Pháp luật

Cà Mau: Bất nhất về bồi thường oan sai, tòa huyện “xét xử” tòa thành phố

Sau 3 lần thương lượng không thành về việc bồi thường cho người bị oan sai, TAND TP.Cà Mau bị người dân khởi kiện. Một TAND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Cà Mau thụ lý, yêu cầu bị đơn trình bày ý kiến của mình về yêu cầu của nguyên đơn.

Không có tiếng nói chung về tiền bồi thường

TAND huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) đang thụ lý đơn khởi kiện của anh Nguyễn Anh Duy (SN 1996) và bị đơn là TAND TP.Cà Mau.

Theo nội dung đơn khởi kiện của anh Duy, ngày 14/7/2016, TAND TP.Cà Mau ra bản án số 101/2016/HSST, tuyên phạt 5 bị cáo trong vụ án Cố ý gây thương tích, trong đó anh Duy bị xử 5 năm tù giam.

HĐXX sơ thẩm gồm: Thẩm phán Nguyễn Hồng Thắm và 2 hội thẩm nhân dân là Bùi Đức Thắng, Nguyễn Văn Chiến.

Tháng 11/2016, TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Sau gần 3 năm điều tra lại, với 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 1/8/2019, VKSND TP.Cà Mau ban hành quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can theo khoản 1 Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự do “không đủ căn cứ kết luận có sự việc phạm tội đối với bị can Nguyễn Anh Duy”.

Cà Mau: Bất nhất về bồi thường oan sai, tòa huyện “xét xử” tòa thành phố
Tòa án xét xử độc lập theo quy định pháp luật.

Cuối tháng 11/2019, anh Duy nộp đơn đề nghị TAND TP.Cà Mau phục hồi danh dự và bồi thường thiệt hại cho anh. Nhưng 1 tháng sau, cơ quan này ra thông báo trả đơn của anh Duy với nội dung: “Chưa đủ căn cứ xác định Nguyễn Anh Duy có phạm tội hay không. Vì vậy, TAND TP Cà Mau chưa đủ cơ sở bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự theo yêu cầu của anh Duy”.

Đến khi TAND tỉnh Cà Mau có yêu cầu, TAND TP.Cà Mau mới ra quyết định thụ lý và cử người giải quyết bồi thường cho anh Nguyễn Anh Duy vào tháng 6/2020.

Sau 3 buổi gặp mặt trao đổi vào các ngày 19, 21 và 28/8/2020, việc thương lượng vẫn không thành công. Phía anh Duy yêu cầu được bồi thường thiệt hại hơn 1 tỷ đồng nhưng tòa án chỉ chấp nhận bồi thường gần 450 triệu đồng.

Làm rõ yêu cầu bồi thường, đại diện cho anh Duy là luật sư Trần Thị Ánh, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, số tiền hơn 1 tỷ đồng là phù hợp với những thiệt hại. Cụ thể, thiệt hại do tài sản bị xâm hại (chi phí gia đình thăm nuôi, tiền sửa xe máy trong thời gian Duy bị giam).

Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất vì anh Duy bị tạm giữ, tạm giam 824 ngày, bị cấm đi khỏi nơi cư trú sau khi được đình chỉ bị can, đình chỉ vụ án là 775 ngày. Ngoài ra, còn có thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm hại là tiền khám chữa bệnh sau khi được tại ngoại, thiệt hại về tinh thần cùng các chi phí khác.

Đại diện TAND TP.Cà Mau khẳng định, ý kiến của người yêu cầu bồi thường và cơ quan giải quyết bồi thường đã tiến hành thương lượng trên cơ sở công bằng, dân chủ, tôn trọng ý kiến của nhau trong quá trình thương lượng.

Tuy nhiên, các bên chưa thống nhất được số tiền bồi thường nên cuộc thương lượng không thành. Trong đó, tòa án không chấp nhận bồi thường tiền chênh lệch trong yêu cầu “thiệt hại do tài sản bị xâm phạm”, không chấp nhận bồi thường tổn thất tinh thần cho 775 ngày anh Duy bị cấm đi khỏi nơi cư trú (từ ngày được tại ngoại 16/6/2017 đến ngày đình chỉ bị can 1/8/2019) vì không có quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú…

Đối với thiệt hại do thu nhập bị mất trong thời gian bị bắt giam, phía tòa án cho rằng anh Duy làm công việc phụ ráp cửa nhôm, không có hợp đồng lao động, công việc không thường xuyên.

