Pháp luật

6.000 m2 đất 'vàng' Sài Gòn vào tay tư nhân như thế nào

Ngoài sai phạm của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Kim Thoa, Phó chủ tịch TP HCM... các doanh nghiệp cũng góp nhiều "động tác" để thâu tóm khu đất đắc địa.

Khu đất 6.000 m2 số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, có vị trí đắc địa bậc nhất Sài Gòn khi ba mặt còn tiền còn lại là đường Thi Sách, Đông Du và Công trường Mê Linh. Sau năm 1975, khu đất được Chính phủ giao cho Bộ Lương thực và Thực phẩm (sau là Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn) quản lý.

Năm 2007, công ty này cổ phần hóa thành Tổng Công ty Sabeco, phải nộp tiền thuê đất cho nhà nước để sản xuất kinh doanh. Bộ Công thương là đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn góp tại Sabeco (89,5%), quản lý vốn nhà nước thông qua Bộ phận quản lý vốn nhà nước gồm nhiều cá nhân. Khu đất 2-4-6 được đưa vào giá trị doanh nghiệp, nhưng Sabeco chưa nộp tiền sử dụng đất.

Theo đề nghị của Sabeco, tháng 12/2007, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín đồng ý chủ trương cho công ty này làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng khu phức hợp khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại hội nghị, cao ốc văn phòng cho thuê tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Để thực hiện dự án, Tổng công ty Sabeco liên doanh với nhiều nhà đầu tư thành lập Công ty liên doanh Sabeco Land. Năm 2011, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân duyệt giá trị quyền sử dụng đất để Tổng công ty Sabeco thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được chuyển mục đích sử dụng đất theo giá thị trường là 1.236 tỷ đồng. Tuy nhiên, Sabeco không thực hiện.

6.000 m2 đất 'vàng' Sài Gòn vào tay tư nhân như thế nào
Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (màu xanh) có 4 mặt tiền, vị trí đắc địa nhất Sài Gòn, hiện có giá thị trường khoảng 1,3 tỷ đồng/m2. Ảnh: Hữu Khoa.

Tháng 9/2012, ông Phan Đăng Tuất (chủ tịch HĐQT, phụ trách Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco) có công văn đề nghị Bộ Công thương làm việc với UBND TP HCM, cho công ty được gia hạn nộp tiền quyền sử dụng đất. Do việc hợp tác không hiệu quả, các nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính nên Công ty liên doanh Sacbeco Land sau đó giải thể.

Tháng 4/2014, Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco do ông Tuất và nhiều thành viên ký công văn đề xuất Bộ Công thương cho hợp tác với nhóm nhà đầu tư mới, thành lập công ty cổ phần để tiếp tục thực hiện dự án nhằm tránh lãng phí sử dụng khu đất.

Phương án được đề xuất là: Sabeco sẽ góp 26% vốn điều lệ (18% tiền mặt và 8% giá trị lợi thế); các cổ đông còn lại góp vốn bằng tiền mặt và nộp 1.236 tỷ đồng tiền sử dụng đất cùng tiền nộp phạt quá hạn; các cổ đông còn lại cam kết thu xếp nguồn tiền cho việc triển khai dự án theo đúng tiến độ. Sabeco sẽ chuyển giao quyền sử dụng khu đất cho công ty cổ phần này.

Ngày 17/6/2014, ông Phan Chí Dũng (Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ) tham mưu cho bà Hồ Thị Kim Thoa (Thứ trưởng Bộ Công thương) trả lời đề xuất của Sabeco. Bà Thoa yêu cầu Dũng báo cáo xin ý kiến Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trước khi bà ký văn bản. Ông Hoàng sau đó đã bổ sung vào dự thảo văn bản nội dung: Việc lựa chọn nhà đầu tư cụ thể, Tổng công ty phải báo cáo Bộ để được xem xét quyết định.

