Pháp luật

Cần xử nghiêm những người 'nối giáo cho giặc COVID'

Hai công chức phường tại TP.HCM đã lợi dụng tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp để làm hồ sơ tiêm vaccine và xét duyệt hồ sơ hỗ trợ không đúng đối tượng…

Các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến những nỗ lực và thành quả chống dịch của chính quyền và nhân dân.

Thuê xe chở người về từ vùng dịch

Ngày 7-9, Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa (Phú Yên) khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, xảy ra tại phường Phú Đông (TP Tuy Hòa).

Theo kết quả điều tra ban đầu, ngày 21-8, DQN (23 tuổi, ngụ phường Phú Đông) thuê ô tô có kiểu dáng xe cứu thương nhưng chưa có giấy phép hoạt động của một người ở Phú Yên để chạy vào TP.HCM đón khách rồi chở về Khánh Hòa, Phú Yên.

Cần xử nghiêm những người 'nối giáo cho giặc COVID'
Xe cứu thương giả chở người từ TP.HCM về Phú Yên làm lây lan dịch bệnh. (Ảnh do Công an TP Tuy Hòa, Phú Yên cung cấp)

Sau khi trả xe và test nhanh âm tính với virus SARS-CoV-2, ngày 25-8, N tiếp tục thuê và lái xe chở nhiều người từ Phú Yên, Khánh Hòa vào TP.HCM, rồi đón khách tại đây để chở về quê…
Ngày 29-8, N có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. N đã lây bệnh cho bạn gái, cha bạn gái, chị dâu bạn gái và một người khác.

Tại Bình Thuận, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt công an tỉnh đã hai lần buộc quay đầu về nơi xuất phát đối với xe khách do tài xế LTH điều khiển.

Theo thông tin ban đầu, ngày 6-9, xe khách này chở 25 người từ TP.HCM đi Ninh Bình. Khi đến chốt kiểm soát dịch COVID-19 số 2 Bình Thuận (xã Tân Đức, huyện Hàm Tân) thì dừng lại để khai báo y tế.

Tại đây, tài xế đã ký cam kết quay đầu xe về lại TP.HCM do trên xe có nhiều người đi từ vùng dịch. Tối cùng ngày, xe khách này quay trở lại chốt kiểm soát để khai báo y tế, trên xe chỉ có tài xế và người phụ xe.

Sau khi thông chốt, xe lưu thông một đoạn nữa rồi dừng lại để khoảng 20 người núp ở bụi rậm lên xe. Khuya cùng ngày, xe đến huyện Hàm Thuận Nam thì bị kiểm tra và áp giải về Trạm CSGT Hàm Tân.

Trục lợi từ chính sách

Trong khi đó, tại TP.HCM, hai công chức phường đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo Cơ quan CSĐT Công an quận 6, ông Trương Mạnh Thảo (37 tuổi, cán bộ trật tự đô thị UBND phường 2, quận 6) đã lợi dụng tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác tổ chức tiêm vaccine có sơ hở nên đã móc nối, làm hồ sơ tổ chức cho một số người không thuộc diện được tiêm đến tiêm vaccine tại một số địa điểm thuộc phường 2.

Thảo khai nhận bốn tháng qua đã làm hồ sơ tiêm vaccine thành công cho 20 trường hợp không cư trú tại phường 2 và không thuộc diện được tiêm vaccine…

Còn theo Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức, ông Huỳnh Hồng Sơn (51 tuổi, cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) đã lợi dụng vị trí công tác để xét duyệt hồ sơ hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 của phường Phú Hữu và câu kết với một số cá nhân lập hồ sơ nhận tiền hỗ trợ không đúng đối tượng…

Coi chừng bị kết tội nhận hối lộ

Hành vi thuê xe cứu thương (xe khách...) để chở người về từ vùng dịch như mô tả trong bài báo và các hành vi tương tự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 12 Nghị định 117/2020.

Người vi phạm có thể bị xử phạt đến 40 triệu đồng, bị xử phạt bổ sung và buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Trường hợp các hành vi nêu trên làm lây lan dịch bệnh thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS. Mức phạt tối đa có thể lên đến 12 năm tù.

Hành vi tổ chức tiêm vaccine sai đối tượng (cho nhiều người) vì động cơ cá nhân, hành vi lập hồ sơ khống của công chức phường để nhận tiền hỗ trợ có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS.

Nghiêm trọng hơn, nếu công chức phường có hành vi tổ chức tiêm vaccine, lập hồ sơ khống hỗ trợ người lao động sai đối tượng và thu tiền của những người này thì có dấu hiệu của tội nhận hối lộ theo Điều 354 BLHS, khung hình phạt cao nhất có thể lên đến tử hình.

Các hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch cũng như trục lợi từ chính sách trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện nay là rất nguy hiểm cho xã hội, cần nhanh chóng bị xử lý nghiêm nhằm răn đe và phòng ngừa chung.

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM

Theo Hoa Thi (Pháp Luật TPHCM)




https://plo.vn/phap-luat/can-xu-nghiem-nhung-nguoi-noi-giao-cho-giac-covid-1014342.html