Pháp luật

Cán bộ kể chuyện đối mặt với đối tượng trốn thi hành án

Liên tục chửa, đẻ rồi sinh con; giả bệnh để vào điều trị tại các bệnh viện hoặc bỏ đi khỏi nơi cư trú… Đó là những thủ đoạn tinh vi các đối tượng sử dụng để trốn tránh việc thi hành án.

Câu chuyện về quá trình bắt và vận động thi hành án của các cán bộ Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (THAHS và HTTP), Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội), phần nào giúp chúng tôi hiểu hơn về sự nhân văn của các cán bộ thi hành án; cũng như những khó khăn mà hằng ngày, hằng giờ họ phải đối mặt.

20h, 21h… Thời gian chầm chậm trôi đi trong sự chờ đợi của các cán bộ Đội Cảnh sát THAHS và HTTP, Công an quận Hoàng Mai. Trong bóng tối nhạt nhoà, Trung tá Lê Thu Hà và Đại úy Nguyễn Tâm Long, cán bộ của Đội lặng lẽ quan sát. Càng về khuya, ngõ nhỏ càng tĩnh lặng, có thể nghe rõ tiếng đánh vần ê a của đứa trẻ vừa chập chững vào lớp 1, tiếng léo xéo, cằn nhằn của một người phụ nữ luống tuổi… Những âm thanh thường nhật của cuộc sống hằng ngày vọng ra từ các căn nhà, bất giác khiến Trung tá Lê Thu Hà và Đại úy Nguyễn Tâm Long chạnh lòng.

img_2993.jpg -0
Cán bộ Đội Cảnh sát THAHS và HTTP Công an quận Hoàng Mai họp bàn triển khai công tác.

"Hôm nay, đối tượng vẫn không xuất hiện…"- Đây không phải là lần đầu tiên tổ công tác trở về tay trắng nhưng họ nhanh chóng sốc lại tinh thần. So với đồng đội, Trung tá Lê Thu Hà là "tân binh" trong lĩnh vực THAHS và HTTP song với chị những lần xuyên đêm truy bắt đối tượng phạm tội chẳng phải xa lạ, bởi trước đó chị đã từng có thời gian dài công tác tại Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàng Mai.

Tối hôm đó, khi Trung tá Lê Thu Hà cùng đồng đội về đến trụ sở đơn vị thì chuông đồng hồ đã gần 24h. Lúc này, chị mới chúc mừng sinh nhật muộn của Đại úy Nguyễn Tâm Long, khi chỉ còn vài phút nữa là bước sang một ngày mới. Vẫn biết công việc của Đội là vất vả, khi vào việc là chẳng có giờ giấc; nhận nhiệm vụ là lên đường nhưng vào những thời điểm như thế này, các cán bộ Đội Cảnh sát THAHS và HTTP Công an quận Hoàng Mai cũng chẳng tránh khỏi chạnh lòng.

Chỉ trong một buổi chiều nay thôi, chị và đồng đội vừa gọi bát cơm rang chưa kịp ăn thì nhận được thông tin đối tượng xuất hiện ở địa bàn. Vậy là, họ lại tất tả lên dường. Công việc đối với nam giới vốn đã không dễ dàng, với người phụ nữ cùng lúc đảm nhận thiên chức của người vợ, người mẹ càng không dễ dàng. Có những lúc, chị vừa về nhà thì nhận được điện thoại của lãnh đạo đơn vị lại lập tức đến cơ quan.

Trong Đội chỉ có hai cán bộ nữ, vì thế nếu bị án là nữ thì họ phải có mặt kịp thời để xử lý. Bị án lần này của Trung tá Lê Thu Hà là một phụ nữ nhưng có thủ đoạn trốn thi hành án rất tinh vi. Trong thời gian chờ thi hành án, đối tượng chuyển địa điểm sinh sống từ quận Hoàng Mai sang Long Biên rồi lấy chồng và mang thai. Khi cán bộ Đội Cảnh sát THAHS và HTTP Công an quận Hoàng Mai vận động lên làm việc thì bị án tìm mọi cách để đối phó. Sau đó, đối tượng lại lợi dụng việc mang thai, có thái độ thách thức cơ quan Công an.