Ba ngày sau, bà Thoa ký công văn đồng thời bổ sung ý kiến của Bộ trưởng vào văn bản: Bộ Công thương đồng ý với đề nghị của Bộ phận quản lý vốn nhà nước về việc lựa chọn nhóm nhà đầu tư mới thay thế nhà đầu tư cũ để triển khai dự án... Bộ phận quản lý vốn nhà nước có ý kiến với HĐQT và Ban điều hành khẩn trương triển khai dự án.

Được lãnh đạo Bộ Công thương chấp thuận chủ trương, bà Phạm Thị Hồng Hạnh (Tổng giám đốc Sabeco, thành viên Bộ phận quản lý vốn nhà nước) đề nghị UBND TP HCM xác định lại giá trị quyền sử sụng đất. Đồng thời, chủ tịch Bộ phận vốn góp nhà nước tại Sabeco cũng trình lãnh đạo Bộ Công thương về việc chọn các nhà đầu tư mới.

Tháng 2/2015, đại diện của Sabeco đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty CP Attland, Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An; Công ty CP đầu tư Mê Linh thành lập Công ty cổ phần Sabeco Pearl, vốn điều lệ gần 485 tỷ đồng.

6.000 m2 đất 'vàng' Sài Gòn vào tay tư nhân như thế nào - 1
Nguyên thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa (trái, đã bỏ trốn); ông Vũ Huy Hoàng (giữa) và Phan Chí Dũng tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an.

Hai tháng sau, ông Phan Đăng Tuất với tư cách là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sabeco ký công văn đề nghị UBND TP HCM duyệt cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư và được nộp tiền quyền sử dụng đất. Cơ cơ sở viện dẫn là các công văn của Bộ Công thương về việc chấp thuận cho Sabeco liên doanh thành lập pháp nhân mới là Sabeco Pearl, chuyển giao quyền sử dụng đất cho công ty mới này.

Ngày 10/4/2015, ông Nguyễn Hữu Tín giao các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, UBND quận 1, nghiên cứu đề xuất của Sabeco. Sau khi lấy ý kiến tham mưu của các cơ quan, ngày 30/6/2015, ông Tín ký công văn chấp thuận cho Công ty Sabeco Pearl thuê khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng với giá hơn 997 tỷ đồng (thấp hơn giá Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân duyệt trước đó là 1.236 tỷ đồng), trong thời hạn 50 năm.

Một tuần sau, ông Đào Anh Kiệt (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM) ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với khu đất cho Công ty Sabeco Pearl.

Theo đề xuất của lãnh đạo Sở Quy hoạch kiến trúc TP HCM, ông Tín sau đó tiếp tục ký công văn chấp thuận về việc điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc xây dựng bổ sung thêm chức năng căn hộ ở cho dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Ngày 6/1/2016, sau khi được TP HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl đứng tên khu đất và điều chỉnh công năng dự án, bà Huỳnh Phương Thảo (Chủ tịch HĐQT Công ty Attland), Võ Thị Kim Thoa (Chủ tịch HĐQT Công ty Hà An), ông Lý Trường An (Chủ tịch HĐQT Công ty Mê Linh) cùng ký công văn gửi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Công văn nêu: Việc tăng vốn đầu tư vào lĩnh vực ngoài ngành của Sabeco không phù hợp với quy định tại NĐ91/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/12/2015; chúng tôi đã tiến hành xin phép điều chỉnh công năng dự án có thêm chức năng căn hộ ở tại dự án và kiến nghị Bộ trưởng chỉ đạo Tổng công ty Sabeco thoái toàn bộ vốn tại Công ty Sabeco Pearl.

Đến ngày 15/1/2016, nhóm nhà đầu tư này tiếp tục ký công văn gửi ông Vũ Huy Hoàng đề nghị được mua lại toàn bộ phần vốn góp 26% của Sabeco.

Bốn ngày sau, Vụ trưởng Phan Chí Dũng báo cáo ông Hoàng và bà Thoa là việc thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl là phù hợp với chủ trương của Chính phủ, đồng thời đề xuất Bộ trưởng chỉ đạo Tổng Công ty Sabeco thực hiện các thủ tục và phương án thoái vốn tại Sabeco Pearl.

