Pháp luật

Các cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương tiếp tay cho vụ bán 'đất vàng' như thế nào?

Cơ quan điều tra đánh giá, do tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, ông Trần Văn Nam cùng nhóm cựu cán bộ tỉnh Bình Dương dễ dàng bỏ qua kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước…để thay thế bằng những ‘luật lệ’ bất thành văn nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Dàn cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương tiếp tay cho sai phạm

Trong kết luận điều tra bổ sung ngày 10/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an cáo buộc ông Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3/2) thao túng Hội đồng thành viên công ty để phục vụ lợi ích cá nhân.

Theo C03, khi chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú và đưa khu đất 145 ha vào góp vốn tại Công ty Tân Thành, ông Minh tự ý định giá nhằm phục vụ cho mục đích chuyển nhượng trái phép các dự án đầu tư trên các khu đất. Hành vi này gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước hơn 1.850 tỷ đồng. Bản thân ông bị cáo buộc tham ô hơn 815 tỷ trong quá trình mua bán cổ phần, trực tiếp chiếm hưởng hơn 154 tỷ đồng.

Liên quan vụ án, C03 xác định ông Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) dù biết đề xuất thu tiền thuế trước bạ và tiền sử dụng đất đối với Tổng Công ty 3/2 theo mức giá năm 2006 là sai (lẽ ra phải theo mức giá tại thời điểm giao đất năm 2012), nhưng vẫn cho thực hiện, gây thất thoát hơn 761 tỷ đồng.

Trong việc xử lý khu đất 43 ha, ông Nam không yêu cầu đưa khu đất về cho Công ty Impco (theo đúng phương án phê duyệt sử dụng đất) mà cố ý để cho Tổng công ty 3/2 tiếp tục thực hiện hành vi chuyển nhượng vi phạm pháp luật.

Làm việc với cơ quan điều tra, ông Nam khai, việc ký hợp đồng chuyển nhượng các khu đất là Tổng Công ty 3/2 tự ý thực hiện, tỉnh không có chỉ đạo cụ thể. Khi doanh nghiệp này tiếp tục báo cáo việc chuyển nhượng vốn góp tại các công ty “sân sau”, Tỉnh ủy Bình Dương đã họp và đánh giá “sự việc đã rồi”, nếu hủy bỏ sẽ phức tạp nên để Tổng Công ty 3/2 thực hiện tiếp dẫn đến loạt sai phạm về sau.

Các cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương tiếp tay cho vụ bán 'đất vàng' như thế nào? ảnh 1
Khu đất 145 ha nằm sát khu đất 43 ha.

Ông Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) dù biết Tổng công ty 3/2 chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú trái với chủ trương, quyết định của Tỉnh ủy, nhưng sau này vẫn đồng ý để tổng công ty tiếp tục chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Hành vi trên tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Minh và đồng phạm hoàn thành việc chuyển dịch toàn bộ tài sản của Nhà nước sang tư nhân, gây thiệt hại hơn 200 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Liêm cũng ký ban hành quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, thống nhất đưa khu đất 145 ha vào mục “tài sản chờ thanh lý” mà không đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp là trái với quy định pháp luật.

Ông Phạm Văn Cành (cựu Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy) biết Tổng công ty 3/2 đã chuyển nhượng khu đất 43 ha trái quy định pháp luật nhưng vẫn đồng ý, ký thông báo cho doanh nghiệp tiếp tục chuyển nhượng 30% vốn góp tại liên doanh cho Công ty Âu Lạc, tạo điều kiện cho bị can Minh và đồng phạm hoàn thành việc chuyển dịch toàn bộ tài sản của Nhà nước sang tư nhân, gây thiệt hại hơn 200 tỷ đồng.

Ông Cành còn thực hiện theo chỉ đạo của ông Trần Văn Nam, ký “hợp thức hóa” nhiều công văn, làm sai lệch bản chất nội dung phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất.

Các bị can: Nguyễn Thanh Trúc (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh); ông Lê Văn Lượng (cựu Chánh Văn phòng UBND tỉnh); Trần Xuân Lâm (cựu Chánh Thanh tra tỉnh); Lê Văn Trang (cựu Cục trưởng Cục thuế tỉnh) biết rõ đề xuất áp dụng đơn giá đất trái với quy định nhưng vẫn đồng ý với ý kiến tham mưu của cấp dưới, rồi duyệt nội dung để trình cựu Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam ký ban hành văn bản cho phép áp dụng đơn giá đất. Hành vi của nhóm này liên đới, gây thất thoát ngân sách hơn 761 tỷ đồng.

Đánh giá về nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội, C03 cho rằng, các bị can trong vụ án đa phần là những cán bộ, đảng viên có vai trò lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Dương, của doanh nghiệp kinh tế lớn ở địa phương nhưng bị tha hóa, biến chất.

“Do tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, họ dễ dàng bỏ qua kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước… để thay thế bằng những ‘luật lệ’ bất thành văn nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”, C03 kết luận.

Các cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương tiếp tay cho vụ bán 'đất vàng' như thế nào? ảnh 2
Ông Trần Văn Nam (trái) cùng dàn cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

Xem xét trách nhiệm của Đoàn kiểm toán Nhà nước

Theo C03, vụ án xảy ra còn một phần trách nhiệm của các cá nhân trong Đoàn kiểm toán Nhà nước kiểm tra việc Tổng Công ty 3/2 thực hiện kết luận, kiến nghị tại Báo cáo kiểm toán ngày 28/8/2017. Do thời hạn điều tra đã hết, C03 sẽ tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ để xem xét giải quyết theo quy định.

Đối với một số cán bộ khác thuộc Cục thuế tỉnh Bình Dương thực hiện thu tiền sử dụng khu đất theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương. Do không đủ cơ sở xử lý trách nhiệm hình sự, C03 kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh này xem xét kỷ luật theo quy định.

Tại Tổng Công ty 3/2, ngoài những sai phạm liên quan đến hai khu đất 43 ha và 145 ha, cơ quan điều tra xác định doanh nghiệp này còn được giao nhiều khu đất dịch vụ khác. Để tránh thất thoát ngân sách Nhà nước, C03 có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Dương kiểm tra, rà soát lại việc giao đất, tính tiền sử dụng đất.

Trong vụ án, 3 bị can Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ, Huỳnh Thanh Hải, bị đề nghị truy tố về 2 tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Tham ô tài sản".

3 bị can Võ Hồng Cường, Nguyễn Thục Anh và Trần Đình Như Ý bị đề nghị truy tố về tội "Tham ô tài sản".

Ông Trần Văn Nam cùng 21 bị can còn lại bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Theo Hoàng An (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/cac-cuu-lanh-dao-tinh-binh-duong-tiep-tay-cho-vu-ban-dat-vang-nhu-the-nao-post1423191.tpo