Pháp luật

Cảnh sát chống ma túy - Cuộc chiến khốc liệt và sự dấn thân

Cuộc chiến chống ma túy luôn nóng bỏng, khốc liệt, đòi hỏi sự dấn thân, can trường, vượt lên thách thức của các lực lượng chức năng, trực tiếp là CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an), lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan.

Nằm khá gần rốn ma túy “tam giác vàng”, các đường dây buôn bán ma túy trái phép bằng nhiều thủ đoạn, tìm cách thẩm lậu vào Việt Nam hoặc trung chuyển qua nước thứ ba. Trong khi đó, ở trong nước, tỉ lệ người nghiện gia tăng, kéo theo diễn biến phức tạp các loại tội phạm. Cuộc chiến chống ma túy vì vậy luôn nóng bỏng, khốc liệt, đòi hỏi sự dấn thân, can trường, vượt lên thách thức của các lực lượng chức năng, trực tiếp là CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an), lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan.

Nhân 57 năm ngày Truyền thống lực lượng CSND (20-7-1962 – 20-7-2019) Báo CAND thực hiện loạt bài viết này phần nào khắc họa tính phức tạp, khốc liệt cuộc chiến và “chuyện người trong cuộc” – lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy.

Bài 1: Biến hình mới của “vòi bạch tuộc”

Nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng “khủng” vừa được khám phá gần đây cho thấy diễn biến hết sức phức tạp của “vòi bạch tuộc”, đối tượng vận chuyển được đào tạo chuyên nghiệp để đối phó với cơ quan chức năng. Cuộc chiến chống ma túy bước vào giai đoạn cam go với những biến thể mới.

Việt Nam trong “cơn lốc” ma túy từ “tam giác vàng”

“Nhiều đường dây có sự tham gia của các đối tượng truy nã, người nước ngoài mua bán, vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt và thường xuyên thay đổi, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến chống ma túy ở Việt Nam có những diễn biến mới…” - Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy Bộ Công an mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Cảnh sát chống ma túy - Cuộc chiến khốc liệt và sự dấn thân
Cục CSĐT tội phạm về ma tuý cùng các đơn vị chức năng phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển hơn 500kg ketamine ngày 11-5-2019.

Trung tướng Phạm Văn Các cho biết, đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã có nhiều chuyến thị sát trên toàn tuyến biên giới đường bộ, đường biển và tại các nước trong khu vực “tam giác vàng” để nắm rõ diễn biến, tình hình thực tế. Đồng chí Bộ trưởng cũng thường xuyên cập nhật các thông tin mới về thực trạng, cách thức đấu tranh với tội phạm ma túy trên thế giới và các nước trong khu vực để có đánh giá toàn diện, đầy đủ.

Qua câu chuyện, Trung tướng Phạm Văn Các cũng giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về đặc điểm vị trí của Việt Nam trong khu vực “tam giác vàng” cũng như những hướng vận chuyển đưa ma túy vào Việt Nam hiện nay.

“Tam giác vàng” là khu vực nằm giáp lãnh thổ của 4 nước: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar. Đây là trung tâm sản xuất, mua bán ma tuý lớn thứ hai trên thế giới. Việt Nam cách “tam giác vàng” khoảng 500km nên chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Gần đây, các đối tượng tại khu vực “tam giác vàng” đã ứng dụng khoa học, công nghệ để sản xuất ma túy tổng hợp (MTTH) nên sản lượng nhiều hơn, giá thành rẻ hơn. Thêm nữa, đường biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng Lào, Trung Quốc và Campuchia trải dài gần 5.000km, chủ yếu là địa hình đồi núi hiểm trở, có nhiều cửa khẩu và các đường mòn, lối mở là điều kiện để các đối tượng đưa ma túy vào nước ta.

Thời gian qua, các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan tổ chức sản xuất MTTH tại Lào, Myanmar, Thái Lan sau đó điều hành đường dây vận chuyển ma túy trái phép vào Việt Nam để đưa đi các nước thứ ba tiêu thụ bằng đường biển (đặc biệt là qua cảng Cát Lái – TP Hồ Chí Minh) càng làm phức tạp hơn tình hình ma túy.

“Nếu không có những giải pháp tổng thể, căn cơ, đồng bộ giải quyết tình trạng trên, Việt Nam sẽ phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề do tội phạm và tệ nạn ma túy mang lại” - nhận định trên đã được Cục CSĐT tội phạm về ma túy đưa ra trong một báo cáo mới đây.

Có thể kể tới một số vụ ma tuý số lượng “khủng” trong 6 tháng đầu năm 2019: Vụ bắt 1 đối tượng, thu giữ 278kg MTTH tại Hà Tĩnh ngày 17-2-2019; mở rộng bắt 13 đối tượng (trong đó 9 người Trung Quốc), thu giữ 300kg MTTH tại TP Hồ Chí Minh ngày 20-3-2019 và phối hợp với Cảnh sát Philippines bắt thêm 276kg MTTH.

Hay vụ bắt 8 đối tượng, thu giữ 370 bánh heroin tại Cao Bằng và Hà Tĩnh ngày 23-2-2019; vụ bắt 5 đối tượng, thu giữ 640kg MTTH dạng đá và 100 bánh heroin tại Nghệ An ngày 15-4-2019; vụ bắt 4 đối tượng, thu giữ hơn 500kg ketamine tại TP. Hồ Chí Minh ngày 11-5-2019…

Những hướng thẩm lậu ma tuý qua biên giới

Những hướng vận chuyển đưa ma túy vào Việt Nam đã được các trinh sát Cục CSĐT tội phạm về ma túy đúc kết lại sau thời gian dài đi thực địa cũng như trực tiếp chiến đấu chống tội phạm trên các tuyến biên giới.