Theo kết quả thẩm định giá, 14,7 triệu cổ phần (tương đương 26% vốn nhà nước) của Sabeco sau khi được điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch bổ sung chức năng căn hộ có giá 14.433 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, Phan Chí Dũng báo cáo ông Hoàng và đề xuất phê duyệt giá 13.247 đồng/cổ phần (chưa được bổ sung chức năng căn hộ) làm giá sàn để thực hiện thoái vốn.

Ông Hoàng và bà Thoa sau đó đều có ý kiến và chỉ đạo phê duyệt giá sàn là 13,247 đồng/cổ phần. Theo đó, 26% vốn của Sabeco đã được Công ty Attland mua lại với tổng giá trị 196,645 tỷ đồng.

Đến tháng 10/2016, Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đổi tên Công ty Sabeco Pearl thành Công ty Cổ phần đầu tư Quảng trường Mê Linh. Những người đại diện phần vốn góp nhà nước tại Sabeco lúc này cũng hết nhiệm vụ. Hiện, Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân, là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

6.000 m2 đất 'vàng' Sài Gòn vào tay tư nhân như thế nào - 2
Ông Nguyễn Hữu Tín bị tuyên phạt 7 năm tù hồi cuối năm 2019 do sai phạm trong việc giao đất công sản cho Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: Hữu Khoa.

Theo cơ quan giám định, giá trị quyền sử dụng đất thời điển Bộ Công thương phê duyệt giá sàn 13.247 đồng/cổ phần (1/4/2016) theo chỉ tiêu quy hoạch của thành phố có thêm chức năng căn hộ ở là hơn 2.505 tỷ đồng. Giá trị quyền sử dụng đất thời điểm cơ quan điều tra khởi tố vụ án tháng 11/2018 là hơn 3.816 tỷ đồng. Đây cũng là hậu quả thiệt hại cơ quan điều tra xác định do hành vi sai phạm của các bị can trong vụ án gây ra.

Hiện, nhà chức trách đề nghị UBND TP HCM ngừng mọi giao dịch, chuyển nhượng cổ phần, thay đổi người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại trụ sở là khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng...

Hồi tháng 11/2018, sai phạm tại dư án 2-4-6 Hai Bà Trưng đã bị phát hiện. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Hữu Tín (62 tuổi, cựu Phó chủ tịch TP HCM), Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường) và một số cán bộ sở ngành của TP HCM về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai theo Điều 229 BLHS 2015. Các sai phạm của cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nguyên thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa... cũng bị xem xét.

Theo cơ quan điều tra, hành vi của ông Tín và đồng phạm phê duyệt cho Công ty Sabeco Pearl thuê và cấp giấy chứng nhận khu đất thay cho Sabeco là không đúng quy định. Bởi Sabeco Pearl không thuộc đối tượng được thực hiện hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Làm việc với cơ quan chức năng, ông Tín, Kiệt thừa nhận hành vi là trái với quy định của pháp luật nhưng cho rằng "hoàn toàn không có động cơ tư lợi".

Đến ngày 10/7, Bộ Công an khởi tố ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa và Phan Chí Dũng cùng về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219. Tuy nhiên, lúc này bà Thoa đã không còn ở Việt Nam.

Chỉ 3 ngày sau, Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ cho VKSND Tối cao đề nghị truy tố nhóm bị can trên. Riêng bà Thoa đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, đồng thời tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được sẽ phục hồi, xử lý.

Liên quan đến vụ án, hành vi của ông Phan Đăng Tuất và hàng loạt người khác bị cho là sai phạm nhưng nguyên nhân từ việc thực hiện theo mệnh lệch, chỉ đạo của cấp trên nên không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, cơ quan điều tra kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm về mặt Đảng và chính quyền đối với những người này.

Theo Hải Duyên (Vnexpress.net)




https://vnexpress.net/6-000-m2-dat-vang-sai-gon-vao-tay-tu-nhan-nhu-the-nao-4130445.html