Pháp luật

‘Bí ẩn’ sau tiếng súng nổ trong ngôi nhà vắng hạnh phúc

Tiếng súng nổ như giọt nước cuối cùng làm tràn ly sau những tháng ngày không hạnh phúc, mở ra những rắc rối cho người liên quan.

Anh T. (SN 1964) kết hôn với chị Lê Ngọc Lê (SN 1976) ngày 15/9/1995 và sinh sống tại phố Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội cùng cậu con trai SN 1996.

Cuộc hôn nhân của chị Lê và anh T. không được ấm êm khi cả hai thường xuyên cãi chửi nhau. Sau những căng thẳng tột độ, họ sống cùng nhà nhưng ly thân.  

Ngày 20/12/2012, chị Lê gửi đơn đến TAND quận Hoàn Kiếm yêu cầu được ly hôn. Qúa trình chờ tòa án giải quyết, từ tháng 1-12/2014, công an phường Chương Dương nhiều lần lập biên bản hòa giải và biên bản cảm hóa giáo dục đối với anh T., chị Lê và con trai về mâu thuẫn gia đình.

Theo cáo trạng của VKSND TP Hà Nội, tối 31/12/2014, chị Lê đang nằm xem ti vi tại tầng 1 thì thấy anh T. về, tay cầm đoạn gậy dạng tuýp sắt. Do sợ chồng đánh nên chị Lê lấy khẩu súng để trong túi nilon ở đầu đệm, nơi chị nằm, dùng 2 tay (đã đeo găng tay y tế) cầm súng bắn về phía anh T.

Súng nổ nhưng không trúng người anh T. Lúc này, anh T. lao vào vợ, chị Lê giơ súng bắn tiếp phát nữa, nhưng đạn không nổ. Anh T. áp sát vợ, hai bên vật lộn, khẩu súng văng xuống sàn nhà. Trong lúc hai vợ chồng giằng co, anh T. gọi con trai: “S. ơi cứu bố, mẹ mày dùng súng bắn bố”.

S. chơi điện tử ở tầng 2, chạy xuống thấy bố mẹ đang vật lộn trong nhà đã mở cửa, chạy ra ngoài tìm người giúp đỡ. Anh T. cũng bỏ chạy đến công an phường trình báo.

Cáo trạng cho rằng, chị Lê là người ra khỏi nhà cuối cùng và sau đó cũng nhờ người đưa đến công an phường trình báo việc mình bị chồng, con bắn.

‘Bí ẩn’ sau tiếng súng nổ trong ngôi nhà vắng hạnh phúc
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vào tháng 1/2015, chị Lê bị Công an quận Hoàn Kiếm khởi tố hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. 6 tháng sau, Công an quận bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với chị thêm tội giết người.

Đến tháng 6/2016, Công an Hà Nội có quyết định đình chỉ bị can đối với chị Lê ở hành vi tàng trữ vũ khí quân dụng vì kết luận giám định cho thấy, khẩu súng trong vụ án là khẩu súng tự chế bắn đạn thể thao.

Đơn kêu oan của người vợ

Theo lịch xét xử của TAND TP Hà Nội, đầu tháng 7 vụ án được đưa ra xét xử. Do chị Lê có đơn xin hoãn tòa vì lý do sức khỏe nên phiên xử đã không diễn ra như dự kiến.

Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, chị Lê đã làm đơn kêu oan. Chị  cho rằng, tối hôm xảy ra sự việc, chị đang nằm xem ti vi thì anh T. vào nhà khóa cửa lại. Sau đó chị nghe tiếng chồng gọi con trai: “S. ơi cầm cái ấy xuống làm đi”.

Chị L. trình bày: “Lúc đó, S. từ tầng 2 đi xuống, đứng ở bậc thang gần nhất, sau chỗ để ti vi. “S. giơ tay lên, tôi nhìn thấy trên tay là một vật hình khẩu súng. Tôi sợ quá và ngất đi (tôi vốn bị bệnh tim bẩm sinh, thường xuyên phải điều trị tại bệnh viện).

Tôi không biết mình ngất đi trong bao lâu. Khi tỉnh lại thì nghe thấy tiếng anh T. hỏi con tôi: “Nó chết chưa?” S. trả lời: “Chết rồi, thấy nằm im, máu ra nhiều”. Sau đó anh T. nói: “Mày bắn một phát về phía bố, rồi ra Công an khai là mẹ bắn bố xong, mẹ tự sát”. Tiếp theo là tiếng nổ cùng với tiếng anh T. kêu: “S. ơi! Nó có súng bắn bố”. Tôi sợ quá, vẫn nằm im giả vờ chết...

Luật sư của chị Lê cũng có đơn gửi Viện trưởng VKSND TP Hà Nội kiến nghị đình chỉ vụ án vì cho rằng, dấu hiệu khởi tố, truy tố oan sai cho bị can là rất rõ.

Khởi nguồn cho những sai lầm nghiêm trọng trong vụ án là sự mất bình đẳng trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng của 3 người trong gia đình chị Lê. Việc xác định tư cách tham gia tố tụng thiếu khách quan đã định hướng cho toàn bộ các khâu, các bước giải quyết sau đó.

Luật sư phân tích, trong vụ án này, CQĐT đã không chứng minh được đầu đạn do khẩu súng thu được tại hiện trường bắn ra không xác định được phương và hướng đi, không thể chứng minh được chị Lê là người đã sử dụng súng để bắn về phía chồng.

Theo T.Nhung (VietNamNet)