Pháp luật

3 triệu USD hối lộ Nguyễn Bắc Son, con gái chối nhận: Kế thoát tội hay 'thân ai nấy lo'?

Nếu con gái ông Son chối nhận 3 triệu USD từ cha mình để không bị quy án nhưng cách này lại đang cho thấy hóa ra vì đồng tiền, vì an toàn tính mạng thì tình cha con cũng bị xem nhẹ; miễn là thoát án, thoát xác an toàn mà thôi.

3 triệu USD (tương đương 66,4 tỷ đồng) – là số tiền cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ (SN 1973, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG).

Thông tin trên vừa được Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an công bố trong bản kết luận điều tra tra vụ án sai phạm sử dụng vốn đầu tư công tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã khiến dư luận bức xúc.

Bởi như lời Nguyên Chánh tòa Hình sự Nguyễn Đức Sáu nói, đây là lần đầu tiên mới có bị can thừa nhận đã nhận hối lộ tới 3 triệu USD, còn xưa nay không có.

Dư luận phẫn nộ hơn nữa, đây là số tiền cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Bắc Son hưởng lợi bất chính từ việc chỉ đạo MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, gây thiệt hại cho vốn nhà nước khoảng 7.000 tỷ đồng.

3 triệu USD hối lộ Nguyễn Bắc Son, con gái chối nhận: Kế thoát tội hay 'thân ai nấy lo'?
Ông Nguyễn Bắc Son.

Đáng chú ý, theo kết luận điều tra, trong vụ án trên, ông Nguyễn Bắc Son giữ vai trò cầm đầu. Bản thân cựu Bộ trưởng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vì động cơ mục đích cá nhân, quyết liệt chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm trái quy định… dẫn đến việc Mobifone phải tổ chức thực hiện, ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG, gây thiệt hại hơn 6.400 tỷ đồng theo phương pháp tài sản.

Bản thân ông Son khi thực hiện hành vi vi phạm nghĩ rằng nếu việc mua bán thành công thì cổ đông AVG sẽ cảm ơn ông bằng vật chất. Khi nhận 3 triệu USD, ông Son cũng nhận thức việc ông Phạm Nhật Vũ đưa tiền vì mình đã chỉ đạo thực hiện xong dự án mua cổ phần của AVG.

Đáng chú ý, việc trao nhận 3 triệu USD giữa ông Phạm Nhật Vũ và ông Nguyễn Bắc Son diễn ra ngay tại nhà ông Son một cách như đương nhiên phải thế và đúng như mục tiêu ban đầu của ông Son khi “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.

Qua đó cũng cho thấy một tình trạng đáng báo động về sự tha hóa, biến chất của một số cán bộ, quan chức. Khi quyền lực trong tay những kẻ tham lam, biến chất, tự chuyển hóa, tự diễn biến thì tham nhũng là điều tất yếu. Thật nguy hiểm khi những người thực hiện thể chế vì lợi ích cá nhân mà tự tạo cơ chế để tham nhũng, bòn rút tiền ngân sách, bởi nó không chỉ gây thất thoát tiền ngân sách mà còn khiến người dân mất niềm tin vào hệ thống chính quyền.

Nhận hối lộ dễ dàng, chỉ một thương vụ đã khiến ông Nguyễn Bắc Son bỏ túi hàng triệu USD, hàng chục tỷ đồng nên cách ông Son chi tiền cũng vô cùng dễ dãi. Theo lời khai của ông này, sau khi nhận tiền, ông Son khai đưa cho con gái là Nguyễn Thị Thu H. trong những lần Huyền từ TP.HCM ra Hà Nội thăm gia đình. Số tiền được chia ra 10 lần đưa, mỗi lần 300.000 USD đến 400.000 USD.

Trong bản kết luận dù chưa nêu rõ mục đích ông Son đưa tiền cho con gái nhưng ai cũng ngầm hiểu đó là hình thức tẩu tán tài sản. Bởi thực tế, việc các “quan tham” chuyển dịch, tẩu tán tài sản đã không còn là chuyện hiếm hiện nay.

Trong không ít vụ án, đối tượng tham nhũng thường tìm cách tẩu tán tài sản bằng cách cho người thân như bố, mẹ, con cái đứng tên chủ sở hữu nhà cửa, đất đai, xe cộ... Những người này lại không thuộc diện kê khai tài sản nên mới có tình trạng, quan chức đôi khi kê khai tài sản rất ít nhưng vợ, con, người thân tài sản lại rất nhiều. Dẫn đến khi phát hiện ra dấu hiệu của đối tượng tham nhũng, Cơ quan điều tra tiến hành khởi tố, bắt tạm giam thì tài sản đã bị chuyển hóa, bốc hơi, không thể thu hồi được.

