Pháp luật

Án nào cho giảng viên đại học lái xe đâm liên hoàn ở Hà Nội?

Vụ giảng viên đại học lái xe đâm liên hoàn khiến 4 người bị thương đang gây xôn xao dư luận, nhiều người đặt câu hỏi nam tài xế nào sẽ phải đối mặt với khung hình phạt nào?

Liên quan tới vụ giảng viên đại học lái xe đâm liên hoàn ngày 8/9, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết nam tài xế gây tai nạn là Trịnh Văn Phương (SN 1981, thường trú tại khu 3 phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) hiện đang là giảng viên của một trường đại học đào tạo khối ngành quân sự và có hộ khẩu thường trú tại quận Cầu Giấy.

Án nào cho giảng viên đại học lái xe đâm liên hoàn ở Hà Nội?
Hiện trường vụ tai nạn.

Người lái xe gây ra vụ tai nạn liên hoàn sau đó đã có kết quả kiểm tra nồng độ cồn là 0,897 mg/l khí thở - gấp 2,24 lần mức kịch khung theo quy định tại Nghị định 100. Trong khi đó 4 nạn nhân bị thương do tài xế Phương tông trúng không ghi nhận nồng độ cồn trong cơ thể.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tài sản và sức khỏe của nhiều người tham gia giao thông, có dấu hiệu vi phạm về nồng độ cồn, không làm chủ tốc độ của người lái xe bởi vậy cơ quan chức năng sẽ xác định nguyên nhân vụ việc và làm rõ hậu quả của vụ tai nạn để có căn cứ giải quyết theo quy định pháp luật.

Án nào cho giảng viên đại học lái xe đâm liên hoàn ở Hà Nội? - 1
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi trong khí thở và máu có nồng độ cồn là vi phạm Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Luật Giao thông đường bộ, sẽ bị xử phạt hành chính có thể tới 40.000.000 đồng, tước giấy phép lái xe tới 24 tháng đối với xe ô tô, nếu gây tai nạn giao thông hậu quả nghiêm trọng thì hành vi này là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, với hành vi cố tình bỏ chạy không cứu giúp người bị nạn, trốn tránh trách nhiệm thì đây cũng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nếu như đủ căn cứ để khởi tố về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ tốc độ, làn đường, hướng di chuyển, khả năng quan sát và nguyên nhân của vụ tai nạn để xác định người điều khiển phương tiện này có lỗi hay không, nếu có thì đó là lỗi gì dẫn đến vụ tai nạn xảy ra.

Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho hay, theo diễn biến qua clip cho thấy khi vụ tai nạn đã xảy ra đối với xe gắn máy, người điều khiển ô tô này vẫn không dừng lại mà kéo lê xe máy một đoạn đường rất dài sau đó đâm vào ô tô Honda hiệu CRV thì mới dừng lại. Diễn biến qua clip cho thấy người điều khiển phương tiện đã không làm chủ tốc độ và việc bỏ chạy có thể là do hoảng loạn hoặc muốn trốn tránh trách nhiệm. Vụ tai nạn với xe ô tô thì lỗi với người điều khiển phương tiện này là rõ ràng hơn. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ xác định yếu tố lỗi, diễn biến hành vi của người điều khiển chiếc xe ô tô này và tiến hành giám định, định giá tài sản để xác định thiệt hại đã gây ra đối với những người bị hại, làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

"Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có nạn nhân tử vong hoặc thương tích 61 % trở lên hoặc thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên đồng thời có căn cứ cho thấy người điều khiển chiếc xe ô tô này đã có lỗi như thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến vụ tai nạn xảy ra thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và có thể bắt tạm giam đối với người lái xe này về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điều 260 Bộ luật Hình sự.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy người điều khiển ô tô này đã có lỗi và hậu quả thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc thương tích cho nạn nhân từ 61 % trở lên thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người lái xe này và người này có thể bị áp dụng nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (trong đó có tình tiết là vi phạm về nồng độ cồn) và khung hình phạt là phạt tù từ 03 năm đến 10 năm", luật sư Cường phân tích.

Theo luật sư Cường, đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên mà vi phạm luật giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng đến mức bị xử lý hình sự thì cơ quan tổ chức quản lý cán bộ cũng sẽ xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật, mức cao nhất có thể áp dụng là cách chức, buộc thôi việc. Bởi vậy, trong vụ việc này, thông tin ban đầu cho thấy người điều khiển phương tiện là giảng viên của một trường đại học. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhân thân, diễn biến hành vi và xác định hậu quả xảy ra để sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó không loại trừ tình huống có thể xử lý kỷ luật và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hậu quả là nghiêm trọng.

Theo Gia Đạt (Kienthuc.net.vn)




https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/an-nao-cho-giang-vien-dai-hoc-lai-xe-dam-lien-hoan-o-ha-noi-1747939.html