Pháp luật

Chưa xong vụ ca sĩ Nhật Kim Anh đòi nuôi con

Do tòa án cấp sơ thẩm vi phạm cả tố tụng lẫn nội dung nên cấp phúc thẩm tuyên hủy án để xét xử lại từ đầu.

Ngày 28-8, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm vụ tranh chấp thay đổi quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn giữa bà Đỗ Thị Kim Huê (tức ca sĩ, diễn viên Nhật Kim Anh) và ông Ngô Nguyễn Phúc Bửu Lộc. Phiên tòa phúc thẩm được mở do có kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của VKS cấp sơ thẩm.

Tòa sơ thẩm giao con cho nguyên đơn

Theo đơn khởi kiện, bà Huê trình bày bà và ông Lộc trước đây là vợ chồng, có đăng ký kết hôn. Ông bà có một con chung sinh năm 2015, vì mâu thuẫn nên ông bà đã ly hôn, bà Huê đã tự nguyện giao con chung cho ông Lộc trực tiếp chăm sóc.

Tuy nhiên, bà không được chồng cũ tạo điều kiện cho thăm, gặp con khi bà có yêu cầu. Do đó, bà khởi kiện yêu cầu tòa thay đổi quyền nuôi con từ người trực tiếp nuôi dưỡng là ông Lộc sang cho bà.

Ngược lại, ông Lộc cho rằng ông không ngăn cản bà gặp, chăm sóc con chung nên không đồng ý yêu cầu của bà Huê.

Xử sơ thẩm hồi tháng 3, TAND quận Ninh Kiều đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Huê, giao con chung của bà với ông Lộc cho bà chăm sóc.

Sau đó, ông Lộc có kháng cáo cho rằng án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng về tố tụng nên đề nghị hủy án hoặc sửa án, không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. VKSND quận Ninh Kiều kháng nghị theo hướng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND TP Cần Thơ đề nghị chấp nhận kháng cáo, kháng nghị, bác yêu cầu khởi kiện của bà Huê.

Bà Huê trình bày: Nếu được nuôi con chung thì bà không làm nghệ sĩ nữa mà chuyên tâm vào việc điều hành công ty và chăm con. Thực tế thì hai năm nay bà đã giãn công việc của một nghệ sĩ nhiều để chuẩn bị cho việc được nuôi con.

Ông Lộc cho rằng ông và gia đình không ngăn cản bà Huê thăm, gặp con. Ông trực tiếp nuôi con từ đó đến nay và cháu bé phát triển tốt nên không đồng ý cho bà Huê trực tiếp nuôi con…

Chưa xong vụ ca sĩ Nhật Kim Anh đòi nuôi con
Ca sĩ Nhật Kim Anh và chồng cũ tại tòa ngày 28-8. Ảnh: NN

Hủy án vì vi phạm tố tụng

HĐXX phúc thẩm cho rằng phiên tòa xét xử sơ thẩm vào ngày 20-3, các đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất. Do vậy, tòa sơ thẩm không chấp nhận đơn xin hoãn phiên tòa ngày 20-3 của văn phòng luật sư (nơi có luật sư bảo vệ cho bị đơn) mà xét xử vắng mặt là vi phạm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự.

Đơn xin hoãn phiên tòa của bị đơn là hợp pháp vì luật sư bảo vệ quyền lợi đi nước ngoài và tình hình dịch bệnh COVID-19 thời điểm đó diễn biến phức tạp theo chỉ thị của chánh án TAND Tối cao. Đây là lý do xin hoãn chính đáng do trở ngại khách quan.

Về nội dung, HĐXX cho rằng bản án ly hôn vào năm 2008, có nội dung về hôn nhân, cho bà Huê ly hôn với ông Lộc, về con chung ghi nhận sự tự nguyện của bà Huê giao con chung cho ông Lộc tiếp tục nuôi dưỡng. Theo thừa nhận của các bên thì từ khi ly hôn đến nay, ông Lộc là người trực tiếp nuôi dưỡng con chung.

Ngày 6-7-2019, bà Huê có đơn kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con vì cho rằng ông Lộc và gia đình ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung của bà.

Theo hồ sơ và lời khai của các đương sự thể hiện ông Lộc trực tiếp nuôi con từ lúc cháu được sinh ra và sau khi ly hôn đến hiện tại. Bà Huê cho rằng ông Lộc và gia đình ngăn cản quyền thăm nom, nuôi dưỡng, giáo dục con chung của bà và bà có đủ điều kiện để nuôi con trực tiếp.

HĐXX nhận định trước khi đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán phải xác định nguyên nhân tranh chấp, điều kiện, hoàn cảnh gia đình. Cấp sơ thẩm cho rằng bà Huê chứng minh được điều kiện nuôi con như cung cấp về thu nhập, nhà cửa, còn ông Lộc không chứng minh được.

Ông Lộc cho rằng ông có đầy đủ điều kiện để nuôi con, cháu phát triển tốt về thể chất và tinh thần, cháu được đi học. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm không làm rõ, không chứng minh được ông Lộc không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con.

Về các bằng chứng do bà Huê cung cấp về việc bị ngăn cản thăm con là các vi bằng của thừa phát lại. Tuy nhiên, nội dung vi bằng không trực tiếp chứng kiến trao đổi giữa bà Huê và ông Lộc, trong khi ông Lộc không thừa nhận ngăn cản. Do vậy, cần thu thập chứng cứ tại địa phương xem ông Lộc có hành vi cản trở việc thăm con của bà Huê không.

Từ đó, tòa quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, kháng nghị của VKS, tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND quận Ninh Kiều xét xử lại từ đầu.

Hai căn cứ thay đổi quyền nuôi con

HĐXX cho rằng theo khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình quy định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau: Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Theo Nhẫn Nam (Pháp Luật TP HCM)




https://plo.vn/phap-luat/chua-xong-vu-ca-si-nhat-kim-anh-doi-nuoi-con-935119.html