanh F88 tại nhiều quận trên địa bàn TPHCM cho thấy điều gì, thưa luật sư?

- Theo quy định của pháp luật, khi có nguồn tin về tội phạm từ phản ánh từ các cơ quan báo chí, đơn thư tố cáo, tố giác của người dân hoặc có thông tin qua quá trình thanh tra kiểm tra về việc phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc cơ quan điều tra đồng loạt khám xét nhiều chi nhánh thuộc hệ thống F88 cho thấy cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh làm rõ những hành vi có dấu hiệu sai phạm. Sau khi thu giữ các tài liệu có liên quan, thu thập các dữ liệu điện tử, làm việc với các tổ chức, cá nhân, trong thời hạn xác minh tin báo, cơ quan điều tra sẽ quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến các nội dung tố cáo, tố giác của tổ chức cá nhân.

Trong thời hạn 2 tháng, cơ quan điều tra sẽ quyết định là có khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến hoạt động cho vay và đòi nợ của doanh nghiệp này.

Đe dọa đòi nợ có cấu thành “cưỡng đoạt tài sản”?

Nhiều ý kiến đặt câu hỏi, hành vi cho vay tiền nhưng lại đe dọa người vay để thu hồi nợ sẽ có dấu hiệu tội “Cưỡng đoạt tài sản”?

- Theo quy định của pháp luật, vay tiền và cho vay tiền là quan hệ dân sự, là hợp đồng vay tài sản và việc vay nợ phải tuân thủ các quy định pháp luật về dân sự liên quan đến hợp đồng vay tài sản. Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% của mức lãi suất 20%/năm tại thời điểm trả nợ.

Pháp luật cũng quy định nếu bên vay không trả nợ đúng hạn, bên cho vay có quyền đòi nợ, xử lý tài sản đảm bảo để thanh toán nghĩa vụ trả nợ, có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Đối với hoạt động đòi nợ phải tuân thủ quy định của pháp luật, không được sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để đòi nợ, nghiêm cấm hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người nợ tiền để đòi nợ. Hành vi đòi nợ trái pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào hậu quả cụ thể.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động tín dụng theo luật các tổ chức tín dụng phải tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó quy định về cho vay tiêu dùng và đòi nợ.

Theo quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng, việc đòi nợ không được thực hiện trước 7h sáng và sau 21h tối, việc nhắc nợ không được quá năm lần một ngày, nghiêm cấm việc đòi nợ đối với người không vay, không có nghĩa vụ trả nợ đối với giao dịch đó. Hành vi đòi nợ trái pháp luật, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ phải chịu chế tài của pháp luật.

Đối với F88, thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, doanh nghiệp này hoạt động theo luật doanh nghiệp chứ không đăng ký hoạt động theo luật các tổ chức tín dụng nên không căn cứ vào luật ngân hàng, luật các tổ chức tín dụng để giải quyết.
Pháp luật Việt Nam hiện nay cấm kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ. Đối với các khoản nợ của tổ chức, cá nhân tự mình đòi nợ phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không được lợi dụng việc đòi nợ để xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác, không được sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người nợ tiền để đòi nợ.

Nếu có tranh chấp về hợp đồng vay tài sản phải đưa đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Do đó nếu có hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người vay tiền để buộc trả nợ có thể xử lý hình sự người đã thực hiện hành vi này về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự.

Trong những vụ việc như trên, cơ quan điều tra sẽ làm rõ quy trình thu hồi nợ được công bố và tổ chức thực hiện như thế nào. Trong trường hợp công ty này đưa ra quy trình thu hồi nợ có sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần của người vay tiền nhằm thu hồi nợ, tất cả những người có liên quan đến hoạt động thu hồi nợ đều có thể bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản khi có hành vi xảy ra trên thực tế.

Pháp luật quy định đồng phạm là có từ hai người trở lên cùng ý chí thực hiện tội phạm, bởi vậy nếu có sự thỏa thuận bàn bạc thống nhất với nhau về việc sử dụng vũ lực để đòi nợ thì tất cả những người thống nhất ý chí là đòi nợ bằng vũ lực đó sẽ đều bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm, trong đó người chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc.

Bị đe dọa đòi nợ, người vay cần làm gì?

Từ những vụ đòi nợ bị phanh phui gần đây, dư luận cũng quan tâm, ngườivay tiền nếu bị đe dọa, khủng bố, cần phải làm gì?

- Trường hợp người vay tiền bị đe dọa, khủng bố tinh thần để đòi nợ cần thu thập tất cả các thông tin về hành vi đe dọa đó để nắm được phương thức thủ đoạn đòi nợ và tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi đòi nợ.

Đồng thời, cung cấp các thông tin tài liệu đó cho cơ quan điều tra, kèm theo đơn trình báo tố giác tội phạm để cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ xử lý.

Hành vi chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người vay tiền để đòi nợ hoặc đe dọa uy hiếp đến tính mạng sức khỏe của bản thân họ và gia đình là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật này có thể bị xử lý về tội đưa tin trái phép trên mạng internet, tội làm nhục người khác, nếu hành vi dẫn đến nạn nhân sợ hãi buộc phải trả nợ thì sẽ bị xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản.

Xin cảm ơn Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường!

Theo Tâm Đức (Kienthuc.net.vn)




https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/cong-an-kham-xet-nhieu-chi-nhanh-f88-o-tp-hcm-dien-bien-tiep-theo-1815741.html