Vụ việc Giang Kim Đạt - nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh công ty Vinashinlines chiếm đoạt gần 19 triệu USD, sau đó “chuyển dịch” cho người thân là một ví dụ điển hình.

Đáng chú ý, tại cơ quan điều tra, con gái ông Son đã phủ nhận lời khai của bố mình là ông Nguyễn Bắc Son. Bà H. nói rằng chỉ ra Hà Nội thăm bố mẹ và vợ chồng ông Son có vào TP.HCM thăm và H. vài lần và bà không nhận bất cứ khoản tiền nào từ ông Nguyễn Bắc Son.

"Kết quả đối chất với ông Nguyễn Bắc Son, bà H. vẫn giữ nguyên lời khai không nhận tiền", kết luận điều tra nêu rõ.

Khi cơ quan điều tra lấy lời khai với con gái của ông Nguyễn Bắc Son, chị H. khẳng định không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ bố. Kết quả đối chất với ông Nguyễn Bắc Son, chị N.T.T.H vẫn giữ nguyên lời khai không nhận tiền.

Đáng chú ý, kết luận điều tra cũng xác định căn cứ tài liệu chứng cứ và lời khai những người liên quan chưa có chứng cứ và tài liệu trực tiếp chứng minh việc Nguyễn Thị Thu H. nhận và sử dụng tiền của ông Son. Do vậy, không đủ căn cứ xử lý hình sự đối với bà Nguyễn Thị Thu H.

Dù chưa có chứng cứ và tài liệu chứng minh việc Nguyễn Thị Thu H. nhận tiền từ bố mình nhưng dư luận tin ông Son nói thật. Bởi nếu bị can Son chấp nhận việc không khắc phục hậu quả 3 triệu USD thì sẽ không khai việc đưa tiền cho con gái. Ông Son cũng không thể vì bản thân mình mà khai như vậy để con gái vướng vòng lao lý.

Tuy nhiên, nếu con gái ông Son đã nhận tiền của cha, nay phủ nhận đó cũng là chuyện khó lý giải. Bởi cha con tình thân, để cứu cha mình, sao con gái ông Son lại phủ nhận việc này.

Theo quy định của pháp luật, ông Nguyễn Bắc Son có thể được không thi hành án tử hình nếu “sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản nhận hối lộ”. Việc bị can tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả thì đây là một tình tiết quan trọng để được giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự, thậm chí có thể giữ được mạng sống, không bị áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình.

Trong vụ án này, ông Son nhận hối lộ đến 3 triệu USD nhưng mới nộp khắc phục hậu quả số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân tại Vietcombank thì khó có thể xem là tình tiết giảm nhẹ. Vậy tại sao, con gái ông Son lại không mang tiền (nếu nhận) để giữ mạng sống cha mình.

Việc chối để không bị quy án nhưng cách này lại đang cho thấy hóa ra vì đồng tiền, vì an toàn tính mạng thì tình cha con cũng bị xem nhẹ; miễn là thoát án, thoát xác an toàn mà thôi.

“Tiền nhiều để làm gì? Tiền nhiều làm gì để mà ngày hôm nay ngồi đây như thế này?” – câu nói của một doanh nhân nổi tiếng trong ngành café lại đúng trong trường hợp này.

Tiền nhiều để làm gì để rồi cha con phải đối chất nhau vì tiền tại cơ quan điều tra? Tiền nhiều để làm gì rồi mặc cha đến thế nào thì đến? Nếu nghĩ đến ngày hôm nay, chắc hẳn ông Nguyễn Bắc Son sẽ cảm thấy vô cùng hối hận, vì tiền ông ta bất chấp pháp luật làm việc phi pháp để giờ phải đối mặt với bản án cao nhất của pháp luật để rồi giờ đây cũng vì tiền mà ông Son nhận tiếp “trái đắng” về tình cha con.

Dù sao, cơ quan điều tra cần làm rõ số tiền 65 tỷ đồng mà ông Son nhận hối lộ chưa nộp lại, giờ ở đâu? Bởi đó không phải tiền của cha con ông Son mà là tiền của máu xương đồng bào.

Theo Tâm Đức (Kienthuc.net.vn)