Pháp luật

Cách thức hoạt động tinh vi của đường dây buôn lậu do cựu đại úy công an cầm đầu

Gần hai năm, đường dây buôn lậu nhập 1.280 container hàng hoá về Việt Nam. Đường dây của cựu đại uý công an Hoàng Duy Tiến làm gì để có thể qua mặt lực lượng chức năng nhập được số hàng hoá, thiết bị lớn như vậy?

Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM xác định rõ, đường dây buôn lậu do cựu đại uý Hoàng Duy Tiến (37 tuổi) cầm đầu cùng 25 đồng phạm trong gần hai năm đã nhập lậu 1.280 container hàng hoá thiết bị từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) về Việt Nam với tổng giá trị 211 tỷ đồng.

Trong số các bị can, có Hoàng Duy Tiến  và Võ Văn Đông (cựu trung tá), đều là cán bộ Đội phòng, chống buôn lậu của Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (PC03) - Công an TP.HCM.

Cách thức hoạt động tinh vi của đường dây buôn lậu do cựu đại úy công an cầm đầu

Theo kết luận điều tra, bị can Tiến là cảnh sát của lực lượng phòng, chống buôn lậu của Phòng PC03 nên am hiểu các quy định pháp luật về xuất, nhập khẩu hàng hoá. Cụ thể là quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Để thu lợi bất chính, Tiến lập ra đường dây buôn lậu kín kẽ và có những thủ đoạn tinh vi để lách luật.

Tiến thoả thuận với các chủ hàng, sẽ nhập hàng hoá, thiết bị đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam thông qua các pháp nhân công ty do Tiến tổ chức. Mỗi container hàng hoá nhập thành công, chủ hàng phải trả cho nhóm của Tiến 78 - 90 triệu đồng. Sau đó, Tiến giao hàng cho các chủ hàng bán ra thị trường, thu lợi bất chính.

Tiến thành lập 47 công ty, do 15 cá nhân đứng tên để lấy pháp nhân nhập hàng mà không có hoạt động kinh doanh thực tế.

Theo một số nội dung về xuất, nhập khẩu, hàng hóa là máy móc, thiết bị đã qua sử dụng trong diện nhập khẩu về sử dụng cho hoạt động sản xuất tại Việt Nam và tuổi không quá 10 năm.

Hàng hoá nhập lậu trong vụ án này, được xác định là đã sản xuất trên 10 năm. Khi nhận thông tin từ các chủ hàng, Tiến chỉ đạo giám đốc của hệ thống công ty “ma” của mình làm tờ khai gian dối về năm sản xuất và giảm giá trị thật của hàng hoá, thiết bị.

Ngoài ra, Tiến còn móc nối với lãnh đạo, nhân viên của Công ty CP Giám định Đại Minh Việt để lập khống biên bản giám định hàng hoá, cấp chứng thư giám định khống để cung cấp cho hải quan cửa khẩu, từ đó hàng hoá trót lọt dễ dàng. Điều tra xác định, Tiến trả 2,8 - 3,2 triệu đồng mỗi chứng thư giám định khống của Công ty Đại Minh Việt.

Chính vì vậy, trong vụ án này, trong số 26 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Buôn lậu” có đến 11 người là giám đốc, phó giám đốc, trưởng các bộ phận và giám định viên của Công ty Đại Minh Việt nói trên.

Lời khai có cán bộ hải quan liên quan?

Thực tế là hàng hoá thiết bị vừa về cảng thì nhóm của Tiến giao cho các chủ hàng mang đi bán kiếm lời. 

Trong vụ án này, công an đã làm rõ vai trò của Võ Văn Đông (cựu trung tá) cùng công tác chung với bị can Hoàng Duy Tiến tại Đội phòng, chống buôn lậu của Phòng PC03 - Công an TP.HCM. 

Cụ thể, tháng 2/2021, Đông có trao đổi với Tiến về việc một người bạn muốn nhập hàng hoá, thiết bị cũ về Việt Nam. Tiến đồng ý làm trọn gói thủ tục nhập hàng về, với giá 90 triệu đồng/container.

Tiến và Đông thường xuyên trao đổi qua ứng dụng Viber về thông tin hàng hoá, quá trình vận chuyển, thủ tục… Mỗi container hàng hoá nhập thành công, Đông hẹn gặp Tiến tại quán cà phê hoặc gặp ngay tại đơn vị để giao dịch tiền bạc. 

Trong vụ án, bị can Đông bị xác định là 1 trong 6 chủ hàng đã nhờ nhóm của Tiến nhập lậu hàng hoá, thiết bị từ Nhật Bản, Đài Loan về Việt Nam.

Bị can Đông không thừa nhận. Nhưng cơ quan điều tra đủ cơ sở kết luận, hơn 3 tháng, bị can Đông đã nhờ Tiến nhập trót lọt 6 container hàng hoá từ nước ngoài về.

Đáng nói quá trình điều tra, Tiến và các bị can khác có khai, đã liên hệ với V.X.Đ - cán bộ hải quan Đội thủ tục hàng hoá thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I - Cục Hải quan TP.HCM và một số người khác để hỗ trợ cho các container nhập lậu qua đường cảng Cát Lái. Về tình tiết này, cơ quan CSĐT sẽ làm rõ và xử lý sau.

Ngoài ra, các bị can thuộc Công ty CP Giám định Đại Minh Việt có khai, khi lập khống biên bản giám định hàng hoá, cấp chứng thư giám định khống giúp cho Tiến thì được thanh toán qua tài khoản cá nhân, chứ không đưa các khoản chi phí này vào báo cáo tài chính, báo cáo thuế của công ty. Công an nhận định, hành vi này có dấu hiệu của tội “Trốn thuế”. Cơ quan CSĐT sẽ tiếp tục thu thập chứng cứ, tài liệu để điều tra, xử lý sau.

Theo Đàm Đệ (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/cach-thuc-hoat-dong-tinh-vi-cua-duong-day-buon-lau-do-cuu-dai-uy-cong-an-cam-dau-2063701.html