Pháp luật

Chưa thể áp dụng ghi âm, ghi hình khi hỏi cung trên toàn quốc từ 1/1/2020

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (bộ Công an) cho biết, Bộ sẽ đề xuất lùi thời điểm áp dụng thực hiện trên toàn quốc việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can.

Tại buổi họp báo của bộ Công an chiều 24/12, liên quan đến Đề án cơ sở vật chất, cán bộ và lộ trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can được Thủ tướng phê duyệt thực hiện từ ngày 1/1/2020 trên toàn quốc, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng cục pháp chế và cải các hành chính, tư pháp (bộ Công an) khẳng định đây là một chủ trương lớn, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các bộ ngành, trong đó bộ Công an được giao xây dựng đề án.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cũng cho biết: “Bộ Công an đã có quyết định thành lập Ban nghiên cứu, xây dựng đề án chung. Sau đó, đã được Chính phủ phê duyệt Đề án về việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động tố tụng hình sự. Chúng ta cần có thời gian và lượng kinh phí khá lớn để triển khai trên toàn quốc.

Để đảm bảo an toàn, chắc chắn, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo bộ Công an đã tổ chức cho thí điểm ghi âm, ghi hình có âm thanh 5 cơ quan đơn vị, gồm Công an tỉnh Bắc Giang, Công an TP.Hà Nội, Công an TP.Hồ Chí Minh, cơ sở giam giữ thuộc cơ quan An ninh điều tra, cơ sở giam giữ thuộc cơ quan Cảnh sát điều tra của bộ Công an”.

Hiện tại, bộ Công an đang quản lý 69 trại tạm giam, 111 nhà tạm giữ, trong đó, có nhiều buồng hỏi cung đạt chuẩn, được xây mới hoặc cải tạo sửa chữa để đảm bảo lắp đặt các thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh. Từ trước đến nay, ngành Công an đã làm và đạt kết quả rất tốt.

Tuy nhiên, để triển khai một cách cơ bản toàn diện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung, thì điều kiện thực tiễn vẫn cần có thêm thời gian để chuẩn bị. Nếu thực hiện đồng bộ trên toàn quốc từ ngày 1/1/2020 thì sẽ không đảm bảo yêu cầu.

Chưa thể áp dụng ghi âm, ghi hình khi hỏi cung trên toàn quốc từ 1/1/2020
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng cục pháp chế và cải các hành chính, tư pháp (bộ Công an).

“Chính vì vậy, bộ Công an sẽ báo cáo cấp thẩm quyền, đề xuất lùi thời hạn áp dụng để thực hiện tốt điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, để tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ điều tra... vì cần xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật đảm bảo, tổ chức tập huấn cán bộ và có những yêu cầu đảm bảo kỹ thuật đòi hỏi nỗ lực lớn hơn”, Cục trưởng cục pháp chế và cải các hành chính, tư pháp (bộ Công an) cho biết.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cũng nhấn mạnh: “Trung ương và lãnh đạo bộ Công an rất quyết tâm đề cố gắng thực hiện theo quy định của pháp luật, tuy nhiên, do điều kiện thực tiễn hiện nay chưa đảm bảo, cần có thêm thời gian để triển khai một cách có hiệu quả nhất”.

Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến vụ việc của công ty cổ phần tập đoàn Asanzo, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng bộ Công an cho biết: Bộ Tài chính đã có cuộc họp chủ trì thống nhất kết luận theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xác định “có dấu hiệu sai phạm”.

Thứ trưởng bộ Công an thông tin: “Nhưng để xác định là sai phạm hành chính hay sai phạm hình sự, cần xác minh làm rõ. Bộ Công an đang được giao xác minh các dấu hiệu vi phạm, nếu có đủ căn cứ xác định vi phạm quy định pháp luật thì sẽ khởi tố điều tra, không bỏ lọt bất cứ vấn đề nào”.

Xem thêm clip:

“Chánh văn phòng tòa án trốn nã 26 năm: Thanh tra làm rõ dấu hiệu sai phạm của cán bộ công an”
"Bộ Công an: Lãnh đạo đội CSGT ở Đồng Nai “bảo kê” cho phương tiện vi phạm"

Theo Nguyễn Hường - Thủy Tiên (Nguoiduatin.vn)




https://www.nguoiduatin.vn/chua-the-ap-dung-ghi-am-ghi-hinh-khi-hoi-cung-tren-toan-quoc-tu-1-1-2020-a460808.html