Song nguy hiểm nhất có lẽ là những lần đối mặt với các đối tượng đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ; những kẻ chẳng còn gì để mất, trong khi các cán bộ thi hành án hình sự lại chẳng có bất kỳ một trợ cấp nào liên quan đến công tác phòng, chống dịch, bệnh - Đại úy Nguyễn Tâm Long, cán bộ Đội Cảnh sát THAHS và HTTP Công an quận Hoàng Mai chia sẻ với chúng tôi. Một trong những câu chuyện để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc nhất đối với Đại úy Nguyễn Tâm Long là lần vận động gia đình ông Trịnh Tấn T (trú tại quận Hoàng Mai) đưa con trai là Trịnh Quốc Tiến (SN 1972, trú tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai), đi thi hành án vào tháng 11/2022.

Trịnh Quốc Tiến không thuộc diện được hoãn thi hành án, đối tượng này có án phạt 28 tháng tù giam về tội "Mua bán trái phép chất ma túy". Khi đang bị tạm giữ chờ thi hành bản án, sức khoẻ đối tượng bị suy kiệt do căn bệnh thế kỷ giai đoạn cuối nên được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi Toà án có quyết định thi hành án thì Tiến trốn tránh bằng cách thường xuyên nằm viện.

Ngày 9/3, Tiến có đơn xin hoãn thi hành án gửi Cơ quan Thi hành án hình sự Công an quận Hoàng Mai với lý do hiện đang điều trị tại nhà do đang bị bệnh HIV giai đoạn cuối, lao kháng thuốc, hoại tử tinh hoàn. Bản thân Tiến bị mắc các bệnh như Lao phổi MDR, viêm gan virus C mạn tính, HIV, đái tháo đường. Mọi sinh hoạt hàng ngày của Tiến đều phải có sự giúp đỡ của người thân trong gia đình.

Khi có mặt tại nhà Tiến, Đại úy Nguyễn Tâm Long và đồng đội không khỏi xót xa trước cảnh người đàn ông và người phụ nữ đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm" phải chăm sóc cậu con trai mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Trước Tiến, cũng có mấy người chị gái nhưng chẳng ai dám qua lại vì sợ bị lây nhiễm. Vì thế, mọi việc sinh hoạt của anh ta đều phải do người cha, mẹ cáng đáng. "Em ốm lắm, các anh cho em ở nhà chữa bệnh", Tiến vừa nói với cán bộ thi hành án, vừa đưa tay gãi vào những vết thương đang lở loét trên gương mặt gầy gò, hốc hác…

Cảm thông trước hoàn cảnh của bố mẹ Tiến, Đại úy Nguyễn Tâm Long đã nhiều lần đến gặp gỡ, động viên bố mẹ của Tiến và các chị gái thuyết phục anh ta đi chấp hành án. "Mưa dầm thấm lâu", những lời nói phân tích thấu tình, hợp lý đã giúp những người thân trong gia đình anh ta hiểu ra. Đối tượng Tiến sau khi được phân tích đã tự nguyện chấp hành thi hành án.

Sau khi Tiến đi được không lâu, bố mẹ của anh ta đã nhờ người đưa đến Công an quận Hoàng Mai gặp Đại úy Nguyễn Tâm Long. "Lâu lắm rồi, chúng tôi mới được ăn một bát phở. Có lẽ đến bây giờ, chúng tôi mới thật sự có được một cuộc sống của tuổi già"- Trong tâm trạng xúc động, vợ chồng họ đã chia sẻ với các cán bộ Đội Cảnh sát THAHS và HTTP. Thời gian Tiến ở nhà, cuộc sống của họ vô cùng khổ cực. Bố mẹ Tiến đều là cán bộ về hưu, với mức lương khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng nhưng bao năm họ cũng chỉ có mỳ tôm, vì toàn bộ số tiền đều không đáp ứng đủ nhu cầu của cậu con trai. 

Đại úy Nguyễn Thanh Tùng là cán bộ gắn bó lâu năm nhất với Đội Cảnh sát THAHS & HTTP Công an quận Hoàng Mai. Những câu chuyện anh chia sẻ giúp tôi hiểu thêm về góc khuất, sự nhân văn của những người làm công tác thi hành án hình sự. Phía sau mỗi câu chuyện lại là một mảnh ghép cuộc đời với những số phận vừa đáng thương, lại vừa đáng trách… Một trong số đó là trường hợp của Nguyễn Mai Ly (SN 1999, trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai).