Thời điểm năm 2015, không xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương nên chỉ tính mức lương tối thiểu của vùng IV do Nhà nước quy định là 3.070.000 đồng/tháng (mỗi tháng chỉ tính 26 ngày, bằng 118.076 đồng/ngày). Do đó, tiền bồi thường ở khoản này chỉ hơn 97 triệu đồng cho 822 ngày bị giam.

Trong đơn khởi kiện gửi đến TAND huyện Cái Nước, ngoài số tiền đòi bồi thường oan sai, anh Duy còn yêu cầu TAND TP.Cà Mau phải xin lỗi công khai tại nơi anh cư trú, đăng lời xin lỗi trên 1 tờ báo Trung ương và 1 tờ báo địa phương trong 3 số liên tiếp.

Trước pháp luật, tất cả đều bình đẳng

Ghi nhận các ý kiến khách quan về vụ kiện, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã trao đổi với một số chuyên gia pháp lý.

Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật, Giám đốc công ty Luật TNHH Chính Nghĩa Luật, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, theo quy định tại luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, người yêu cầu có quyền yêu cầu một trong các cơ quan giải quyết bồi thường.

TAND cấp huyện nơi cư trú, làm việc của người yêu cầu bồi thường hoặc nơi đặt trụ sở của bị đơn theo lựa chọn của người yêu cầu bồi thường là tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm yêu cầu bồi thường. Trong đó bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện.

Như vậy, hoàn toàn có cơ sở khi TAND huyện Cái Nước (nơi nguyên đơn cư trú) là tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm yêu cầu bồi thường trong trường hợp bị đơn là TAND TP.Cà Mau.

Cà Mau: Bất nhất về bồi thường oan sai, tòa huyện “xét xử” tòa thành phố - 1
Theo thông báo thụ lý của TAND huyện Cái Nước, TAND TP.Cà Mau phải trả lời về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Cùng với đó, Hiến pháp cũng khẳng định, thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập. Nội dung này cũng được quy định tại Điều 9 luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Điều 12 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

“Các quy định đó thể hiện việc xét xử chỉ tuân theo pháp luật. Trong thực tế, xét xử vụ kiện mà tòa án này lại là cơ quan bị yêu cầu bồi thường thiệt hại và tòa án cùng cấp là cơ quan giải quyết, thì sẽ không thể tránh khỏi dư luận xã hội. Bởi, thẩm phán xét xử vụ án đó cũng có thể có mối quan hệ đồng nghiệp thân thiết với tòa án kia, hoặc bị chi phối bởi sự lãnh đạo, chỉ đạo trong hệ thống tòa án”, luật sư Quang Nhật đánh giá.

Còn luật sư Lê Trung Phát, đoàn Luật sư TP.HCM nhận xét: “Tòa án có trách nhiệm ra một bản án công tâm và đúng với luật pháp, bản thân HĐXX cũng độc lập khi xét xử. Nó cũng giống như các vụ kiện hành chính trong tố tụng hành chính, tòa án cấp quận, huyện vẫn xét xử UBND hoặc Chủ tịch UBND cấp quận, huyện”.

Nhà nước ta đang chú trọng đến việc xây dựng “pháp chế xã hội chủ nghĩa”, đồng nghĩa với việc lấy pháp luật làm cán cân công bằng, mọi tổ chức, cá nhân đều phải hành xử theo luật.

Cho nên, việc khởi kiện tòa án khi cho rằng không đảm bảo về quyền lợi của mình trong việc giải quyết bồi thường là một hướng giải quyết văn minh và đảm bảo được luật pháp được thực thi. Điều đó còn thể hiện được sự hiểu biết về pháp luật của người dân đang được nâng cao.

Trong trường hợp cụ thể, vì TAND TP.Cà Mau đã xét xử sơ thẩm bằng 1 bản án. Và khi không thống nhất với nhau về giá trị bồi thường, tòa này sẽ bị khởi kiện bởi anh Duy.

“Khi tham gia với vai trò là bị đơn dân sự, bản thân Chánh án TAND TP.Cà Mau có thể trực tiếp tham gia, hoặc ủy quyền cho người khác tham gia. Riêng HĐXX, đại diện VKSND tham gia phiên xử sơ thẩm cho vụ án hình sự trước đó sẽ không liên quan đến việc giá trị bồi thường mà anh Duy đang kiện”, Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát phân tích.

Hơn nữa, do đây là vụ án tranh chấp về bồi thường đang được áp dụng theo Bộ luật Tố tụng Dân sự để giải quyết, nên sẽ không liên quan đến vụ án hình sự đã xử trước đây.

Trường hợp trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nếu anh Duy cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm, thì sau khi xét xử sơ thẩm, anh Duy được quyền kháng cáo bản án theo quy định.

Theo Hà Nhân (Nguoiduatin.vn)