Cảnh sát chống ma túy - Cuộc chiến khốc liệt và sự dấn thân - 1
Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma tuý Phạm Văn Các trực tiếp kiểm đếm số ketamine trong vụ án ma túy lớn tại TP Hồ Chí Minh.

Tại tuyến biên giới Việt - Lào, tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy tăng mạnh, nhất là MTTH (trong khi trước đây ma túy từ Lào vận chuyển về Việt Nam chủ yếu là heroin). Các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán ma túy với số lượng lớn.

Theo đơn vị Thường trực Phòng, chống tội phạm ma tuý Bộ Công an đánh giá, sở dĩ có tình trạng như vậy do đây là tuyến chịu tác động trực tiếp của tình hình sản xuất, mua bán ma túy từ khu vực “tam giác vàng”; dọc tuyến biên giới còn tồn tại nhiều “điểm nóng” về ma túy như: Xã Xa Dung, Pú Nhi, Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên); xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La); xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu (Hòa Bình); huyện Mường Lát, Quan Hóa (Thanh Hóa); huyện Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn (Nghệ An).

Nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn được thiết lập có sự câu kết của các đối tượng người Việt Nam với các đối tượng người nước ngoài. Tội phạm ma túy trên tuyến này hoạt động hết sức manh động, chúng sẵn sàng tấn công lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.

Trên tuyến biên giới Việt - Trung, do các lực lượng chức năng Việt Nam và Trung Quốc trấn áp mạnh nên hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy trên tuyến này không còn công khai, thách thức mà đi vào hoạt động bí mật, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, ma túy (chủ yếu là MTTH dạng đá, viên) được các đối tượng mua bán, vận chuyển từ Lào, Campuchia vào Việt Nam tiếp tục sang Trung Quốc tiêu thụ.

Ở tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, gia tăng hoạt động mua bán ma túy từ Lào qua Campuchia về Việt Nam, đưa đi các tỉnh phía Bắc và sang Trung Quốc tiêu thụ.

Tại TP Hồ Chí Minh, thời gian qua xuất hiện tình trạng các đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan) lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta đã nhập cảnh vào Việt Nam với danh nghĩa là du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh… móc nối với các đối tượng trong nước để thành lập các doanh nghiệp, công ty “bình phong” để mua bán, vận chuyển ma túy.

Bên cạnh đó, ở tuyến hàng không, bưu điện và tuyến đường biển, tình trạng các đối tượng lợi dụng chính sách mở cửa hội nhập để vận chuyển ma túy vào Việt Nam hoặc quá cảnh đi nước thứ ba diễn ra phức tạp.

Theo số liệu từ Cục CSĐT tội phạm về ma túy Bộ Công an, trong 10 năm (từ năm 2008-2018), các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 62 vụ, 106 đối tượng vận chuyển ma túy qua tuyến hàng không, thu giữ 85kg heroin, 99kg ma túy tổng hợp, 200kg cocaine; hơn 10 tấn lá “khát” và 119kg cocain vận chuyển từ châu Phi về Việt Nam qua đường biển.

Tội phạm ma tuý thời 4.0

Nhiều năm theo chân các trinh sát trên các tuyến biên giới trong cuộc đấu tranh chống tội phạm ma tuý đầy hiểm nguy, cam go, chúng tôi nhận thấy thủ đoạn của tội phạm ma túy ở Việt Nam hiện nay muôn hình vạn trạng.

Các đối tượng thường sử dụng phương tiện công cộng (taxi, xe khách, máy bay, tàu hỏa) để vận chuyển; giấu trong valy hai đáy, trong thành valy, trong hộp trà, đồ điện tử, ở chỗ kín trên cơ thể, cất giấu ma túy trong xe ôtô cá nhân bằng cách thay đổi kết cấu xe, tạo nhiều khoang rỗng bí mật trong xe, để lẫn trong hàng hóa, cây cảnh, trong khoang rỗng đồ điện tử và đồ dùng, trong ruột hoa quả…

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát Cục CSĐT tội phạm về ma túy còn phát hiện các đối tượng chia nhỏ số lượng ma túy trà trộn vào hàng hóa, khai tên, địa chỉ người gửi, người nhận không rõ ràng; đồng thời pha, tẩm tiền chất và ma túy vào các loại đồ uống, hóa mỹ phẩm, nước hoa, các loại thực phẩm phổ biến như bánh kẹo, thuốc lá, chè khô, cà phê, mắm tôm, dầu gió và các loại bột…

Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng loại hình hàng hóa tạm nhập – tái xuất để cất giấu vào hàng hóa đựng trong các container, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, sau đó đưa đi nước thứ 3 tiêu thụ. Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, các đối tượng còn sử dụng tài khoản trò chơi điện tử trung gian, các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook... để chỉ đạo mua bán, giao dịch, vận chuyển ma túy.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, CSĐT tội phạm về ma túy và các lực lượng chức năng đã triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, từ đó đấu tranh bóc gỡ những đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn. Đã phát hiện, bắt giữ 13.185 vụ, 20.070 đối tượng; thu giữ gần 5 tấn và 511.312 viên MTTH, hơn 750kg heroin, 571kg cần sa khô cùng nhiều phương tiện, tài sản liên quan.

Riêng Cục CSĐT tội phạm về ma tuý – Bộ Công an đã trực tiếp và phối hợp với các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 52 vụ, 161 đối tượng phạm tội về ma túy (trong đó 3 đối tượng truy nã); thu giữ hơn 450kg heroin; hơn 1,5 tấn và 230.802 viên MTTH; hơn 520kg ketamine; hơn 110kg cocain…

Theo Anh Hiếu - Quỳnh Vinh (CAND Online)