Pháp luật

Ái nữ phạm tội theo cha trong thương vụ thâu tóm 'đất vàng' ở Bình Dương

Trong vụ thâu tóm đất vàng ở Bình Dương, cả con rể và ái nữ của ông Nguyễn Văn Minh đều bị coi là đồng phạm của cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc (TGĐ) Tổng công ty 3/2.

Trong vụ án tham ô tài sản, sai phạm về đất đai ở Bình Dương, ông Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tổng công ty 3/2) bị đề nghị truy tố 2 tội: Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và Tham ô tài sản.

Trong khi con rể ông Minh là Nguyễn Đại Dương đồng phạm với bố vợ tội Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, Nguyễn Thục Anh (SN 1982, vợ Dương) đồng phạm với bố mình ở tội Tham ô tài sản.

Kết luận điều tra cho rằng, ông Nguyễn Văn Minh đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để thao túng hoạt động của Hội đồng thành viên Tổng công ty 3/2 theo mục đích cá nhân.

Ái nữ phạm tội theo cha trong thương vụ thâu tóm 'đất vàng' ở Bình Dương
Bị can Nguyễn Văn Minh (phải). Ảnh: Bộ Công an

Ông Minh đã cố ý vi phạm các quy định của pháp luật, không định giá các khu đất theo quy định mà tự ý định giá nhằm phục vụ cho mục đích chuyển nhượng trái phép các dự án đầu tư trên các khu đất này, không dựa trên cơ sở pháp luật nào, không có báo cáo và không được Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt.

Hành vi này của ông Minh gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.850 tỷ đồng.

Ái nữ phạm tội theo cha 

Nguyễn Thục Anh là Chủ tịch HĐTV Công ty Phát triển và là cổ đông cá nhân tại Công ty Hưng Vượng, sở hữu 5,1% cổ phần.

Trần Đình Như Ý là thành viên HĐTV Công ty Phát triển và là cổ đông cá nhân tại Công ty Hưng Vượng, sở hữu 4,9% cổ phần.

Theo kết luận điều tra, năm 2011, Thục Anh và Như Ý được ông Minh trao đổi, bàn bạc đưa Công ty Phát triển vào liên doanh để thực hiện dự án trên khu đất 145 ha thay thế Công ty Hàn Quốc.

CQĐT cho rằng, bị can Thục Anh và Như Ý biết rõ Công ty Phát triển không có kinh nghiệm và không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án.

Theo lời khai của Thục Anh, khi trao đổi, ông Minh nói, Công ty Phát triển và Công ty Hưng Vượng thay thế 2 đối tác Hàn Quốc góp vốn vào Công ty Tân Thành sẽ có lợi từ 5-10 năm. Ông Minh cũng cam kết với con gái, Tổng công ty 3/2 sẽ hỗ trợ vốn.

Bạnh cạnh đó, Thục Anh và Như Ý tính toán, với việc tham gia góp vốn vào Công ty Tân Thành, cho dù không tiếp tục đầu tư mà chuyển nhượng cổ phần khi công ty này sở hữu khu đất 145 ha thì vẫn có lợi. Từ đó, cả hai quyết định góp vốn vào Tân Thành...

Kết luận điều tra cho rằng, hành vi tham gia cùng với bố trong việc bàn bạc, thống nhất chủ trương và thực hiện thương vụ chuyển nhượng 19% cổ phần của Công ty Tân Thành cho Tổng công ty 3/2 CTCP là giúp sức, tạo điều kiện để ông Minh chiếm đoạt số tiền hơn 815 tỷ đồng.

Thục Anh khai, do tin tưởng vào chủ trương và chỉ đạo của bố mình nên bị can chỉ thực hiện mà không quan tâm đến tính chất của việc chuyển nhượng thế nào.

CQĐT xác định, ông Minh chiếm hưởng hơn 154 tỷ đồng, trong khi đó Thục Anh chiếm hưởng hơn 209 tỷ đồng.

Sau khi vụ việc bị phát hiện, ngày 15/11/2019, theo chỉ đạo của ông Minh, các hợp đồng mua bán cổ phần bị hủy.

CQĐT cũng cho rằng, thông qua bố vợ, Nguyễn Đại Dương biết Tổng công ty 3/2 có khu đất 43 ha nên thống nhất thành lập pháp nhân Công ty Âu Lạc, giao Nguyễn Quốc Hùng làm TGĐ, đại diện pháp luật ký hợp đồng hợp tác với Tổng Công ty 3/2 vào ngày 1/7/2010.

Việc này nhằm thành lập liên doanh Công ty Tân Phú để mua khu đất 43 ha của Tổng công ty 3/2 với giá 570 ngàn đồng/m2.

Dù Dương không đứng tên trong nhóm cổ đông sáng lập, góp vốn thành lập Công ty Âu Lạc, nhưng kết quả điều tra và lời khai của các cổ đông sáng lập thể hiện việc Dương thông qua em gái, mẹ, vợ và một người khác chuyển 24,2 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty Âu Lạc, viết giấy xác nhận thể hiện việc Dương nhờ người đứng tên hộ 45% cổ phần tại Âu Lạc...

Ông Nguyễn Văn Minh đã đại diện Tổng Công ty 3/2 ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất 43 ha cho công ty Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng.

Việc chuyển nhượng này trái với phê duyệt của tỉnh ủy, trái các quy định của pháp luật và việc chuyển nhượng nốt 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc khiến Nhà nước mất toàn bộ quyền sở hữu tại khu đất trên.

Theo kết luận điều tra bổ sung, Nguyễn Đại Dương giữ vai trò xuyên suốt, thúc đẩy, hỗ trợ, tạo điều kiện cho bố vợ và đồng phạm thực hiện hành vi tội phạm.

Dương cũng có hành vi liên đới gây ra hậu quả thiệt hại hơn 201 tỷ đồng cho Nhà nước.

Theo T.Nhung (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ai-nu-pham-toi-theo-cha-trong-thuong-vu-thau-tom-dat-vang-o-binh-duong-823234.html