Ly lấy chồng rồi liên tiếp sinh 5 người con nhưng những đứa trẻ mang nặng đẻ đau đều lần lượt bị chị ta mang đi bán. Đứa trẻ nhỏ nhất, Ly đẻ rơi tại Cao Bằng cũng không ngoại lệ… Khi đường dây mua bán trẻ em bị phát hiện, các đối tượng chủ mưu và đồng phạm, trong đó có chồng của Ly bị bắt giữ và bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Với hành vi phạm tội đã gây ra, Ly bị tuyên phạt 12 năm tù giam song vì đang nuôi con nhỏ nên chị ta được tại ngoại…

Nguyễn Mai Ly sau khi được vận động đã quyết định chấp hành bản án phạt tù nhưng ngặt nỗi đứa con nhỏ của chị ta lại không có người chăm sóc. Hoàn cảnh của Ly rất đặc biệt, bố, mẹ đẻ và bố, mẹ chồng của Mai Ly đều đã qua đời, trong khi anh em họ hàng cũng đều mệt mỏi và không ai muốn quan tâm đến cuộc sống của vợ chồng Ly.

Nhìn đứa con nhỏ của Ly, Đại úy Nguyễn Thanh Tùng và lãnh đạo Đội Cảnh sát THAHS và HTTP Công an quận Hoàng Mai, không khỏi xót xa. Họ gặp gỡ những người thân trong gia đình của Ly để động viên. Sau khi được vận động, thuyết phục, cuối tháng 11/2022, một người họ hàng của Ly đã đồng ý đưa cháu bé về nhà nuôi dưỡng để Ly chấp hành án phạt tù.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Đội Cảnh sát THAHS và HTTP Công an quận Hoàng Mai chia sẻ: Hoạt động của tội phạm ngày càng phức tạp thì công việc của cán bộ thi hành án hình sự cũng càng khó khăn hơn nhiều. Đối tượng của họ rất đa dạng, đó có thể là một người có học thức song cũng có khi là một kẻ có nhiều tiền án, tiền sự đang trong mình căn bệnh thế kỷ….

Tâm lý của các bị án khi được tạm hoãn thi hành án thường là né tránh, trốn thi hành án. Để phục vụ ý định đó, các đối tượng cũng có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với sự phát hiện của cơ quan Công an. Đối tượng nữ thì lợi dụng việc chửa, đẻ; trường hợp là nam thì giả vờ đi chữa bệnh, số khác thì bỏ trốn khỏi nơi cư trú… Với mỗi trường hợp lại có những khó khăn riêng đòi hỏi sự linh hoạt và khéo léo của những cán bộ làm nhiệm vụ. Có lúc thì vận động, thuyết phục, song với các đối tượng manh động, liều lĩnh, cố tình chống đối thì họ tổ chức truy bắt đến cùng. Bởi còn một đối tượng trốn thi hành án nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì các nguy cơ tiềm ẩn phức tạp về xã hội vẫn còn cận kề. Và hơn hết, đó là mỗi cán bộ thi hành án hình sự nhận thấy trách nhiệm của mình với công việc, đó là bắt các đối tượng phạm tội phải chấp hành hình phạt đã gây ra, bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật. 

Việc truy tìm các đối tượng trốn thi hành án cũng rất vất vả, Đại úy Nguyễn Thanh Tùng cho biết. Như để minh chứng, anh kể cho chúng tôi việc bắt giữ Hoàng Minh Kéo (SN 1980, trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), đối tượng có án phạt 20 tháng tù về hành vi đánh bạc. Trong thời gian tại ngoại, nguyên sinh viên đại học này đã bỏ trốn khỏi địa phương. Sau khi Toà án nhân dân quận Hoàng Mai có công văn đề nghị, Cơ quan thi hành án Công an quận Hoàng Mai đã ra quyết định truy nã đối tượng. Sau đó, cán bộ đơn vị nhiều lần vận động nhưng đối tượng vẫn không đến cơ quan Công an trình diện. Trong quá trình rà soát, Đại úy Nguyễn Thanh Tùng và đồng đội phát hiện được đối tượng đang làm thuê cho một công ty xây dựng. Từ thông tin thu thập được, anh và đồng đội đã "tương kế, tựu kế", tổ chức bắt giữ Hoàng Minh Kéo trước sự bất ngờ của đối tượng.

 Công việc nối tiếp công việc nhưng nhận nhiệm vụ là các cán bộ Đội Cảnh sát THAHS và HTTP Công an quận Hoàng Mai lên đường, không quản vất vả với mong muốn mang lại sự bình yên cho địa bàn.

Theo Xuân Mai (CAND Online) 




https://cand.com.vn/guong-sang/can-bo-ke-chuyen-doi-mat-voi-doi-tuong-tron-thi-hanh-an-i677369/