Pháp luật

Công an Hà Nội triệt phá đường dây mua bán hoá đơn cả nghìn tỉ đồng

Từ các công ty "ma", nhóm bị can đã tổ chức mua bán hoá đơn giá trị gia tăng cho các đối tượng có nhu cầu, thu lời hàng chục tỉ đồng mỗi tháng.

Ngày 1/12, tin từ Công an TP Hà Nội cho biết đang điều tra mở rộng vụ án Mua bán trái phép hóa đơn xảy ra trên địa bàn.

Ngày 30/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố 14 bị can, tạm giam đối với 13/14 đối tượng (1 đối tượng nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi) trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với giao dịch cả nghìn tỉ đồng.

Trước đó, ngày 17/11, cơ quan chức năng tiếp nhận tin báo về tội phạm về việc một số đối tượng có hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Công an Hà Nội triệt phá đường dây mua bán hoá đơn cả nghìn tỉ đồng
4/14 bị can trong đường dây Mua bán trái phép hóa đơn

Tiến hành điều tra, công an xác định đường dây có 14 người liên quan gồm: Tô Sỹ Lực (SN 1982), Nguyễn Văn Hào (SN 1983), Nguyễn Văn Hồng (SN 1983), Nguyễn Văn Cường (SN 1981), Nguyễn Văn Mạnh (SN 1992), Phạm Thị Thúy (SN 1992), Nguyễn Thị Mai Phương (SN 1986), Hoàng Thị Phượng (SN 1983), Cao Hà Giang (SN 1985), Cao Xuân Hải (SN 1994); Lương Thị Vui (SN 1995), Hoàng Văn Trường (SN 1987), Phạm Ngọc Sơn (SN 1984) và Cao Thành Đại (SN 1990) có hoạt động mua bán trái phép hóa đơn GTGT với phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Theo điều tra, từ khoảng năm 2017, các đối tượng mua lại pháp nhân nhiều công ty với giá từ 15-20 triệu đồng/công ty. Sau đó, các bị can sử dụng căn cước công dân, chứng minh nhân dân của người khác đứng tên Giám đốc, ký giả chữ ký giám đốc để quản lý hồ sơ pháp nhân, con dấu công ty, hóa đơn giá trị gia tăng.

Các bị can biến các công ty này thành công ty “ma”. Sau đó, họ không tổ chức hoạt động kinh doanh mà chỉ dùng để mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng thu lời bất chính.

Hóa đơn GTGT các đối tượng sử dụng để bán chủ yếu là hóa đơn điện tử (có chế độ bảo mật cao), sử dụng những người có trình độ nghiệp vụ kế toán tốt để kê khai cân đối báo cáo tài chính các kỳ tính thuế. Đồng thời, các đối tượng sử dụng các ứng dụng mạng xã hội như: Telegram, Viber, Zalo… để liên lạc với nhau, mục đích tránh sự phát hiện của Cơ quan Thuế và Cơ quan công an.

Đối tượng cầm đầu phân công một số đối tượng cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ: soạn thảo hợp đồng, chứng từ, viết hóa đơn giấy, làm hóa đơn điện tử, báo cáo thuế, giao nhận với khách, giao dịch rút, chuyển tiền ngân hàng… để hợp thức hoạt động mua bán trái phép hóa đơn. Số đối tượng này được trả lương từ 7-8 triệu đồng/tháng/người.

Quá trình hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, đối tượng cầm đầu thông qua số đối tượng môi giới để kết nối với các đơn vị có nhu cầu mua hóa đơn GTGT hợp thức hàng hóa đầu vào không có nguồn gốc hoặc hồ sơ vay vốn ngân hàng...

Công an Hà Nội triệt phá đường dây mua bán hoá đơn cả nghìn tỉ đồng - 1
Các con dấu liên quan trong đường dây mua bán hoá đơn giá trị gia tăng. 

Các đối tượng môi giới mua hóa đơn với giá từ 2% đến 4% tổng giá trị tiền hàng trước thuế ghi trên hóa đơn, sau đó bán lại cho khách với giá 8%-8,5% tổng giá trị tiền hàng trước thuế ghi trên hóa đơn. Việc thanh toán bằng hình thức trả tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản cá nhân của các đối tượng.

Cơ quan chức năng thu giữ hơn 20 dấu tròn pháp nhân của các Công ty "ma" (Công ty được thành lập nhưng không tổ chức hoạt động kinh doanh) và nhiều quyển hóa đơn giá trị gia tăng; Các chứng từ liên quan cùng các đồ vật liên quan đến việc thực hiện hành vi phạm tội của các đối tượng như: máy vi tính, điện thoại di động, Token Key… và hàng trăm triệu đồng tiền phạm pháp.

Sơ bộ thống kê giá trị hàng hóa trước thuế ghi trên các hóa đơn mà các đối tượng bán ra cho khách hàng lên đến 1.000 tỉ đồng, các đối tượng hưởng lợi hàng chục tỷ đồng.

Vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

HL (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/cong-an-ha-noi-triet-pha-duong-day-mua-ban-hoa-don-ca-nghin-ti-dong-tintuc799231