Pháp luật

Bắt băng nhóm lừa đảo ‘mua bảo hiểm gói vay vốn’

Sau khi gọi điện cho khách hàng, các đối tượng trong vai nhân viên tư vấn sẽ giới thiệu hai gói vay gồm gói 10 triệu đến 50 triệu và gói 60 triệu đến 100 triệu đồng. Để được “giải ngân” số tiền vay, khách hàng phải “mua bảo hiểm gói vay” với gói thứ nhất là 1,9 triệu đồng và gói thứ hai là 3,9 triệu đồng.

Ngày 27/9, Công an huyện Bình Chánh, TPHCM vừa triệt phá một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đường dây này do Nguyễn Quốc Đạt (SN 1999) và Lê Thị Thanh Sáu (SN 1990, ngụ quận Tân Phú) cầm đầu.

Theo điều tra, sau dịch bệnh COVID-19, Đạt và Sáu biết nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, cần vay vốn tiền mặt, nên đã cùng đồng bọn đã lập ra đường dây để giả mạo ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng thuê một địa điểm ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh làm nơi hoạt động.

Nguyễn Quốc Đạt và Lê Thị Thanh Sáu tại cơ quan công an.

Để hoạt động lừa đảo diễn ra trót lọt, các đối tượng phân công từng người đóng vai các bộ phận như tư vấn, thẩm định, giải ngân và chăm sóc khách hàng. Sau đó, các thành viên trong nhóm gọi điện thoại xưng là nhân viên của một ngân hàng mời gọi cho vay tiền với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng.

Sau khi tiếp xúc với khách hàng, các đối tượng trong vai nhân viên tư vấn sẽ giới thiệu hai gói vay gồm gói 10 triệu đến 50 triệu và gói 60 triệu đến 100 triệu đồng.

Để được “giải ngân” số tiền vay, khách hàng phải “mua bảo hiểm gói vay” với gói thứ nhất là 1,9 triệu đồng và gói thứ hai là 3,9 triệu đồng.

Các đối tượng liên quan đến đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Đạt và Sáu cầm đầu.

Sau đó, các đối tượng làm thẻ ATM giả và thông báo với khách hàng là số tiền vay đã được “giải ngân” sẵn trong thẻ ATM. Khi khách hàng nhận thẻ kích hoạt sẽ được rút tiền đã vay.

Nhiều người dân sau khi nhận được bưu phẩm từ nhân viên bưu cục chuyển đến có thẻ ATM nên tin tưởng chuyển tiền phí “bảo hiểm khoản vay” từ gần 1,9-3,9 triệu đồng để “kích hoạt” số tiền vay trong thẻ ATM như hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo.

Sau đó, nhiều người mang thẻ ATM ra ngân hàng để rút tiền thì phát hiện đây là những thẻ giả và bản thân đã bị lừa.

Một số thẻ ATM giả được các đối tượng dùng để lừa đảo.
Để hoạt động lừa đảo diễn ra trót lọt, các đối tượng còn phân công từng người đóng vai các bộ phận như tư vấn, thẩm định, giải ngân và chăm sóc khách hàng...

Hiện tại cơ quan điều tra đã xác định được hàng chục trường hợp là bị hại của băng nhóm này.

Công an huyện Bình Chánh đề nghị những ai là nạn nhân của băng nhóm lừa đảo trên cần sớm liên hệ Công an huyện để trình báo nhằm phục vụ công tác điều tra.

Theo Hữu Huy (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/bat-bang-nhom-lua-dao-mua-bao-hiem-goi-vay-von-post1473054.tpo