Pháp luật

Chỉ thị của Trung ương về thu hồi tài sản tham nhũng

Ban bí thư yêu cầu nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng… để góp phần kiểm soát tài sản chặt hơn, tạo thuận lợi cho công tác phòng chống tham nhũng.

Ban bí thư vừa ban hành chỉ thị về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Đây là chỉ thị đầu tiên của Trung ương Đảng về vấn đề này.

Không để tẩu tán, xóa dấu vết tài sản bất minh

Trong Chỉ thị số 04 ngày 2-6 của Ban bí thư, ngay phần đầu tiên đã đánh giá nhận thức và trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế lâu nay “vẫn còn hạn chế”. Mở rộng ra, tức là công tác lãnh đạo của Đảng ở các cơ quan, tổ chức liên quan đến nhiệm vụ thu hồi tài sản còn nhiều vấn đề cần khắc phục.

Gắn vào nhiệm vụ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về công tác phòng chống tham nhũng, Chỉ thị 04 yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình về công tác thu hồi tài sản.

Chỉ thị của Trung ương về thu hồi tài sản tham nhũng
Khi phiên tòa xử vụ án MobiFone - AVG đang diễn ra, gia đình cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã nộp lại 66 tỉ đồng. Ảnh: TUYẾN PHAN

Theo đó, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế không phải chỉ là nhiệm vụ của cơ quan thi hành án như lâu nay và cũng không là việc riêng của các cơ quan tố tụng hình sự. Nhận thức đầy đủ hơn: Đây là nhiệm vụ của tất cả cơ quan, từ kiểm tra của Đảng đến thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án dân sự các cấp.

Nói cách khác, ngay từ những bước đầu tiên của hoạt động kiểm tra, thanh tra, tố tụng, các cơ quan này nếu phát hiện dấu hiệu, khả năng tham nhũng, sai phạm kinh tế nghiêm trọng thì đã phải tính tới các biện pháp đảm bảo cho việc thu hồi tài sản sau này được suôn sẻ, không để đối tượng vi phạm tẩu tán, xóa dấu vết tài sản bất minh.

Nghiên cứu cơ chế thu hồi tài sản “không qua thủ tục kết tội”

Theo tinh thần chỉ thị này, cùng với việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm để thi hành đầy đủ, chặt chẽ, hiệu quả hơn các quy định pháp luật hiện có nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thì nhiều vấn đề mới cần được nghiên cứu, tính toán.

Đó là phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phục vụ cho thu hồi tài sản. Trong đó, đáng chú ý là Ban bí thư đặt hàng các cơ quan chuyên môn nghiên cứu cơ chế thu hồi tài sản “không qua thủ tục kết tội”. Đây là vấn đề rất mới so với quy định hiện hành, nói chung chỉ thu hồi tài sản do tội phạm mà có sau khi có bản án hình sự có hiệu lực pháp luật tuyên về việc thu hồi.

Cũng để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các lĩnh vực khác có liên quan để áp dụng có hiệu quả các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản, chỉ thị yêu cầu các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, sửa pháp luật, bổ sung thẩm quyền cho các lực lượng này. Tinh thần là vừa giao thẩm quyền, vừa xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong truy nguyên, truy tìm, kê biên, phong tỏa tài sản trong từng giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Để phòng ngừa có hiệu quả việc tẩu tán tài sản do phạm tội tham nhũng, kinh tế mà có, Ban bí thư cũng yêu cầu hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt. Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để góp phần kiểm soát tài sản chặt chẽ hơn, tạo thuận lợi cho công tác phòng chống tham nhũng.

Trong thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Chỉ thị 04 của Ban bí thư cũng yêu cầu tăng cường hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế và các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài để xác minh, truy tìm và xử lý tài sản do phạm tội mà có đang ở nước ngoài. Đẩy mạnh tham gia, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam với các nước, tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp trong phòng chống tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

Trong Chỉ thị 04, Ban bí thư yêu cầu các tổ chức đảng trực thuộc trung ương phổ biến, quán triệt chỉ thị và xây dựng chương trình, kế thoạch thực hiện. Ban bí thư giao Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương và các cấp ủy liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chỉ thị, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Ban bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Theo Nghĩa Nhân (Pháp Luật TPHCM)




https://plo.vn/phap-luat/chi-thi-cua-trung-uong-ve-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-991566.html